Địa phương chủ nghĩa...

(HNM) - Vụ "Vedan thứ hai" bùng phát khi ngày 14-4, Công ty Tung Kuang, 100% vốn Đài Loan (Hải Dương), bị bắt quả tang xả thẳng nước thải chưa xử lý ra môi trường, nồng độ chất độc hại vượt ngưỡng quy định.

Theo Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường (C36 - Bộ Công an), nước thải gồm nhiều hóa chất độc hại như Chrome 6 (cao gấp 10 lần tiêu chuẩn cho phép), mangan, sắt... (có hàm lượng vượt quy định)... Thời điểm bị bắt quả tang, công nhân đang vận hành hai máy bơm tại khu nước thải chưa qua xử lý ra ngoài. Điểm cống xả ra sông Cầu Ghẽ, cách nhà máy khoảng 200m, nằm sâu dưới mặt nước khoảng nửa mét. C36 cho biết, ống nước thải từ nhà máy ra khu xử lý chia làm 2 nhánh. Một nhánh chảy vào khu xử lý và một nhánh không qua xử lý chạy ngầm dưới lòng đất ra sông. Đại diện Tung Kuang thừa nhận, hệ thống xử lý nước thải này lắp đặt năm... 2002. Mỗi ngày, Tung Kuang xả trực tiếp lượng nước thải khoảng 300m3 ra môi trường. Tại sao đến giờ vụ việc mới được phát hiện khi trong 3 năm qua, Tung Kuang liên tiếp bị tỉnh Hải Dương và Bộ Tài nguyên - Môi trường xử phạt vì "vận hành chưa nghiêm túc" hệ thống xử lý chất thải. Chẳng hạn, năm 2007, thanh tra Bộ Tài nguyên - Môi trường phạt Tung Kuang hơn 100 triệu đồng vì xả thải chưa qua xử lý. Còn theo Chi cục Bảo vệ môi trường Hải Dương, Tung Kuang là một trong 51 doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường của tỉnh và đã có lần bị xử phạt đến 40 triệu đồng. Kết cục, dòng sông Cầu Ghẽ đang bị nước thải công ty này hủy hoại. Lần giở lại, các vụ việc như Vedan (lưu vực sông Thị Vải, Đồng Nai), Miwon (Phú Thọ) cũng đều xảy ra với những "chiêu thức" tương tự. Điều kỳ lạ là cách hành xử của cơ quan chức năng cũng... diễn ra tương tự: Phát hiện sai phạm - phạt nhẹ hều, sai phạm tái diễn - phạt nhẹ hều... Cứ thế, phạt nhẹ hều cho... tồn tại. Sai phạm nhờ vậy diễn ra trong một thời gian dài... Nói chung là như vậy... Theo thống kê năm 2009, các cơ quan chức năng đã phát hiện, điều tra, xử lý hơn 4.500 vụ, 1.300 tổ chức và 3.100 cá nhân vi phạm pháp luật về môi trường. Trong số này, có khoảng 600 vụ gây ô nhiễm môi trường, hơn 300 vụ vi phạm các quy định quản lý, xử lý chất thải nguy hại... Đáng lo ngại nhất, vi phạm quy định về xử lý chất thải công nghiệp diễn ra khá phổ biến khi nhiều nhà máy, cơ sở sản xuất, bất luận quy mô lớn hay nhỏ, tiếp tục sử dụng xả thải chưa qua xử lý ra môi trường, gây ô nhiễm nghiêm trọng... Trên thực tế, để một dự án được đi vào hoạt động, chủ đầu tư phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường, báo cáo này phải được nhiều cơ quan chức năng xem xét. Khi dự án đã hoạt động, nhà máy lại chịu sự giám sát của ngành tài nguyên môi trường, lực lượng cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường... Vì vậy, không thể nói những sai phạm diễn ra trong một thời gian dài của những Tung Kuang, Vedan, Miwon... cơ quan chức năng không hề hay biết. Vấn đề nằm ở chỗ người ta nghi ngờ đã có những cái bắt tay giữa cơ quan thừa hành với bên sai phạm? Điều này hoàn toàn có thể xảy ra. Song sự việc không chỉ như thế. Nhiều địa phương biết thừa sai phạm nhưng vẫn cứ lờ đi vì doanh nghiệp dù gây ô nhiễm môi trường thì vẫn... đóng góp vào GDP của tỉnh. Tư duy địa phương chủ nghĩa, cũng là một biểu hiện của căn bệnh thành tích - tăng trưởng bằng mọi giá, đã bảo hộ cho thứ "sản xuất bẩn" đang diễn ra tràn lan để đến giờ chúng ta phải thừa nhận bản đồ môi trường quốc gia đã nhiều chỗ... đen kịt.

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/newsdetail/xa_hoi/323130/%c4%91ia-phuong-chu-nghia.htm/