Điểm báo ngày 7/11/2011

Vận động bạn bè quốc tế bầu chọn vịnh Hạ Long

Theo Cục Hợp tác quốc tế (Bộ VH-TT-DL), Liên hiệp Các tổ chức hữu nghị Việt Nam đã vận động 57 hội hữu nghị thành viên trên khắp thế giới và 35 đơn vị địa phương gửi thư cho đối tác các nước, cung cấp thông tin về vịnh Hạ Long để vận động họ cùng bầu chọn. Liên hiệp tận dụng mối quan hệ với khoảng 900 tổ chức phi chính phủ nước ngoài hiện đang hoạt động ở Việt Nam và mạng lưới của tổ chức này khắp thế giới bằng cách gửi thư vận động, hi vọng vịnh Hạ Long sẽ thu được số lượng phiếu ủng hộ lớn của bạn bè quốc tế trong những ngày cuối của cuộc vận động. Được biết, đến ngày 5/11/2011 đã có hơn 7,1 triệu tin nhắn qua tổng đài 147 bằng điện thoại di động bình chọn vịnh Hạ Long. (Tuổi Trẻ 6/11/2011

Người cao tuổi đạp xe vận động bầu chọn vịnh Hạ Long

Sáng 6/11/2011, tại Hà Nội, Câu lạc bộ Người cao tuổi Hà Nội đã bắt đầu chuyến đi xe đạp vận động bầu chọn cho vịnh Hạ Long trở thành kỳ quan thiên nhiên mới của thế giới. Với sự tham gia của gần 100 người mang theo thông điệp “Hành trình từ di sản đến kỳ quan của thế giới - Bầu chọn vịnh Hạ Long và bảo vệ môi trường”, cuộc vận động bầu chọn này có hành trình dài nhất. Trên hành trình gần 200km để đến với Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh, đoàn sẽ dừng chân tại Hải Dương, Hải Phòng, huyện Yên Hưng - Quảng Ninh; thăm các di tích lịch sử; vận động bạn bè, người dân các địa phương bầu chọn cho vịnh Hạ Long. (SGGP 7/11/2011)

Khai mạc hội thi trực tuyến “Biển đảo quê hương”

Hội thi trực tuyến “Biển đảo quê hương” đã chính thức mở đề cho các thí sinh tham gia lúc 9 giờ ngày 6/11/2011. Hội thi do Thành đoàn TPHCM, Báo Tuổi Trẻ và Đài Truyền hình TP.HCM phối hợp tổ chức, diễn ra từ nay đến ngày 3/12/2011. Để tham gia hội thi, thí sinh đăng ký tài khoản tại tuoitre.vn hoặc thanhdoan.hochiminhcity.gov.vn... Hội thi trực tuyến diễn ra trong 4 tuần, mỗi tuần có một chủ đề với 50 câu hỏi trắc nghiệm, thời gian trả lời trong 30 phút. Mỗi thí sinh được dự thi cả 4 tuần và được thi tối đa 3 lần/tuần để chọn kết quả cao nhất. Riêng tuần thứ 4, thi xong phần trắc nghiệm, thí sinh phải làm một bài luận không quá 1.500 từ trong 30 phút. Hiện đã có hơn 102.000 thí sinh đăng ký dự thi. Kết quả hội thi được công bố lúc 21 giờ ngày 4/12/2011. (Người Lao Động 7/11/2011)

