Điểm mặt các tòa cao ốc, chung cư coi nhẹ… an toàn lao động

Hàng loạt vụ tai nạn lao động thương tâm xảy ra tại các công trình xây dựng cao tầng trên địa bàn cả nước thời gian qua cho thấy công tác đảm bảo an toàn lao động tại các công trình xây dựng đang bị xem nhẹ.

Ảnh minh họa.

Cho đến thời điểm này nhiều người dân quận Hoàng Mai vẫn chưa hết bàng hoàng về vụ sập giàn giáo nghiêm trọng xảy ra sáng ngày 13/10/2016 tại công trường số 1, phố Giáp Nhị, phường Thịnh Liệt (quận Hoàng Mai, Hà Nội), đã khiến 2 người thiệt mạng - 4 người khác bị thương.

Điểm mặt các vụ tai nạn tại Hà Nội

Công trình xảy ra tai nạn thuộc dự án Tổ hợp thương mại, văn phòng và nhà ở cao tầng Eco Green-Tower có chủ đầu tư là Liên danh Công ty CP Hóa chất và Công ty CP Sông Đà 1.01. Nhà thầu thi công xây dựng là Tổng công ty đầu tư phát triển hạ tầng đô thị - Công ty TNHH MTV (UDIC). Tư vấn quản lý dự án và tư vấn giám sát là Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Tân Việt. Dự án được thi công ngày 08/12/2015, dự kiến hoàn thành đưa vào sử dụng trong quý I/2018.

Ông Trần Văn Vịnh - Đội trưởng Đội Thanh tra xây dựng quận Hoàng Mai cho biết, trước thời điểm xảy ra tai nạn vài ngày, thanh tra xây dựng quận đã kiểm tra hoạt động xây dựng ở công trình này và nhà thầu thi công có đầy đủ giấy phép, điều kiện an toàn lao động đảm bảo. “Việc xảy ra tai nạn vào giữa đêm nên chỉ có đơn vị giám sát thi công mà họ thuê mới biết được chứ thanh tra không thể biết” – ông Vịnh cho biết.

Được biết, các công nhân tử vong và bị thương trong vụ tai nạn là lao động hợp đồng ngắn hạn được đơn vị thi công thuê lại.

Dự án Tổ hợp thương mại, văn phòng và nhà ở cao tầng Eco Green-Tower sau khi xảy ra tai nạn

Cũng trên địa bàn Quận Hoàng Mai đầu năm 2016, tại công trình dự án chung cư cao tầng ở phố Lĩnh Nam (quận Hoàng Mai) đã xảy ra vụ tai nạn nghiêm trọng khi cần cẩu vận hành thang máy bất ngờ rơi tự do từ khoảng tầng 20 xuống đất, làm 2 người chết, 1 người bị thương. Còn trước đó, tại công trường khu chung cư Nam Đô ở số 609 Trương Định (quận Hoàng Mai) cũng đã xảy ra vụ tai nạn làm 2 người chết.

Sau đó 1 tháng, khoảng 13h chiều ngày 25/11, tại tòa nhà Thăng Long của Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Đô thị Thăng Long, địa chỉ tại số 21, đường Lê Đức Thọ (phường Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) đã xảy ra một vụ sập giàn giáo nghiêm trọng khiến 1 nam công nhân tử vong.

Cũng tại công trình này, vào khoảng 17h30 ngày 17/10, ô tô màu trắng nhãn hiệu mang BKS 30X-3329 do một người phụ nữ điều khiển lưu thông trên đường Lê Đức Thọ khi đi đến trước công trình số nhà 21, thuộc công trình của Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Đô thị Thăng Long đã bất ngờ bị một thanh sắt dài khoảng 50cm rơi trúng nóc.

Vụ việc không để lại thương vong, nhưng tạo ra tâm lý bất an với người dân sinh sống gần công trường dự án, bởi thân tòa nhà được xây dựng ngay sát mép đường Lê Đức Thọ.

Đà Nẵng, TP. HCM cũng không kém

Còn trên địa bàn Đà Nẵng, rạng sáng nay 30/1, một vụ tai nạn lao động nghiêm trọng xảy ra tại công trình khách sạn Royal Lotus, 102 A đường Nguyễn Văn Thoại, quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng khiến 5 người tử vong.

Dự án khách sạn Royal Lotus Đà Nẵng có quy mô cao 18 tầng (gồm 1.000 phòng với tiêu chuẩn 4 sao) đang trong giai đoạn hoàn thiện. Công trình này do Công ty TNHH MTV Duyên Hải làm chủ đầu tư, đơn vị thi công là Công ty TNHH MTV Duyên Hải quân khu 3.

Hiện trường vụ tai nạn tại dự án khách sạn Royal Lotus Đà Nẵng

Tối ngày 11/1/2017, một vụ tai nạn lao động khác đã xảy ra tại tòa nhà Luxury Apartment Đà Nẵng khiến một số người bị thương.

