Đi tìm Tam Quốc

Những nhân vật được 'biểu tượng hóa' đến mức tối đa trong Tam Quốc Diễn Nghĩa, một ngày nào đó ắt phải được nhìn nhận lại theo nhu cầu và nhận thức tương ứng của thời đại.

Có cậu con trai nào thuở nhỏ không từng một lần đọc qua Tam Quốc, nghe người lớn bàn Tam Quốc?

Đã biết đến Tam Quốc, có chàng trai nào lại không ấp ủ giấc mơ đao thương kiếm kích, tung hoành trận mạc phóng mắt nhìn giang sơn, chỉ tay bình thiên hạ?

Đã rành Tam Quốc, có mấy ai lại không biết đến những cố sự “tam cố thảo lư”, “thất cầm thất túng”, “lục xuất Kỳ Sơn” hay “tam khí Chu Du”?

Tôi đã từng là một cậu trai như thế, tuổi trẻ của tôi đã từng đi qua hết những cung bậc cảm xúc như thế cùng với Tam Quốc Diễn Nghĩa của La Quán Trung. Từng người từng người trong bộ tiểu thuyết đó đã được xây dựng với tính điển hình cực kỳ cao. Họ chiếm giữ một thuộc tính sâu đậm đến mức hễ nhắc đến thuộc tính đó, là nhắc đến họ. Nóng tính hả, còn ai nóng hơn Trương Phi? Nhân nghĩa ư, có ai khác bì được với Lưu Bị? Cúc cung tận tụy ư, chỉ có thể là Gia Cát Lượng. Tam Quốc Diễn Nghĩa vì thế cứ sống mãi trong lòng của người yêu thích văn học, vì thế vẫn cứ là cuốn sách tôi không thể không đọc suốt bao nhiêu mùa hè của thời học sinh, sinh viên.

'Lạc trôi' giữa thế giới Tam Quốc

Bất chấp sự thật rằng Tam Quốc Diễn Nghĩa chỉ là một tác phẩm văn học, mức độ hòa trộn của nó vào đời sống lớn đến nỗi khiến người ta vẫn không ngừng suy xét và đặt nghi vấn về hành trạng và tâm lý của nhân vật. Nhìn từ góc độ nhận thức xã hội, đây là chuyện thường tình. Những nhân vật được “biểu tượng hóa” đến mức tối đa trong Tam Quốc Diễn Nghĩa, một ngày nào đó ắt phải được nhìn nhận lại theo nhu cầu và nhận thức tương ứng của thời đại. Logic của cuộc sống hiện tại không chấp nhận mức độ “tuyệt đối” trong bình xét con người, vậy thì những “tuyệt nghĩa Quan Vũ” hay “tuyệt trí Khổng Minh” ắt phải đứng trước áp lực đánh giá lại về tính cách, tài năng, tư tưởng; và những “tuyệt nhân Lưu Bị”,“tuyệt gian Tào Tháo” ắt phải bị nghi ngờ rằng có nhân đến mức đó không, có gian đến thế không…?

Dần dần, báo chí cũng bắt đầu khai thác nhiều về đề tài này. Nhưng thẳng thắn mà nói, đa phần đều là những bài viết mang tính chất câu view bằng tít gây sốc, bằng chủ đề đầy rẫy thuyết âm mưu, chẳng hạn: Lưu Bị "mượn tay" Tôn Quyền để triệt hạ Quan Vũ; Triệu Vân là nữ cải nam trang; Gia Cát Lượng bức Bàng Thống vào tử lộ… Tít được giật rất kêu, âm mưu nghe ra rất lớn, thậm chí một số ý kiến của “chuyên gia” Trung Quốc cũng được trích dẫn. Nhưng rốt cuộc, chỉ là trích dẫn chủ quan, không hề có cơ sở sử liệu, các luận điểm nặng về suy diễn, đoán mò, thiếu chứng cứ.

Cùng với sự xuất hiện của một loạt các tác phẩm bình luận Tam Quốc, lần lượt Tào Tháo, Lưu Bị, Lữ Bố, Ngụy Diên, Khổng Minh, Chu Du, Giả Hủ, Quách Gia… đều lọt vào làn sóng “xét lại Tam Quốc”. Dữ liệu lịch sử thiếu vắng, trong khi dữ liệu văn học (Tam Quốc Diễn Nghĩa) và các tác phẩm phái sinh Tam Quốc khác (phim ảnh, game, truyện tranh…) lại tràn lan càng khiến cho những đánh giá nhân vật, những xét lại sự kiện lại càng dễ sai lệch. Vấn đề quan trọng là đánh giá lại như thế nào, bằng phương pháp luận gì, từ những góc độ nào, và cái cốt lõi đầu tiên: sử dụng tư liệu nào cho hợp lý?