Thành lập Trường Đại học công nghệ Đồng Nai

Sáng 5/11/2011, Trường Đại học Công nghệ Đồng Nai (tại phường Trảng Dài, TP. Biên Hòa) đã chính thức công bố quyết định thành lập trường và khai giảng năm học mới 2011-2012. Trường được thành lập trên cơ sở nâng cấp từ Trường Cao đẳng Kỹ thuật Công nghệ Đồng Nai. Năm học 2011-2012, trường được phép tuyển sinh 500 chỉ tiêu, đào tạo 5 ngành trong đó có Điện tử và CNTT. Hiện trường đã tuyển được gần 300 sinh viên tập trung. Trường đang có 250 giảng viên cơ hữu, trong đó số lượng giảng viên trình độ thạc sĩ, tiến sĩ đạt chuẩn theo quy định. Đây là trường đại học thứ tư trên địa bàn tỉnh sau các trường: Đại học Lạc Hồng, Đại học Đồng Nai và Đại học Nguyễn Huệ (trước đây là trường Sĩ quan lục quân 2). Tới dự, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thành Trí đã chúc mừng tập thể sư phạm nhà trường, đồng thời đề nghị Ban giám hiệu trường cần sớm kiện toàn bộ máy hoạt động, ổn định cơ sở vật chất, tổ chức đào tạo nâng cao chất lượng dạy và học, xây dựng thành công thương hiệu nhà trường, đáp ứng yêu cầu cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho địa phương và khu vực. (Đồng Nai điện tử 5/11/2011)

TP.HCM: 193 cử nhân đầu tiên của Trường CĐ nghề CNTT iSPACE nhận bằng tốt nghiệp

Ngày 5/11/2011, Trường CĐ nghề CNTT iSPACE đã làm lễ tốt nghiệp cho 193 cử nhân hệ cao đẳng nghề khóa đầu tiên. Số sinh viên này đã được trường ký kết hợp tác đào tạo với nhiều cơ quan, doanh nghiệp trực tiếp sát hạch chuyên môn, tiếp cận công việc thực tiễn nên hầu hết đã có việc làm, số ít còn lại đăng ký học liên thông lên ĐH. (SGGP 6/11/2011)

Hà Nội: Đề xuất bán vé xe buýt tự động

Sở GTVT Hà Nội đang trình UBND thành phố dự án xây dựng hệ thống bán vé xe buýt tự động. Đây là hệ thống tích hợp quản lý giám sát hành trình cũng như hoạt động bán vé trên xe. Dự án được thực hiện theo hình thức xã hội hóa với tổng vốn đầu tư gần 271 tỷ đồng. Giai đoạn 1 đầu tư khoảng 67 tỷ đồng với 17 tuyến được triển khai; giai đoạn 2 gần 202 tỷ đồng và triển khai trên toàn mạng vận tải hành khách công cộng. Nếu được chấp thuận, tháng 1/2012 Sở GTVT Hà Nội sẽ lập dự án để trình thẩm định, phê duyệt. Việc triển khai sẽ thực hiện từ tháng 2 – 8/2012 và đầu năm 2013 vận hành toàn hệ thống. (Tiền Phong 7/11/2011)

TP.HCM: Bố trí máy tính bảng cho người dân chúc Tết

Ngày 5/11/2011, UBND TP.HCM đã ban hành kế hoạch tổ chức lễ hội tết dương lịch 2012 và Tết cổ truyền Nhâm Thìn. Theo đó, Đường hoa Nguyễn Huệ 2012 có chủ đề “Việt Nam - Quê hương tôi”, dự kiến, khai mạc tối 20/1/2011 (27 tháng Chạp) và kéo dài đến ngày 26/1/2012 (mùng 4 Tết). Ban tổ chức sẽ bố trí khu vực riêng phục vụ khách tham quan chúc Tết bằng máy tính bảng trên vỉa hè đường Lê Duẩn và một số điểm cà phê giải khát. (Tiền Phong 6/11/2011)

Đà Nẵng: Đình chỉ hoạt động 21 trung tâm tin học, ngoại ngữ

Sở GDĐT Đà Nẵng vừa quyết định đình chỉ hoạt động 21 cơ sở đào tạo tin học, ngoại ngữ do không đảm bảo điều kiện về cơ sở vật chất, hoạt động không hiệu quả, thiếu thông tin cơ bản. Trong số này có Trung tâm Tin học và Ngoại ngữ Sáng tạo, Trung tâm Tin học Hòa Cầm… (Tiền Phong 7/11/2011)

