Dịch Sốt xuất huyết ở Hà Nội vẫn chưa 'hạ hoả'

Ngày 20-8, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cùng đoàn công tác đã đi kiểm tra công tác phòng chống dịch bệnh Sốt xuất huyết (SXH) tại phường Thụy Khuê (quận Tây Hồ, Hà Nội).

Tại buổi kiểm tra, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã yêu cầu Sở Y tế Hà Nội cùng chính quyền địa phương đẩy mạnh tuyên truyền vận động người dân diệt các ổ bọ gậy/lăng quăng tại nhà mình, còn ngành chức năng duy trì phun hóa chất diệt muỗi diện rộng mỗi tuần 1 lần.

"Việc phun hóa chất như hiện nay có thể khiến muỗi chết ngay tại chỗ. Phun lại mỗi tuần/1 lần. Phun tại công trường, phun trong nhà chứ không chỉ phun ngoài đường phố. Việc phun hóa chất diệt muỗi phải làm một cách tổng thể để giết ngay đàn muỗi đang nhiễm virus rất nặng nhằm "hạ hỏa" dịch bệnh. Nếu để muỗi mang mầm bệnh đốt người ở những nơi công cộng như: bệnh viện, trường học, chợ, nơi biểu diễn nghệ thuật đông người sẽ gây bùng phát dịch, lan nhanh trong cộng đồng nên phải hạ hỏa dịch bệnh ngay. Tuy nhiên điều quan trọng nhất là phải diệt bọ gậy để không nở thành muỗi gây bệnh...”- Bộ trưởng Bộ Y tế chỉ rõ.

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cũng cho biết, vào đầu tuần tới, Bộ Y tế phối hợp với Sở Y tế Hà Nội sẽ triệu tập cuộc họp với Giám đốc Trung tâm y tế các quận huyện để rút kinh nghiệm về việc phun hóa chất diệt muỗi vì vẫn còn tình trạng phun hóa chất mà không mở cửa lớp học và nhà dân, khiến việc diệt muỗi vẫn chưa hiệu quả. Đồng thời chấn chỉnh hoạt động của các đội xung kích diệt bọ gậy, với quyết tâm “hạ hỏa” dịch sốt SXH trên địa bàn.

           Chuyên gia dịch tễ tìm kiếm bọ gậy trong các vật dụng tại một hộ gia đình

Đáng chú ý, trước khi Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đến kiểm tra tại phường Thụy Khuê, các chuyên gia của Viện Sốt rét Ký sinh trùng Côn trùng Trung ương đã thị sát mật độ muỗi và ổ bọ gậy tại 1 số hộ dân.

Một người dân ở ngõ 828, phố Thụy Khuê băn khoăn cho biết: "Muỗi ở đây không nhiều nhưng tại sao vẫn có bệnh nhân SXH. Riêng ngõ này đã có hơn 10 bệnh nhân. Tôi chưa hiểu nguyên nhân vì sao mặc dù đã phun hóa chất rất quyết liệt vẫn còn người bị mắc SXH"?!.

Trong khi đó, ông Vũ Phi Hùng, Tổ phó Tổ dân cư số 21, phường Thụy Khuê cho biết, tại khu vực này lực lượng chức năng đã phun hóa chất 3 lần trong gần 1 tháng qua, đồng thời tuyên truyền vận động bà con hiểu biết về SXH, ý thức phòng dịch nhưng trên thực tế vẫn còn người mắc mới SXH.

Tại nhà số 5 và nhà số 9, ngõ 282 Thụy Khuê, các chuyên gia của Viện Sốt rét Ký sinh trùng Côn trùng trung ương đã phát hiện 4 dụng cụ chứa ổ bọ gậy/lăng quăng, đó là lọ chứa nước trồng cây phát lộc, họng ống thoát nước và dụng cụ trên sân thượng đọng nước mưa hắt vào. Đây cũng là nơi mà đội xung kích của phường Thụy Khuê từng đến tìm diệt bọ gậy nhưng đã không kiểm tra hết các tầng của nhà dân nên đã bỏ sót.

Chuyên gia trong đoàn công tác phát hiện nhiều dụng cụ chứa nước vẫn còn bọ gậy 

Trước thực tế trên, ông Ngô Văn Quý, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội đã yêu cầu ngành Sở Y tế và các quận huyện rút kinh nghiệm, chỉ đạo sát sao và tập huấn kỹ để các đội xung kích diệt bọ gậy/lăng quăng hoạt động hiệu quả hơn. Ông Quý cũng cho biết, thành phố đang tập trung tuyên truyền và yêu cầu tất cả các giáo viên ở các trường phải tập huấn, phổ biến kiến thức về phòng chống dịch bệnh SXH cho học sinh. Mỗi một giáo viên, học sinh chính là người về gia đình mình tuyên truyền, triển khai diệt bọ gậy/lăng quăng.

Theo Sở Y tế Hà Nội, đến nay, trên địa bàn thủ đô đã ghi trên khoảng 18.000 trường hợp mắc SHX với 7 ca tử vong.Trong 3 tuần gần đây, số ca mắc mới SXH ở Hà Nội luôn ở mức trên 3.400 bệnh nhân, số nhập viện dao động từ 2.600 - 3.100 bệnh nhân.

Trong 10 năm trở lại đây, số người mắc SXH Hà Nội hiện đang ở mức cao nhất. Qua giám sát tại Hà Nội có 12 quận/huyện có dịch SXH ở mức “báo động đỏ” gồm: Đống Đa, Hoàng Mai, Thanh Oai, Thường Tín, Ba Đình, Cầu Giấy, Hà Đông, Hai Bà Trưng, Nam Từ Liêm, Tây Hồ, Thanh Trì, Thanh Xuân.

MINH KHANG

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/dich-sot-xuat-huyet-o-ha-noi-van-chua-ha-hoa-462833.html