'Dịch bệnh'… tin đồn thất thiệt

Thấy rõ một xu hướng đang như thứ “dịch bệnh” xuất hiện, lây lan ở nhiều tỉnh, thành phố, được thực hiện bởi nhiều đối tượng: câu “view” cho tài khoản Facebook cá nhân bằng những tin đồn thất thiệt!

Cùng thử điểm nguồn cơn, xuất xứ của những tin không đúng sự thật ấy: Một nam thanh niên người Nam Định, trong lúc nhàn rỗi, cao hứng “chế” hình ảnh một người nữ mặc quân phục Cảnh sát, rồi ghép hình ảnh vụ thảm sát ở Bình Phước để đăng lên trang Facebook cá nhân thành “vụ thảm sát Nam Định, 8 người chết”.

Ngày 4-7, tại tỉnh Vĩnh Phúc xảy ra trọng án với tình tiết nạn nhân bị chém đầu gần rời cổ. Bốn ngày sau, dư luận một lần nữa phát hoảng bởi thông tin “vụ án” tương tự xảy ra tại TP Việt Trì, tỉnh Phú Thọ. “Lại thêm một vụ án mạng chém cụt đầu tại Việt Trì - Phú Thọ do nợ tiền mua điện thoại”, tiêu đề bài viết đăng trên Facebook của một nam thanh niên, sinh năm 1993 về sau được làm rõ: “Thấy bạn bè hay đưa những bài báo với nội dung không đúng sự thật nhằm mục đích trêu đùa nhau nên anh ta đã tải bài viết có sẵn về vụ án mạng ở Vĩnh Phúc, chỉ thay đổi một vài thông tin thành… Việt Trì - Phú Thọ rồi đăng tải lên Facebook cá nhân”.

Chưa hết, ngày 25-8, cộng đồng mạng xôn xao trước thông tin: “Chính thức vỡ đập hồ Núi Cốc, lũ sẽ về rất nhanh…”. Hệ thống truyền thông của tỉnh Thái Nguyên mấy ngày sau đó liên tục phải đưa ra những trấn an về sự ổn định của đập hồ Núi Cốc. Cơ quan chức năng, sau khi truy được tác giả đăng thông tin… không đúng sự thật ấy trên Facebook, làm rõ, anh ta viết và đưa lên “phây” trong lúc đưa người nhà đi khám bệnh, nhằm mục đích gây sự chú ý.

Tại Hà Nội, thứ “dịch bệnh” tin đồn thất thiệt này cũng lây lan phức tạp. Vừa “dập yên” được thông tin “máy bay rơi tại Sân bay quốc tế Nội Bài” (hồi trung tuần tháng 7), thì đầu tháng 8, lại thêm “vụ trọng án chặt đầu tại một trung tâm thương mại”. Có một điều chắc chắn là, chưa ai dám khẳng định đâu sẽ là điểm giới hạn của xu hướng tin đồn thất thiệt này!

Mạng xã hội là đại dương thông tin. Song trong “đại dương” ấy, những thông tin thất thiệt, gây hoang mang, bức xúc dư luận, đều bị cơ quan chức năng dễ dàng nhận diện, truy nguyên tác giả hay những người lan truyền tin, để xử lý theo quy định của pháp luật. Một ví dụ cụ thể nhất, hai tin  “máy bay rơi” và “án mạng ở trung tâm thương mại tại Hà Nội”, trong vòng chưa đầy 3 ngày, Cảnh sát Công nghệ cao đã xác định và triệu tập người viết, loan tin.

Trở lại câu hỏi: đâu sẽ là điểm tới hạn của xu hướng không đúng sự thật? Sẽ rất khó nếu chế tài đối với các hành vi thiếu ý thức, tùy tiện ấy chưa đủ sức răn đe, hoặc chưa được áp dụng triệt để. Tùy theo tính chất mức độ, hệ lụy của tin bậy, cơ quan có thẩm quyền có thể  xử phạt hành chính, hoặc xử lý hình sự về tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin trên mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet; tội phạm và hình phạt được quy định tại Điều 226 - Bộ luật Hình sự. Song thực tế, hầu như rất ít tác giả các tin bậy bị áp chế tài hình sự, mà chỉ dừng ở mức phạt hành chính với số tiền trên dưới 10 triệu đồng, cùng hình phạt bổ sung là tịch thu thiết bị, phương tiện đăng tin bậy.

Chế tài này quả thực không có chút ý nghĩa nào so với thiệt hại, hậu quả mà tin bậy gây ra. Cũng càng chẳng có tác dụng răn đe cá nhân khác làm theo, nhất là việc “trở nên nổi tiếng” đang là “tâm thế” của một bộ phận người trẻ sử dụng Facebook như hiện nay.

Đã và đang xuất hiện biến tướng về ý đồ đăng tin đồn thất thiệt. Đó là chấp nhận bị phát hiện, bị xử phạt, sẵn sàng đăng thông tin càng rùng rợn, càng thất thiệt trên   Facebook cá nhân, để… bán được hàng hóa. Đôi khi, dư luận đâu phải lúc nào cũng tỉnh táo để phân định tin đồn và sự thật.

Minh Hà

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/chinh-tri-xa-hoi/dich-benh-tin-don-that-thiet/741406.antd