Đi tù chung thân, không nhớ nổi gương mặt mẹ già

“Bọn bị hại” ác quá, chúng cứ theo phá hai đứa em đến cùng, nên buộc mình phải phạm tội. Cứ như đi tù là cái số của mình rồi không thể tránh khỏi."

Anh Phìn thương nhớ!

...Đã lâu rồi em không viết thư gửi về cho gia đình. Anh và bố mẹ cùng các cháu hãy tha thứ cho em nhé. Cũng chỉ vì trước đây em không nghe lời bố mẹ nên mới bị bắt vào đây, giờ em nghĩ lại em thấy hối hận vô cùng. Em ước gì thời gian trôi đi thật nhanh để có ngày trở về quê hương, bù đắp lại lỗi lầm mà bản thân em đã gây ra cho mọi người. Nếu như ngày xưa khi em còn ở nhà, em hiểu một chút về luật pháp thì có lẽ sẽ không bao giờ có ngày hôm nay đâu anh.

Phạm nhân Chẻo Yêu Sơn đang chấp hành án phạt tù chung thân tại trại giam Nam Hà

Đó là những dòng thư của phạm nhân Chẻo Yêu Sơn gửi về cho người anh trai mù lòa nơi quê nhà, sau 14 năm chấp hành thụ án phạt tù ở trại giam Nam Hà. Khoảng thời gian dài đằng đẵng trong trại giam đã bào mòn gần như tất cả tinh thần, cũng như ý chí sống của phạm nhân người dân tộc Dao này. Câu chuyện của Sơn cứ ám ảnh chúng tôi không dứt, bởi đó là bi kịch của sự thiếu hiểu biết về pháp luật. Và rồi khi phạm tội, Chẻo Yêu Sơn chỉ coi đó là điều hiển nhiên và hoàn toàn không sai phạm.

Năm nay đã 35 tuổi, nhưng quãng thời gian Chẻo Yêu Sơn ở tù cũng gần bằng với khoảng thời gian phạm nhân này được tự do bên ngoài xã hội. Ngày bị bắt với tội danh giết người và bị tòa án kết án phạt tù chung thân, Chẻo Yêu Sơn vừa tròn 21 tuổi. Quãng đời tươi đẹp nhất của một con người đã trôi qua trong trại giam theo cách lặng lẽ và buồn thảm như vậy.

Nhắc lại chuyện cũ, Sơn chỉ cười rồi kể, em đi tù cũng là do bảo vệ người yêu. Nếu tối hôm đó, em không đi chơi cùng người yêu thì đã không nên chuyện. “Bọn bị hại” ác quá, chúng cứ theo phá hai đứa em đến cùng, nên buộc mình phải phạm tội. Cứ như đi tù là cái số của mình rồi không thể tránh khỏi.

"Hôm đấy được mấy anh em bạn bè rủ đi chơi. Xuống dưới thị trấn gặp "con người yêu cũ". "Con người yêu cũ" rủ lên sân nhà của 1 người khác chơi. Lúc này, có 3 thằng đi theo quấy nhiễu. Trong 3 thằng đấy lại có 1 thằng nó tát vào mặt "con người yêu" của em. Em tức lắm nhưng không nói gì cả, em đứng sang 1 bên. Em nghĩ kiểu này là không tán được gái rồi nên em đi về. Nhưng em lại sợ "con ma" nên em không dám về đành quay lại. Em vừa quay lại thì thấy bọn nó đuổi theo em. Bọn nó nhảy vào đánh em. Chúng nó lại có 2 thằng, em sợ đánh nhau thua nên rút dao ra. Cuối cùng em chẳng biết đâm trúng vào đâu. Đến khi công an nói em mới biết thằng chết bị trúng 2 phát vào ngực" - Chẻo Yêu Sơn hồn nhiên nhớ lại sự việc.

Nạn nhân trong vụ án do Chẻo Yêu Sơn gây ra là anh Tẩn Quẩy Lồng. 4 nhát dao oan nghiệt trong buổi tối định mệnh đã cướp đi mạng sống của anh Lồng. Người đời vẫn thường nói “chưa đánh được người thì mặt đỏ tía tai, đánh người xong rồi thì mặt vàng như nghệ”. Sau khi xảy ra sự việc, Chẻo Yêu Sơn sợ hãi bỏ trốn khỏi bản. Trong màn đêm, Sơn cứ cắm đầu chạy càng xa càng tốt, chạy đến nơi nào không có bóng dáng của con người.

Cuối cùng những bước chân cũng đưa Sơn phạm nhân này đến nhà của chị gái. Trong cơn hoảng loạn, Sơn bắt chị gái phải đưa mình lên núi ẩn náu, vì sợ người nhà của anh Tẩn Quẩy Lồng tìm đến trả thù. Nhưng điều mà phạm nhân này sợ nhất chính là việc phải đi tù. Điều mà trước đây Chẻo Yêu Sơn chưa bao giờ hình dung ra nổi.