Bà Rịa – Vũng Tàu: 2 doanh nghiệp bị tạm đình chỉ hoạt động và xử phạt vì bán mực in giả

UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu vừa có quyết định xử phạt hành chính 120 triệu đồng, tịch thu toàn bộ hàng hóa vi phạm và đình chỉ kinh doanh 6 tháng với Công ty TNHH Phát triển Tin học – Công nghệ Sao Mai và Công ty TNHH Nam Dương (244 đường Lê Lợi, thành phố Vũng Tàu). Cuối tháng 10/2011, Chi cục Quản lý thị trường tỉnh đã kiểm tra và phát hiện công ty Sao Mai bày bán mực in các loại giả nhãn hiệu HP và Canon với tổng trị giá vi phạm là 56,778 triệu đồng, Công ty Nam Dương bày bán mực in giả cũng là của HP và Canon với tổng giá trị vi phạm 49,564 triệu đồng. (Tiền Phong 7/11/2011)

Sinh viên phải tìm kiến kiến thức ở trường đời và mạng Internet

Theo GS Chu Hảo – nguyên Thứ trưởng Bộ KHCN, Giám đốc NXB Tri Thức (Liên hiệp các hội KHKT Việt Nam), học tập là quá trình suốt đời và tự học là yêu cầu tự thân của những người muốn có một cuộc đời ý nghĩa hơn. Vì thế, sinh viên phải cố gắng vượt lên mọi khó khăn trong cuộc sống thường nhật để xây dựng cho mình một hoài bão lành mạnh, một định hướng đúng đắn và phương pháp trau dồi tri thức có hiệu quả. Cái gì cần thiết mà không thu nhận được từ nhà trường thì phải tìm kiếm trong trường đời và trong kho tri thức mênh mông của nhân loại mà ngày nay rất dễ dàng truy cập trên mạng Internet. (Sinh viên Việt Nam 7/11/2011)

Sẽ chỉ còn lại 3 - 4 mạng di động ở Việt Nam

Câu chuyện sáp nhập các mạng di động ở Việt Nam đã được nói đến khá lâu. Với 7 mạng di động hiện có và chưa kể đến Indochina Telecom hoạt động theo mô hình mạng ảo (không có hạ tầng), theo các chuyên gia thì số lượng này là quá nhiều. Vì thế, sự mua bán, sáp nhập là tất yếu. Ông Phạm Hồng Hải – Cục trưởng Cục Viễn thông Bộ TTTT cho biết, Luật Viễn thông cho phép mọi thành phần kinh tế tham gia và quá trình chia tách, sáp nhập là đương nhiên. Tuy nhiên, để đảm bảo tính minh bạch thì Nhà nước phải đảm bảo hỗ trợ doanh nghiệp. Tại Trung Quốc, quá trình như vậy đã diễn ra và từ 6 mạng ban đầu, chỉ còn lại 3 mạng. Đây là một xu hướng tích hợp các loại hình dịch vụ cũng như sức mạnh tài chính và công nghệ. Nếu tách riêng thì rất tốn kém và việc tích hợp các dịch vụ trên các nền cố định thì sẽ thuận tiện hơn. Xu hướng sáp nhập các mạng viễn thông là khó tránh khỏi ở Việt Nam trong tương lai gần. Chính vì thế, các chuyên gia đều cho rằng, trong vòng vài năm tới sẽ chỉ còn 3 – 4 mạng di động ở Việt Nam. (SGGP 7/11/2011)

Việt Nam đừng mơ ước sản xuất sản phẩm phần cứng từ A đến Z

Đề cập về xu thế của các sản phẩm Nhân tài Đất Việt vào chung khảo năm nay, ông Nguyễn Long – Tổng thư ký Hội Tin học Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Sơ khảo cho biết, các sản phẩm phần cứng và tích hợp nhiều hơn, các năm trước đây hầu hết sản phẩm là phần mềm. Sau đột phá về chip cách đây 2 - 3 năm thành công thì các sản phẩm tích hợp công nghệ phần cứng họ tự tin hơn. Các sản phẩm Nhân tài Đất Việt chúng ta để ý thấy là theo xu hướng công nghệ đó là phần mềm tích hợp chạy trên nhiều môi trường và phần mềm tích hợp trên nền CNTT mạng và viễn thông...

