Điểm lại 3 đại án chấn động ngành ngân hàng năm 2016

Lợi dụng quyền hạn, một số cá nhân, tổ chức đã có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản với giá trị lên tới hàng nghìn tỷ đồng.

Đại án Phạm Công Danh

Cuối năm 2012, khi mà NHNN chấp thuận cho Phạm Công Danh, Chủ tịch HĐTV kiêm TGĐ Công ty TNHH Tập đoàn Thiên Thanh, đại diện nhóm cổ đông Thiên Thanh thực hiện “sứ mệnh” tái cơ cấu Ngân hàng Đại Tín (TrustBank). Để thực hiện việc “tiếp quản” TrustBank, nhóm cổ đông Thiên Thanh mua toàn bộ 84,92% cổ phần từ nhóm cổ đông Phú Mỹ do bà Hứa Thị Phấn làm đại diện.

Quá trình tái cơ cấu TrustBank của Phạm Công Danh không những không vực dậy được ngân hàng này mà ngày càng thua lỗ. Cụ thể, đến ngày 31/12/2012, chưa đầy 6 tháng kể từ ngày tiếp quản (6/6/2012), Phạm Công Danh đã khiến ngân hàng lỗ thêm 2.704,1 tỷ đồng, đưa tổng lỗ lũy kế lên 8.765,8 tỷ đồng và vốn chủ sở hữu âm 5.711,1 tỷ đồng. Ông Danh đã đổi tên Ngân hàng Đại Tín TrustBank thành Ngân hàng Xây dựng Việt Nam – VNCB.

Bị cáo Phạm Công Danh đã bị tuyên án 30 năm tù. Ảnh: VTC

Trong năm 2013, Phạm Công Danh tiếp tục đưa VNCB vào vòng xoáy thua lỗ, khi lợi nhuận âm thêm 2.584,4 tỷ đồng đưa tổng lỗ lũy kế lên 11.348,2 tỷ đồng và vốn chủ sở hữu âm 8.295,5 tỷ đồng.

Như vậy, sau hơn 2 năm tiếp quản VNCB, Phạm Công Danh đã rút 18.688 tỷ đồng tại ngân hàng và gây thiệt hại với số tiền lên tới 15.260,6 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu âm thêm 15.614,2 tỷ đồng.

Vào ngày 29/7/2014, một thông tin làm chấn động giới ngân hàng trong nước đó là ông Phạm Công Danh, nguyên Chủ tịch Hội đồng Quản trị Ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam (VNCB sau này là CB), Chủ tịch HĐTV kiêm Tổng Giám đốc Công ty TNHH Tập đoàn Thiên Thanh bị khởi tố và bắt tạm giam để điều tra cùng với một số thành viên trong Ban Lãnh đạo Tập đoàn Thiên Thanh, cùng 35 bị cáo khác. Các bị cáo bị truy tố về tội “cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” và “vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng” xảy ra tại VNCB.

Đến ngày 30/6/2016, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu các cơ quan có liên quan phải nhanh chóng điều tra đưa ra xét xử trước pháp luật vụ đại án xảy ra tại VNCB.

Sau gần hai tháng xét xử và nghị án đến ngày 9/9/2016, TAND TP HCM tuyên phạt ông Phạm Công Danh mức án 18 năm tù về tội Cố ý làm trái quy định trong quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, 20 năm tù về tội Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng. Tổng hợp hình phạt bị cáo phải nhận 30 năm tù - mức án cao nhất của hình phạt có thời hạn.

Cú “ngã ngựa” của đại gia Hà Văn Thắm

Vào đầu tháng 10 năm 2016, cổng thông tin Chính phủ cho biết, Cơ quan cảnh sát điều tra đã kết thúc điều tra và đề nghị truy tố Hà Văn Thắm, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đại Dương (Oceanbank) và các đồng phạm về các tội danh: Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng; Cố ý làm trái quy định của Nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng, Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ xảy ra tại Oceanbank và các đơn vị liên quan.

Hà Văn Thắm bị bắt liên quan đến việc lừa đảo chiếm đoạt tài sản khi còn ở Oceanbank. Ảnh: Cafef

Trong quá trình điều hành Oceanbank, bằng các thủ đoạn thành lập các công ty "sân sau", Hà Văn Thắm đã lợi dụng chức vụ quyền hạn của mình chỉ đạo thuộc cấp thực hiện nhiều hành vi vi phạm pháp luật, dùng nhiều thủ đoạn rút tiền của ngân hàng để sử dụng vào mục đích cá nhân, gây thất thoát hàng ngàn tỷ đồng không có khả năng thu hồi. Cụ thể, nợ xấu thời điểm 31/3/2014 là gần 15.000 tỷ đồng, chiếm 49,84% tổng dư nợ toàn hệ thống của Ocean Bank; lỗ gần 10.200 tỷ đồng, bằng 249,63% vốn chủ sở hữu (âm vốn chủ sở hữu gấp hơn 2 lần)…

Sau khi ông Thắm bị bắt, OceanBank là một trong số các ngân hàng bị Ngân hàng Nhà nước mua với giá 0 đồng do hoạt động thua lỗ, vốn thực có thấp hơn vốn điều lệ.

Cựu tổng giám đốc ngân hàng Đông Á bị điều tra cố ý làm trái

Theo các báo đưa tin vào ngày 12/12/2016, Bộ Công an phát thông báo xác nhận Cơ quan Cảnh sát điều tra trong ngày 9/12 đã khởi tố vụ án "cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng" xảy ra tại Ngân hàng TMCP Đông Á.

Cơ quan Cảnh sát điều tra (Bộ Công an) đã khởi tố bị can, tạm giam 5 người là cựu lãnh đạo tại ngân hàng này. Theo đó, ông Trần Phương Bình (57 tuổi, nguyên phó chủ tịch HĐQT, tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Đông Á) và bà Nguyễn Thị Ngọc Vân (46 tuổi, nguyên phó tổng giám đốc) bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng.

Ba người còn lại gồm ông Nguyễn Đức Vinh (50 tuổi, nguyên giám đốc Ngân quỹ Hội sở), Đỗ Thanh Hùng (38 tuổi, nguyên thủ quỹ Hội sở), Lê Kiên Giang (39 tuổi, nguyên phụ quỹ Hội sở) bị khởi tố về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.

Ông Trần Phương Bình đảm nhận chức vụ Tổng giám đốc DongA Bank từ năm 1998 và là Phó chủ tịch Hội đồng quản trị từ 2013 đến 2015. Ông sinh năm 1959, là cử nhân kinh tế, nhiều năm kinh nghiệm giảng dạy kinh tế, trước khi chuyển sang gây dựng và dẫn dắt ngân hàng phát triển hơn 23 năm qua.

Mai Trinh (TH)

Nguồn Người Tiêu Dùng: http://www.nguoitieudung.com.vn/diem-lai-3-dai-an-chan-dong-nganh-ngan-hang-nam-2016-d52277.html