Sơn kể lại: "Em sợ không quá không biết chạy đi đâu, cứ chỗ nào em cảm thấy người ta không biết được thì em sẽ chạy vào đó. Vào cái bản nó gọi là bản Hoàng Hồ nó ở cạnh chợ đấy vì chị gái em lấy chồng ở đấy. Em mới bảo làm sao bây giờ em mới đánh nhau bên kia, không biết người ta sống hay chết. Người ta mà bắt được em thì họ giết em chết. Chị phải đưa em trốn lên núi. Chị gái em mới bảo đưa em đến nhà bác ở tạm mai rồi lên rừng. Đến nhà bác, bác bảo việc như thế thì mình không sai. Đi tự thú thì nhận sự khoan hồng của pháp luật. Em chẳng biết gì, hiểu biết về pháp luật nên cứ thế một mình đi lên công an huyện, cũng chẳng có giấy tờ, chẳng có ai đi theo.

Cuộc sống của Chéo Yêu Sơn vốn chỉ gắn với núi rừng, với bản làng đã chấm dứt kể từ khi Tòa tuyên án Sơn với tội danh giết người… Nhiều lúc Sơn nghĩ lại thấy mình dại dột quá, chỉ vì nhận thức kém mà tự tay vứt đi những cơ hội đổi đời của mình.

Là con thứ 7 trong gia đình có 9 anh chị em, nhưng Sơn là người chịu khó làm ăn nhất. Tuổi thơ của phạm nhân này gắn liền với việc cày thuê, cuốc mướn phụ giúp gia đình. Từ việc cõng con cho chị, đến việc đi đập đá thuê kiếm tiền, làm phu hồ, làm ruộng… bất kể việc gì kiếm gia tiền Sơn đều không nề hà.

Cơ hội lớn nhất của cuộc đời Chẻo Yêu Sơn là được cắp sách tới trường. Vào cái thời mà thầy cô giáo phải lặn lội đến từng gia đình vận động cho con cái đi học, thì Sơn đã có được may mắn đó. Được đánh giá là một học trò ngoan và chăm chỉ, nhưng chính Sơn đã từ bỏ trường lớp chỉ vì một lý do mà không ai có thể tin được.

"Ở trong xã ít người đi học. Giáo viên “nó” đi nhà nọ nhà kia gọi đi học. Mẹ mới bảo đi học. 11 tuổi mới học lớp vỡ lòng, học đến 15 tuổi lại bỏ. Hôm đấy, cô giáo bảo cả lớp nhìn thằng Sơn đấy, vừa phải đi làm đi đập đá nuôi cơm cho gia đình ăn. Nhưng mà lúc đấy còn nhỏ em không nhận thức được nên cứ nghĩ là cô giáo nói xấu em cho cả lớp. Sau này lớn mới nghĩ lại là cô giáo đang khen em. Nhưng trước đó nghĩ cô giáo nói xấu gia đình em nghèo cho cả lớp biết nên em nghỉ học luôn" - Sơn vừa cười vừa nói.

Những tháng ngày trong trại giam, có lẽ chỉ làm Chẻo Yêu Sơn già dặn hơi hơn dưới hình hài của một thanh niên khá lực lưỡng, nhưng thực chất nhận thức của phạm nhân này còn rất hạn chế. Từ ngày ở trại tạm giam cho đến 14 năm ở trại giam Nam Hà, Chẻo Yêu Sơn luôn lo lắng, sợ sệt trước mọi thứ. Trại giam Nhà tù như một xã hội hoàn toàn khác biệt đối với phạm nhân này. Thậm chí đã có lúc Sơn không thiết gì, viết một lá thư vĩnh biệt gửi về cho gia đình.

Chẻo Yêu Sơn tâm sự: "Nhiều người kể ở tù khổ, có người còn chết ở đây không về được. Mình chung thân thì đến bao giờ mới về. Nghĩ thế là viết lá thư về vĩnh biệt gia đình nhưng bị quản giáo trả lại thư. Quản giáo bảo là ai dạy viết thế này? Em bảo là không ai dạy. Em án dài quá, em buồn em tự viết thôi. Lúc đấy quản giáo nói, đáng nhẽ bố, mẹ mày sống được thêm 5,10 năm nữa nhưng nếu bố mẹ mày đọc xong lá thư này thì chết ngất luôn thì làm thế nào? Từ đợt đấy nghĩ là người ta sống được thì mình cũng sống được, quanh quanh cũng được 14 năm rồi".

14 năm nếm trải cuộc sống trong trại giam tù, ngoài những lần viết thư về nhà, Chẻo Yêu Sơn chưa một lần được người thân đến thăm gặp. Những gương mặt thân quen, những giọng nói quen thuộc, đáng nhẽ phải ở bên phạm nhân này lúc lầm đường lạc lối đã không hiện diện. Dần dần, Chẻo Yêu Sơn thấy dường như mình đã quá quen với cuộc sống trong trại giam tù. Sơn thừa nhận, mình không nhớ nổi đường về nhà, không nhớ nổi mặt mẹ già… Đó không còn là một sự đau đớn nữa, mà đã trở thành một nỗi bất hạnh đối với Sơn. Một nỗi bất hạnh không ai muốn mình phải trải qua!