Có ý kiến cho rằng, sản phẩm phần cứng, công nghệ phụ trợ của ta rất kém, các sản phẩm tham gia Nhân tài Đất Việt 2011 có tỷ lệ nội địa hóa thấp và rằng Tây làm rồi ta chỉ làm công tác thiết kế mạch còn linh kiện thì nhập. Tuy nhiên, theo ông Long, nói như thế là chưa chính xác vì thứ nhất không thể nói điện thoại Q-mobile, FPT, Viettel là tồi. Hiện nay thế giới phần cứng là toàn cầu hóa. Nếu chúng ta ước mơ sản xuất từ A - Z giống bắc Triều Tiên, chúng ta sẽ thua. Quan trọng nhất là hàm lượng công sức, giá trị của mình mang lại được bao nhiêu và mình thắng được trên sân nhà hay không?

Ví dụ nhà máy của Samsung đầu tư vài tỷ USD và xuất khẩu cũng vài tỷ USD nhưng liệu chúng ta đã nhận được quá 1% giá trị đầu tư đó chưa? Chúng ta phải nhìn trên khía cạnh đấy. Trước đây 3 năm người ta rất phản đối Q-mobile nhưng công ty này chỉ đứng thứ hai về doanh số sau Nokia là một điều bất ngờ. Sau khi giải quyết được vấn đề tại sao chúng ta không làm hết thì một loạt thương hiệu Việt ra đời, cố gắng tìm kiếm các thiết kế, giá cả sản phẩm cho phù hợp vì chúng ta đã hội nhập dây chuyền sản xuất quốc tế.

Ông nhắc lại: chúng ta đừng mơ ước sản xuất từ A - Z nhưng thông qua các sản phẩm để đánh giá hồn Việt trong đó là bao nhiêu và mang lại lợi ích gì cho xã hội và các bạn đó tại sao lại dũng cảm khi có làn sóng sản phẩm nước ngoài mạnh như thế tại sao vẫn cố đứng lên? Đấy cũng là kết quả Nhân tài Đất Việt trong nhiều năm. Trước nay, chúng ta không bao giờ dám mơ ước sản xuất chip thì sản phẩm chip được giải Nhân tài Đất Việt được đầu tư hàng trăm tỷ để sản xuất ở Việt Nam. Hy vọng sản phẩm phần cứng và tích hợp có được vị trí tốt trong giải thưởng năm 2011. (Lao Động 1/11/2011)

PGS TS Đỗ Văn Xê: “Tay ngang” trở thành CIO

PGS.TS Đỗ Văn Xê, Phó Hiệu trưởng ĐH Cần Thơ, là một trong 12 người được trao giải thưởng Lãnh đạo CNTT Đông Nam Á tiêu biểu năm 2011 (CIO Asean Awards 2011). Tuy nhiên, bản thân ông không phải là người được đào tạo chính quy về CNTT. Tốt nghiệp ĐH chuyên ngành trồng trọt và không được đào tạo chuyên môn trong lĩnh vực CNTT nhưng rất đam mê CNTT và toán học. Cũng chính vì niềm đam mê ấy nên ngay từ khi học lớp 7, ông đã tự mày mò học sửa chữa điện tử và áp dụng sửa chữa các loại máy tính đơn giản. Đến khi trở thành giảng viên ĐH Cần Thơ, ông được nhà trường cử sang Philippines học khóa ngắn hạn về phân tích thống kê bằng máy tính và một kế hoạch quản lý dữ liệu do chương trình Mekong tài trợ.

