Điểm đầu vào nhiều trường nghề cao hơn đại học

Trong khi nhiều trường ĐH đang loay hoay tuyển sinh chưa đủ chỉ tiêu thì với một số trường nghề, chỉ tiêu không chỉ được lấp đầy dù mức điểm đầu vào cao đột biến.

Ngành công nghệ may hút thí sinh nữ

Bức tranh tuyển sinh năm nay có phần đột phá khi lợi thế đang nghiêng về một số trường dạy nghề. Đầu vào một số trường không hề thấp như các năm trước mà có mức điểm khá cao, nhiều trường ghi nhận có thí sinh nộp hồ sơ đầu vào với mức điểm 23, 24 điểm.

Đầu ra “hot”, được nhà trường kết nối với doanh nghiệp ngay từ khi chưa tốt nghiệp… là những lợi thế của trường nghề năm nay.

Tại trường CĐ Kinh tế-Kỹ thuật Vinatext TP.HCM, tổng tiêu xét tuyển 14 ngành là 2.100, tính đến thời điểm này số hồ sơ đăng ký là hơn 2.000. Trong đó, số thí sinh xét tuyển vào ngành công nghệ may chiếm 80%, tỉ lệ nữ cũng chiếm hơn 80%.

Xu hướng chọn nghề ngày càng rõ trong nhiều năm gần đây. Ảnh minh họa

“Trong vòng 3 năm gần đây, số thí sinh theo học ngành công nghệ may chiếm tỉ trọng áp đảo do nhu cầu đầu ra ngành này lớn. Các doanh nghiệp thường xuyên đặt hàng đào tạo và cung ứng, sinh viên ra trường là có việc làm ngay” - ông Hồ Ngọc Tiến, Hiệu trưởng nhà trường, cho hay.

Nhiều trường lựa chọn cách hút sinh viên bằng lời cam kết 100% sinh viên ra trường có việc làm. Tại Trường CĐ Cơ điện Hà Nội, hồ sơ đăng ký vào các nghề “hot” như công nghiệp ô tô, điện công nghiệp, cắt gọt kim loại, cơ khí, cơ điện tử, kỹ thuật máy lạnh và điều hòa không khí… chiếm tới 70%.

Khẳng định 100% học sinh, sinh viên tốt nghiệp, có nhu cầu tìm việc làm, đáp ứng được yêu cầu tuyển dụng sẽ có việc làm đúng chuyên ngành với mức lương khởi điểm từ 6 triệu đồng/người/tháng trở lên cũng được Trường CĐ Điện tử - Điện lạnh Hà Nội bảo đảm ngay từ khâu tuyển sinh. Thậm chí, trong thời gian thực tập, nhiều sinh viên của trường đã có thu nhập.

Nhìn nhận công bằng hơn với trường nghề

Thực tế cho thấy, ngày càng có nhiều học sinh rẽ hướng sang học trung cấp nghề hoặc cao đẳng nghề. Ông Phạm Tiến Dũng, Phó Hiệu trưởng Trường CĐ Điện tử - Điện lạnh Hà Nội cho biết, nhận thức của phụ huynh, học sinh mấy năm nay có chuyển biến rõ rệt về mục tiêu chọn ngành, chọn trường để học.

“Nhiều phụ huynh khi đến trường chúng tôi, họ quan tâm rất kỹ đến nội dung học, chương trình học của các ngành nghề cũng như đầu ra, vị trí việc làm sau khi tốt nghiệp. Nhiều phụ huynh đã định hướng con chọn học trung cấp do thời gian học ngắn thay vì chọn học cao đẳng” - ông Phạm Tiến Dũng chia sẻ.

Cũng theo ông Dũng, nhiều thí sinh điểm thi THPT Quốc gia rất cao, đủ để có thể đỗ vào các đại học công lập nhưng các em vẫn chọn học cao đẳng, trung cấp nghề. Năm 2016, có em đạt 23,5 điểm - số điểm này đủ để đỗ vào một số ngành của ĐH Bách khoa Hà Nội và một số trường top trên nhưng thí sinh đó vẫn đến trường CĐ Điện tử - Điện lạnh nhập học.

“Năm nay, thời điểm này đã có nhiều thí sinh đạt từ 18 điểm trở lên đến trường để xác nhận nhập học. Điều đó cho thấy, nhận thức của phụ huynh, học sinh nói riêng và xã hội nói chung đã có những chuyển biến nhất định và theo hướng đáp ứng nhu cầu xã hội” - ông Phạm Tiến Dũng nói.

* TS tâm lý Phạm Mạnh Hà đưa ra lời khuyên: Thí sinh không nên vào đại học bằng mọi giá và các em càng không nên xem nhẹ yếu tố phù hợp của ngành học, trường học so với sở trường, sở thích của mình, cho dù đó là trường nghề hay bất cứ trường nào khác.

Các em hãy suy nghĩ, cân nhắc đến những mong muốn, tố chất của bản thân xem có thích hợp với ngành mình định theo học hay không.

Dương Hà

Nguồn Phụ Nữ VN: http://phunuvietnam.vn/camera-phu-huynh/diem-dau-vao-nhieu-truong-nghe-cao-hon-dai-hoc-post32098.html