Tôi đã trôi nổi giữa những suy nghĩ ấy khá lâu. Lạc trôi giữa những bàn luận Tam Quốc vô căn cứ, nặng cảm tính, lí luận thì nhiều mà dẫn chứng chẳng thấy đâu. Lạc trôi giữa vô vàn những diễn đàn/mạng xã hội chuyên “bình Tam Quốc” mà thật ra bình thì ít, ném đá thì nhiều. Như một người đứng nhìn những tượng đài yêu quý lần lượt bị giật sập, tôi cố đi tìm cho mình một quan điểm tương đồng, hay ít nhất cũng là một sự đồng cảm. Trời không phụ người, cuối cùng tôi tìm được một nơi lý thú. Đó là một diễn đàn mà đa số thành viên đã lớn tuổi (ngoài 30), đàm đạo túc tắc thôi nhưng lại không kém phần sâu sắc trong cái nhìn về Tam Quốc. Với tôi đó là một may mắn, bởi đó chính là nơi sinh hoạt của những người về sau đã hoàn thành việc dịch bộ sử về thời kỳ Tam Quốc yêu thích của tôi – bộ TAM QUỐC CHÍ (tác giả Trần Thọ - Bùi Tùng Chi).

Một năm cùng “TAM QUỐC CHÍ”

Ít ai biết, cách đây gần 10 năm trên diễn đàn mạng ấy, những bàn luận xoay quanh chủ đề “Thời Tam quốc – Lịch sử và Tiểu thuyết” đã dần hình thành nên một nhóm dịch thuật không chuyên, với tôn chỉ nghiên cứu “lấy chính sử làm xương cốt, lấy bàn luận làm da thịt, mà lấy cái lòng yêu Tam Quốc Diễn Nghĩa làm hồn phách”. Để rồi TAM QUỐC CHÍ - một bộ sử rất quan trọng trong số Nhị thập tứ sử của Trung Quốc- đã được chuyển ngữ thành công như là kết tinh của những giá trị tinh thần đó.

Một năm sau đó, với cá nhân tôi, bộ sử TAM QUỐC CHÍ đã là một người bạn không thể tách rời. Không chỉ bởi tôi cần nó cho việc nghiên cứu, viết lách; mà trước tiên, bởi nó là một bộ sách thú vị, hấp dẫn và giá trị.

Không hấp dẫn sao được khi tôi có thể ngắm nhìn những diện mạo khác của những nhân vật tôi từng hết lòng hâm mộ hoặc hết sức căm ghét? Không thú vị sao được khi đó là cơ hội để đối chiếu hình tượng văn học với nguyên mẫu lịch sử? Tam Quốc Diễn Nghĩa của La Quán Trung mô tả Lưu Bị khóc lóc rất nhiều, dường như vô dụng; nhưng Trần Thọ và Bùi Tùng Chi lại chỉ ra một Lưu Bị văn võ toàn tài, tính nóng như lửa! Nếu Tam Quốc Diễn Nghĩa khắc họa sâu đậm nét “gian hùng” của Tào Tháo, thì TAM QUỐC CHÍ sẽ vẽ nốt phần còn thiếu của họ Tào – một “trị thế năng thần”. Còn vô khối bất ngờ thú vị về Ngũ hổ tướng của Thục Hán, Ngũ tử lương tướng nhà Tào Ngụy, Thập nhị hổ thần của Đông Ngô, các mưu sĩ Pháp Chính, Bàng Thống, Tuân Du, Trình Dục, Trương Chiêu, Lỗ Túc… với chân diện mục lịch sử chờ người đọc khám phá.

Và giá trị quá đi chứ, khi những dữ liệu quý hiếm về địa lý, quan chế, gia tộc, chính trị… nằm hết trong bộ sử đó, chỉ chờ được bóc tách. Thái thú, Thứ sử với Châu mục, ông quan nào lớn hơn? Thái úy với Đại tướng quân, ai cao quý hơn? Nói về Tào Tháo, thì “Tào Tư không”, “Ngụy công”, “Ngụy vương” lại khác nhau thế nào? Kinh Châu lớn đến đâu, vị trí quan trọng đến mức nào mà Ngụy Thục Ngô ai cũng muốn lấy? Tây Thục - Đông Ngô – Bắc Ngụy gồm bao nhiêu châu, quận? Quân số tham chiến trong các chiến dịch lớn Xích Bích, Quan Độ, Di Lăng…thực sự là bao nhiêu? Biết bao nhiêu thứ không thể tìm thấy trong Tam Quốc Diễn Nghĩa, sẽ được tìm thấy ở đây. Nếu coi những bàn luận Tam Quốc là da thịt, lòng yêu Tam Quốc Diễn Nghĩa là hồn phách, thì TAM QUỐC CHÍ chắc chắn phải là xương cốt, là bộ khung chống đỡ cho bất cứ luận điểm nào, cũng là kim chỉ nam cho phương pháp luận của bất cứ ai.