"Trong tù quen hơn ở nhà rồi. Bởi vì lúc ở nhà còn nhỏ nên quên hết rồi. Thời ở nhà cũng chẳng nhớ gì, suốt ngày đi làm nương rồi tối về đi ngủ, chẳng nhận thức được cái gì. Giờ ở lâu quá rồi, quen rồi. Giờ em không biết nhà hướng nào. Lúc em xuống trại Nam Hà này thì có người bảo nhà mày bên kia có người bảo bên này, không biết là ở đâu. Tất cả các cháu rồi anh chị em không hình dung được mặt mũi như thế nào. Thỉnh thoảng xem tivi nhìn thấy mấy cái bà 70,80 tuổi thì cũng nghĩ nghĩ chắc mẹ mình già như thế" - Chẻo Yêu Sơn vừa nói vừa cúi mặt xuống bàn.

Chẻo Yêu Sơn không nhớ nổi đường về nhà, thậm chí quên cả gương mặt của mẹ già nơi quê nhà

Cuộc sống khi tự do của Chẻo Yêu chỉ có 2 bàn tay trắng và vào trại giam phạm nhân này cũng hoàn toàn với hai bàn tay trắng, nhưng Sơn lại có cái được lớn nhất mà bât cứ ai có tiền cũng không hẳn đã mua được đó là bài học làm người: Phải biết tôn trọng tính mạng, nhân phẩm con người, chấp hành nghiêm pháp luật. Sơn tâm sự, ở trong trại giam tù em được ăn no, không phải lo cái ăn như ở nhà. Nhưng dù sao em vẫn thích được ăn bữa cơm tự do cùng gia đình hơn. Nếu không có sự giúp đỡ của các quản giáo, chắc rằng em không thể sống nổi chừng ấy năm tháng trong này.

Thế rồi theo năm tháng, những suy nghĩ khủng khiếp ban đầu về trại giam tan biến, thay vào đó Chẻo Yêu Sơn đã cảm nhận được rõ nét tình người ở nơi vốn bị cho là tận cùng của xã hội. Đại úy Trần Viết Xuân, quản giáo trực tiếp giáo dục Sơn là người nhận thấy sự thay đổi rõ ràng nhất của phạm nhân này.

"Giáo dục cải tạo phạm nhân nhất là đối tượng người dân tộc, do trình độ học vấn của người ta còn thấp và những phong tục tập quán ở nơi cư trú cũng khác với cộng đồng. Cho nên khi vào trại, phạm nhân luôn có những cái bỡ ngỡ, tự ti và có những cái nó tùy tiện. Anh Chẻo Yêu Sơn này từ ngày tôi quản lý thì chưa có vi phạm gì và cũng xác định phấn đấu cải tạo và tin vào đường lối chính sách của Đảng. Tin vào ngày được tự do, được đoàn tụ cùng gia đình, cộng đồng nên anh ý rất quyết tâm thi đua phấn đấu cải tạo" - Đại úy Trần Viết Xuân chia sẻ.

Chính nhờ sự quan tâm của cán bộ quản giáo mà Chẻo Yêu Sơn đã nhận thức ra được nhiều điều tốt đẹp cho bản thân. Từ một người gần như được coi đã bị bỏ rơi vì trong 14 năm ở trại giam không có người thân đến thăm gặp, Sơn đã không còn trách móc gia đình. Những uẩn khúc đã được hóa giải bằng sự cảm thông chân thành. Chẻo Yêu Sơn đã viết ra những dòng chữ đầy nỗi niềm gửi về người anh trai mù lòa của mình nơi quê nhà:

...Anh Phìn thương nhớ!

...Đã lâu rồi em không viết thư gửi về cho gia đình. Anh và bố mẹ cùng các cháu hãy tha thứ cho em nhé. Cũng chỉ vì trước đây em không nghe lời bố mẹ nên mới bị bắt vào đây, giờ em nghĩ lại em thấy hối hận vô cùng. Em ước gì thời gian trôi đi thật nhanh để có ngày trở về quê hương, bù đắp lại lỗi lầm mà bản thân em đã gây ra cho mọi người.

… Kể từ ngày em gây ra tai họa cho gia đình mình cho đến tận ngày hôm nay, em luôn cảm thấy ân hận và mong có một ngày được trở về bù đắp cho những thiệt hại mà bản thân em gây ra.

… Hơn 13 năm qua em đã học và được cán bộ phổ biến pháp luật rất nhiều anh ạ. Đến giờ, em đã hiểu rõ ràng hơn về pháp luật và em sẽ không bao giờ vi phạm nữa đâu anh ạ. Chỉ một lần sai trái thôi, em đã làm tan nát cả gia đình và hủy hoại cuộc đời của em. Thật sự em không muốn nhắc lại một tí nào, vì mỗi lần nhắc đến em cảm thấy rất đau lòng. Hơn mười mấy năm qua em vẫn luôn cảm thấy có lỗi với anh và bố mẹ. Hãy tha thứ cho em, dù lời xin lỗi của em là… muộn màng, anh nhé!./.

Nhóm PV/VOV Giao thông

Nguồn VOV: http://vov.vn/phap-luat/di-tu-chung-than-khong-nho-noi-guong-mat-me-gia-520109.vov