Dịch bệnh thủy đậu: Nguy cơ bùng phát ở Hà Nội

Tại các bệnh viện (BV) của Hà Nội như: BV Bạch Mai, BV Nhi TW, BV E, BV Việt Nam- Cu Ba... nhiều bệnh nhân nhập viện vì mắc bệnh thủy đậu.

Theo ghi nhận, tại các bệnh viện (BV) lớn ở Hà Nội như: BV Bạch Mai, BV Nhi TW, BV E, BV Việt Nam- Cu Ba… hiện đã có nhiều trường hợp khám, nhập viện vì bệnh thủy đậu . Tại phía Nam, các bác sĩ BV Nhi đồng 1 cũng cho biết đã ghi nhận một số trường hợp bị thủy đậu nhập viện, tin tức trên báo Sức khỏe & Đời sống .

Bệnh nhân người lớn bị thủy đậu đang điều trị tại BV E

Theo TS Đỗ Duy Cường - Trưởng khoa Truyền nhiễm (BV Bạch Mai), phòng khám bệnh truyền nhiễm của bệnh viện mỗi ngày có từ 3-4 ca thủy đậu đến khám, tuy nhiên đa phần các ca bệnh nhẹ và điều trị ngoại trú.

Đặc biệt có một số trường hợp nặng biến chứng khi nhập viện như bệnh nhân có thai, bệnh nhân bị bội nhiễm nốt phỏng. Đặc biệt hiện tại khoa có một trường hợp bệnh nhân nam, trung tuổi, do chủ quan dẫn đến bệnh nặng, khi vào viện đã gây biến chứng viêm phổi và đang phải thở ôxy…

Tại BV E, trong một tháng trở lại đây, các bác sỹ của bệnh viện đã khám và điều trị cho hơn 20 bệnh nhân mắc bệnh thủy đậu. Điều đặc biệt là có khá nhiều trường hợp người lớn mắc bệnh phải nhập viện.

Thống kê của Khoa Nhi (BV Hữu nghị Việt Nam - Cu Ba) cho thấy, từ ngày 1/1 đến ngày 8/2, đã ghi nhận 72 bệnh nhân (từ 12 tháng tuổi đến 11 tuổi) bị mắc thủy đậu.

Tại BV Nhi TW, trong tuần qua, có hơn 10 bệnh nhi nhập viện vì mắc thủy đậu. Đặc biệt, có những ngày Khoa Truyền nhiễm đón 3-4 bệnh nhân. Đáng chú ý, có những bệnh nhi sơ sinh mới mấy tuần tuổi bị lây thủy đậu từ mẹ.

Ghi nhận của phóng viên báo Lao động, tại khu vực phường Đại Mỗ (Nam Từ Liêm - Hà Nội) cho thấy, trong vòng 1 tháng trở lại đây đã có rất nhiều ca mắc bệnh thủy đậu.

Thậm chí, một gia đình có tới 6 người cùng mắc bệnh một lúc. Điều đáng nói, không chỉ trẻ nhỏ mà cả người lớn cũng mắc bệnh, ngay cả những trường hợp đã từng tiêm vaccine.

Anh Lê Văn P (Đại Mỗ) chia sẻ: “Nhà tôi có đến 6 người mắc thủy đậu: Vợ, con tôi, em gái tôi, em vợ, chị vợ, và cháu tôi. Lây bắt đầu từ đứa cháu học lớp 1 ở Trường Tiểu học Đại Mỗ, con gái tôi sang chơi với anh thì bị lây; sau đó mẹ thằng cu kia bị, rồi đến vợ tôi… Chúng tôi phải kiêng ra gió, cho uống thuốc chống ngứa và bôi thuốc xanh thôi, hơn tuần sau thì khỏi”.

Theo thông tin từ Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, bệnh thủy đậu là một bệnh cấp tính do nhiễm virus Varicella Zoter. Bệnh xảy ra ở mọi lứa tuổi, thường gặp vào mùa Đông Xuân.Virus có khả năng sống được vài ngày trong vẩy thủy đậu khi bong ra tồn tại trong không khí.

Để chủ động phòng tránh bệnh thủy đậu, Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) khuyến cáo người dân thực hiện 5 biện pháp sau: Thứ nhất, người dân cần hạn chế tiếp xúc với người bị bệnh để phòng tránh lây lan.

Thứ hai, những trường hợp mắc bệnh thủy đậu cần được nghỉ học hoặc nghỉ làm việc từ 7 đến 10 ngày từ lúc khi bắt đầu phát hiện bệnh để tránh lây lan cho những người xung quanh. Thứ ba, người dân cần thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, sử dụng các đồ dùng sinh hoạt riêng, vệ sinh mũi họng hàng ngày bằng nước muối sinh lý.

Thứ tư, thường xuyên vệ sinh nhà cửa, trường học, vật dụng sinh hoạt bằng các chất sát khuẩn thông thường. Thứ năm, tiêm vắc xin phòng bệnh thủy đậu cho trẻ em từ 12 tháng tuổi.

Hiền Minh (Tổng hợp Theo báo Sức khỏe & Đời sống, Lao động)

Nguồn Doanh Nghiệp: http://doanhnghiepvn.vn/dich-benh-thuy-dau-nguy-co-bung-phat-o-ha-noi-d91826.html