Về nước năm 1993, trên nền kiến thức đã học, thầy giáo trẻ Đỗ Văn Xê tiếp tục nghiên cứu cả phần mềm lẫn phần cứng và đã từng lập trình để giải quyết các vấn đề phức tạp như lập trình quản lý toàn bộ công việc đo đạc đất đai, quản lý dữ liệu, in giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của Sở Địa chính Trà Vinh; lập trình quản lý xe của cảnh sát giao thông TP Cần Thơ; lập trình về quản lý tội phạm của tòa án... Tại Trường ĐH Cần Thơ, ông là người đặt nền móng CNTT của trường từ lúc khởi đầu vào năm 1995, bắt đầu bằng việc xây dựng mạng cáp quang dựa vào nguồn kinh phí của chương trình hợp tác với Hà Lan, giúp việc kết nối các đơn vị trong trường một cách thuận lợi.

Từ năm 2007, PGS.TS Đỗ Văn Xê và lãnh đạo ĐH Cần Thơ nhận ra rằng các phần mềm hiện tại không đáp ứng đầy đủ các yêu cầu đào tạo theo hệ thống tín chỉ, chỉ hoạt động được trong mạng cục bộ và lệ thuộc khá nhiều vào hệ điều hành Windows. Trong khi đó, các hệ phần mềm thương mại hiện có trên thị trường lúc này chưa thật hoàn thiện, chi phí đầu tư khá tốn kém. Từ thực tế khá bức xúc trên, PGS.TS Đỗ Văn Xê đã mạnh dạn đứng ra chủ trì và bắt tay thực hiện ngay dự án xây dựng hệ thống thông tin tích hợp mới phục vụ công tác đào tạo, nghiên cứu của ĐH Cần Thơ theo học chế tín chỉ.

Theo ông, hệ thống thông tin tích hợp mới phải đảm bảo các tiêu chí như: phục vụ việc quản lý tất cả hoạt động của nhà trường theo hệ thống tín chỉ cho các loại hình đào tạo; hệ thống phải hoạt động trên nền web, không phụ thuộc nền tảng hệ điều hành Windows hay Lunix, Unix và phải được thiết kế theo dạng module trên nền cơ sở dữ liệu Oracle tích hợp trong toàn trường... Đặc biệt, hệ thống phải có khả năng điều chỉnh nhanh chóng để thích nghi với các thay đổi trong chính sách của Bộ GD-ĐT và quy trình quản lý đào tạo của trường trong giai đoạn đầu chuyển đổi hình thức đào tạo. Bên cạnh việc triển khai cùng lúc hệ thống thông tin tích hợp và ứng dụng phần mềm nguồn mở, ông Xê và các cộng sự đã chủ động liên hệ với Google để mở domain @ctu.edu.vn dành cho cán bộ và domain @student.ctu.edu.vn dành cho sinh viên.

Kể từ đó, tất cả cán bộ và sinh viên của trường đều sử dụng email để trao đổi thông tin liên lạc, tài liệu cũng như kinh nghiệm giảng dạy. TS Xê đóng vai trò chủ đạo trong việc thiết kế và hoàn chỉnh hệ thống tích hợp CNTT của ĐH Cần Thơ. Ngoài ra, là người điều hành với tầm nhìn xa và khả năng vận dụng sáng tạo, TS Xê đã xây dựng hệ thống thông tin tích hợp, triển khai ứng dụng phần mềm nguồn mở và tận dụng dịch vụ miễn phí của Google App để triển khai xây dựng hệ thống email cho toàn thể cán bộ và sinh viên của trường. Thành công từ dự án của ông hiện mang lại lợi ích cho trên 45.000 người (bao gồm cán bộ, giảng viên, sinh viên chính quy, vừa làm vừa học, đào tạo từ xa). (Tuổi Trẻ 6/11/2011).

Nguồn PC World: http://pcworld.com.vn/articles/tin-tuc/diem-bao/2011/11/1229002/diem-bao-ngay-7-11-2011/