Dịch vụ chuyển phát nhanh – những kẽ hở cần được khắc phục

Không cần biết bên trong các thùng hàng, bưu phẩm có những gì... Chỉ cần vài câu hỏi qua loa về nơi đến, người nhận, các lái và phụ xe khách đều nhận vận chuyển hàng hóa mà bỏ qua các quy định của dịch vụ chuyển phát nhanh.

Bài 1: Khi lợi nhuận làm mờ mắt các DN

Một chủ doanh nghiệp vận tải lợi dụng các chuyến xe chở khách chuyên chạy tuyến Vinh- Lạng Sơn, để vận chuyển cái chết trắng từ miền Trung ra Lạng Sơn; một đối tượng lợi dụng dịch vụ chuyển phát nhanh qua đường hàng không vận chuyển súng, đạn... Hay một shipper (người vận chuyển) tự do tham gia vào đường dây mua bán trái phép chất ma túy do vô tình tham gia vào đường dây. Sự tiện lợi của dịch vụ chuyển phát nhanh khiến không ít các đối tượng lợi dụng để vận chuyển hàng cấm, hàng trốn thuế. Việc ngăn chặn, phòng ngừa tội phạm lợi dụng dịch vụ chuyển phát nhanh để vận chuyển hàng hóa đang đặt ra những vấn đề đáng phải lưu tâm.

Trong vai một khách hàng có nhu cầu vận chuyển hàng hóa, chúng tôi đã có cuộc khảo sát tại một số bến xe lớn của Hà Nội như Mỹ Đình, Giáp Bát...

Sau nhiều giờ tác nghiệp tại đây, chúng tôi đã ghi nhận những điều mắt thấy tai nghe: Việc vận chuyển hàng hóa của các lái và phụ xe khách tại các bến xe này khá dễ dàng. Các gói hàng được đóng sẵn vào các bao tải, những thùng carton, trong các phong bì rồi ghi địa chỉ, số điện thoại của người nhận. Tùy theo kích thước và trọng lượng của các gói hàng, chủ xe sẽ thu các mức phí khác nhau, thông thường, chỉ bằng một suất vé của người đi xe ôtô... Lợi nhuận là vấn đề duy nhất mà các lái xe và phụ xe quan tâm.

Tại văn phòng của một số hãng vận tải lớn có kinh doanh dịch vụ vận chuyển hàng hóa và các đơn vị được cấp phép hoạt động trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tình trạng này cũng không khả dĩ hơn.

Các nhân viên văn phòng chỉ hỏi thăm khách hàng một vài câu qua loa, chiếu lệ. Việc kiểm tra cũng chỉ mang tính hình thức, chủ yếu được thực hiện bằng cảm quan của nhân viên hoặc nhà xe... bởi các cơ sở này không có hệ thống máy soi, chiếu rồi cho khách cam kết bằng một biên bản.

Nhóm đối tượng trong đường dây vận chuyển ma túy bằng đường chuyển phát nhanh bị bắt giữ.

Biết việc vận chuyển này tiềm ẩn những nguy hiểm về cháy, nổ nhưng trên thực tế nhiều doanh nghiệp, chủ xe, nhân viên vẫn cố tình bỏ qua bởi sức ép của sự cạnh tranh và lợi nhuận. Họ lo sợ vì thủ tục rườm rà, khách hàng sẽ bỏ sang các đơn vị kinh doanh khác.

Không chỉ nhận vận chuyển hàng hóa trong bến, các nhà xe còn nhận ở dọc các tuyến đường, thậm chí chỉ thông qua một người xe ôm... mà chẳng cần biết người gửi là ai, hàng hóa bên trong là gì?

Từ sự sơ hở của chủ xe trong việc gửi đồ trên các chuyến xe chuyển phát nhanh thời gian gần đây đã xảy ra nhiều vấn đề liên quan đến ANTT. Vụ việc vừa được Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Công an TP Hà Nội khám phá thành công là một ví dụ.

Trong vụ án này, ma túy được cất giấu trong các thùng đựng hoa quả, kiện hàng điện tử, bình đun lọc nước, lén lút vận chuyển qua biên giới theo đường tiểu ngạch về Hà Nội qua dịch vụ chuyển phát nhanh. Vào thời điểm Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (PC47) Công an TP Hà Nội phát hiện và bắt giữ, các đối tượng trong đường dây đã thiết lập được đại lý bán ma túy cấp 1 ở Hà Nội, chuẩn bị gây dựng một đại lý cấp hai tại các tỉnh miền Nam.

Cá biệt, có chủ xe khách còn lợi dụng xe ôtô để hình thành đường dây mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy như trường hợp của đối tượng Nguyễn Trọng Quý (42 tuổi, trú tại phường Trung Đô, TP Vinh, Nghệ An), chủ doanh nghiệp vận tải Phú Quý, có trụ sở tại TP Vinh. Núp bóng hoạt động kinh doanh này, Quý đã dễ dàng vận chuyển ma túy liên tỉnh hòng qua mặt các cơ quan chức năng, đường dây này được phát hiện vào lúc 6h30, ngày 9-11.