Cộng đồng yêu Tam Quốc là những người được hưởng lợi từ các giá trị ấy. TAM QUỐC CHÍ xuất hiện, cung cấp thêm một góc nhìn chân thực hơn, khách quan hơn cho tất cả những “nan đề” mà trước giờ vẫn thường xuyên gây “war” trên mạng xã hội: Tại sao nhà Thục lại để mất Kinh Châu, sai lầm thuộc về ai? Tại sao Khổng Minh từ chối đề xuất Tý Ngọ cốc của Ngụy Diên, đề xuất này liệu có khả thi? “Có một trong hai người Ngọa Long, Phượng Sồ sẽ có thiên hạ” liệu có phải là nhận định đúng đắn của Thủy Kính?...

Các chủ đề Tam Quốc giờ đây không còn bị giới hạn trong những tư duy xưa cũ mà đã vượt ra khỏi cái lồng tiểu thuyết để đến gần hơn với logic của hiện thực. Không còn mải cãi nhau chuyện võ lực của tướng nào đứng đầu hay ai là mưu sĩ số một, người ta bắt đầu quan tâm hơn đến chiến lược, chiến thuật, mưu trí, tâm kế, địa lý, giai tầng xã hội, kết cấu quyền lực và tất tần tật những vấn đề khác của thời Tam Quốc. Các chi tiết hư cấu của La Quán Trung dần dần được phát hiện, gỡ rối cho những bàn luận tưởng như đi vào ngõ cụt, giải đáp các thuyết âm mưu vô lý. Ngay cả mảng bình Tam Quốc của báo chí cũng đã có sự chuyển dịch khi đã bắt đầu xuất hiện những trích dẫn từ Trần Thọ và Bùi Tùng Chi. Người đọc bắt đầu quen dần với TAM QUỐC CHÍ cũng như các sử liệu phụ trợ mà Bùi Tùng Chi đã trích dẫn cho vào phần “Chú”, như Hoa Dương Quốc Chí, Tương Dương Ký, Ngụy Lược, Ngô Thư, Hán Tấn Xuân Thu… Một môi trường bàn luận sôi nổi về Tam Quốc thật sự đã được tạo dựng, mà đóng góp của TAM QUỐC CHÍ – từ khi còn tồn tại dưới dạng những bản dịch thô trên mạng – là cực kỳ rõ ràng.

Ba, bốn năm trước, việc tìm được một số tiểu truyện trong TAM QUỐC CHÍ được dịch rải rác trên mạng đã là điều rất quý giá đối với tôi. Giờ đây, khi các dịch giả hoàn tất công việc và thành phẩm đã ra đời, nguồn sử liệu ấy còn giá trị hơn nữa bởi đã được dịch chính xác hơn và truyền tải đúng cái hồn của nhân vật. Lấy ngay một ví dụ. Tôn Kiên truyện có chép một câu “tuyên ngôn” rất quan trọng thể hiện cho lý tưởng của Tôn Kiên. Ông ta nói câu này khi xuất binh đi cứu địa phương khác, và bị bộ hạ can ngăn. Câu nói của Tôn Kiên lúc đầu được dịch là:

“Thái thú không phải dùng văn trị, mà là lấy việc đánh dẹp lập công, ra quận đánh dẹp là để giữ vững quận khác. Lấy đó mà bắt tội thì cớ gì thẹn với trong nước?”

Tuy nhiên, bản TAM QUỐC CHÍ (đã xuất bản) dịch đúng ý và rõ ràng hơn nhiều:

“Thái thú mà không truyền đức tốt, lấy chinh phạt lập công lao, vượt địa giới của mình ra đánh dẹp, để bảo toàn cho quận khác; ví như vì thế bị bắt tội, chẳng thẹn với người trong nước lắm sao?”

Đấy, là khi viên ngọc thô đã được mài giũa, đã “thành khí” rồi đó.

Đi tìm Tam Quốc

Với tôi, chuyến hành trình “Đi tìm Tam Quốc” đã có một điểm dừng chân. Đối với những người yêu Tam Quốc, TAM QUỐC CHÍ chắc chắn không phải là đích đến, nhưng là một nơi tuyệt hảo để khởi đầu. Xin mượn lời của sử gia Bùi Tùng Chi thay cho lời kết: “…Trí tuệ chu toàn thì mọi việc sẽ ngăn nắp, nhìn xa trông rộng thì muôn sự sẽ rõ ràng. Nhưng dù có dốc hết khả năng để tìm hiểu về những điều vi diệu, tất cũng khó tránh được những chỗ sâu xa chưa biết hết, mà thứ con cháu đời sau trông đợi hẳn phải là những đạo lý đúng đắn chính trực. Cho nên, muốn có được kiến thức đủ đầy, nhất định phải xem xét cả những lời nông cạn; muốn bồi dưỡng phẩm đức sâu dày, nhất định phải học tập ở tiền nhân…”

Nguyễn Đỗ Thuyên

Nguồn Tiền Phong: http://www.tienphong.vn/van-nghe/di-tim-tam-quoc-1128135.tpo