Theo số liệu thống kê của Cục An ninh Văn hóa, Thông tin, Truyền thông, Bộ Công an trên địa bàn cả nước hiện có 194 doanh nghiệp được phép kinh doanh dịch vụ bưu chính. Trong những năm qua, công tác quản lý Nhà nước trên lĩnh vực này còn lỏng lẻo, dẫn đến việc xuất hiện nhiều doanh nghiệp bưu chính không làm thủ tục kinh doanh theo đúng quy định như không có giấy phép bưu chính, không có văn bản xác nhận về hoạt động bưu chính nhưng vẫn hoạt động. Một số doanh nghiệp kinh doanh có giấy phép thông báo hoạt động nhưng không có trụ sở ổn định. Khi thay đổi địa điểm kinh doanh, không thông báo cho cơ quan chức năng, khiến việc quản lý, thanh tra gặp nhiều khó khăn.

Theo tìm hiểu của phóng viên, hiện nay có rất nhiều loại hình vận chuyển: Ngoài các đơn vị được cấp phép, hoạt động theo đúng quy định còn có dịch vụ vận chuyển bằng xe khách (như đã nói ở trên), đường hàng không, đường sắt và thời gian gần đây là các shipper tự do, những người làm nghề xe ôm.

Trên lĩnh vực hàng không, một lĩnh vực được coi là có quy trình kiểm soát hàng hóa chặt chẽ nhất, một số đối tượng vẫn lợi dụng dịch vụ chuyển phát nhanh để vận chuyển hàng cấm. Trước đó, do nghi ngờ kiện hàng sắp gửi từ TP Hồ Chí Minh đi Hà Nội có một vật giống khẩu súng nên Trung tâm An ninh hàng không sân bay Tân Sơn Nhất đã tiến hành kiểm tra thì phát hiện một khẩu súng ngắn cùng hơn 40 viên đạn.

Vào tối 6-1, một công ty làm thủ tục vận chuyển lô hàng hóa từ TP Hồ Chí Minh đi Hà Nội trên chuyến bay của một hãng hàng không thì phát hiện một kiện hàng có một vật giống khẩu súng, đạn nên đã đề nghị với Trung tâm an ninh hàng không sân bay Tân Sơn Nhất tiến hành kiểm tra. Sau khi kiểm tra, cơ quan chức năng phát hiện trong kiện hàng có cất giấu một khẩu súng ngắn (chưa rõ loại) do Đài Loan sản xuất cùng hơn 40 viên đạn. Nhân viên Công ty cho biết kiện hàng này do một công ty chuyển phát nhanh làm thủ tục ký gửi. Theo khai báo, kiện hàng trên gồm quần áo và linh kiện điện tử.

Thời gian qua, nhiều đối tượng trong các đường dây mua bán, tàng trữ trái phép ma túy sử dụng dịch vụ chuyển phát nhanh đã bị bắt giữ và xử phạt với mức án rất cao, nhưng vì lợi nhuận các đối tượng vẫn không từ bỏ thủ đoạn nào để phạm tội. Đường dây vận chuyển trót lọt ma túy từ Hà Nội vào TP Hồ Chí Minh được các cơ quan chức năng khám phá thành công là một ví dụ.

Cầm đầu đường dây ma túy khủng này là Đàm Trọng Thắng (63 tuổi, ở phường Tân Mai, TP Biên Hòa, Đồng Nai), đối tượng từng bị xử tù chung thân về tội “tham ô tài sản”. Thắng cùng với Hoàng Bích Ngọc (ở Đắk Lắk); Nguyễn Huy Thông (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội)... thiết lập đường dây phạm tội.

Do hàng đã được đóng gói từ trước nên nhân viên chuyển phát nhanh không biết bên trong có gì, chỉ cân để tính cước và để Thông tự khai về hàng gửi... Đối tượng Ngọc sau đó đã sử dụng một chứng minh nhân dân giả mang tên Bùi Thị Quyên, thay ảnh của Ngọc để đến công ty chuyển phát nhanh nhận hàng.

Vì vậy, khi gửi hàng, Thông ghi người nhận là Bùi Thị Quyên, kèm theo số điện thoại của Ngọc để nhân viên chuyển phát nhanh sẽ liên hệ, thông báo cho người nhận khi hàng vào đến TP Hồ Chí Minh.

Vì lời nhuận, không ít nhà xe và cơ sở kinh doanh dịch vụ chuyển phát nhanh rơi vào cảnh dở khóc, dở cười... Còn đối với lực lượng Công an, việc điều tra cũng gặp rất nhiều khó khăn do các đối tượng sử dụng chứng minh nhân dân giả để thực hiện hành vi phạm tội.

Xuân Mai

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/phap-luat/dich-vu-chuyen-phat-nhanh-nhung-ke-ho-can-duoc-khac-phuc-420248/