Vào thời điểm này, các công nhân đang tiến hành đổ bê tông mái sảnh của khách sạn. Sau khi đổ xong thì mái bị nghiêng và sập một góc của mái sảnh. Nhà thầu xây dựng Delta là đơn vị thi công công trình. Thông tin ban đầu cho thấy, lỗi là do nhà thầu chống giáo vào đường dốc nên bị trượt chân.

Lực lượng cảnh sát phòng cháy chữa cháy Đà Nẵng cũng đã điều 5 xe cùng nhiều cán bộ đến hiện trường để thực hiện tìm kiếm người bị nạn. Trong khi đó tại khoa cấp cứu Bệnh viện Đà Nẵng, có 4 nạn nhân được đưa đi điều trị, trong đó 2 người bị xây xát nhẹ, còn 2 người phải nhập viện với chấn thương ở chân và phần mềm.

Tại TP. HCM, vụ tai nạn sập giàn giáo tại công trình Chung cư Phú Hưng Phát (Dreamhome Luxury) do Công ty TNHH Nhà Mơ làm chủ đầu tư tại địa chỉ số 89/36 đường số 59, phường 14, quận Gò Vấp đã làm 1 người chết, 2 người bị thương đã gây chấn động về việc xem nhẹ công tác an toàn lao động.

Hiện trường dự án Dreamhome Luxury

Được biết, dự án Dreamhome Luxury có quy mô 2 block cao 14 tầng và dự án cao ốc DreamHome Luxury do công ty TNHH Nhà Mơ làm chủ đầu tư. 2 đơn vị tiếp thị, phân phối căn hộ tại dự án là công ty cổ phần dịch vụ bất động sản Danh Khôi và công ty cổ phần đầu tư và phát triển bất động sản An Gia.

Dự án đang trong quá trình hoàn thiện nhưng đã có cư dân dọn vào ở. Tuy nhiên, trao đổi với phóng viên, cư dân cho rằng họ bị đưa vào thế… phải nhận nhà. Hàng ngày cư dân sinh sống ở đây phải đối diện với nguy hiểm chực chờ, vấn đề an ninh trật tự chưa được đảm bảo, công nhân thi công ồn ào, gây không ít phiền phức cho họ trong sinh hoạt, ăn ngủ… Họ đã đóng các khoản tiền theo yêu cầu khi ký kết mua căn hộ, do đó cũng khó thoái lui.

Với nhiều người dân có được căn hộ tại dự án DreamHome Luxury thực sự là ngôi nhà mơ ước. Nhưng đã có không ít người khi sở hữu được nó, cho đến thời điểm hiện tại đã… vỡ mộng.

Cùng đó là hàng loại sự cố ở các dự án như: Lật cần cẩu công trình cao ốc Toplife Tower 376 Điện Biên Phủ, Q10 (Eximland là chủ đầu tư và phân phối độc quyền); sự cố công trình Premium Central tại số 854 - 856 đường Tạ Quang Bửu, quận 8 (Công ty Quốc Cường Gia Lai làm chủ đầu tư); sự cố chập, cháy cục bộ tại block HQ4 của tòa nhà HQC Plaza (Công ty địa ốc Hoàng Quân làm chủ đầu tư); tai nạn rơi giàn giáo treo tại công trình tổ hợp nhà ở, nhà ở xã hội Tân Bình (Công ty TNHH Đầu tư Bất động sản Tân Bình làm chủ đầu tư)...

Xử lý nhẹ… còn phải trả giá

Các chuyên gia về an toàn lao động nhận định, một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng tai nạn lao động trong các công trình xây dựng cao tầng ngày càng tăng là tình trạng các doanh nghiệp xây dựng cho mượn pháp nhân, sử dụng lao động thời vụ chưa qua đào tạo và khoán trắng an toàn ở công trường cho cai thầu.

“Trong khi đó, việc xử lý các vi phạm đang được nương nhẹ. Chẳng hạn, tai nạn lao động dẫn đến chết người khi xác định rõ nguyên nhân phải tiến hành khởi tố, xử lý nghiêm các nhà thầu vi phạm nhưng hầu hết chỉ dừng lại việc xử phạt hành chính, bồi thường cho người bị và cho công trình thi công tiếp. Vì vậy còn xử lý nhẹ tay, còn qua quýt thì còn phải trả giá” - chuyên gia này cho biết.

Để kéo giảm tối đa những thiệt hai về người và của từ những vụ tai nạn lao động, thiết nghĩ các cơ quan chức năng cần có sự vào cuộc mạnh mẽ, xử lý, đình chỉ những công trình có sai phạm để đảm bảo an toàn tối đa tính mạng người lao động.

Theo Diễn đàn doanh nghiệp

Nguồn BizLIVE: http://bizlive.vn/dia-oc/diem-mat-cac-toa-cao-oc-chung-cu-coi-nhe-an-toan-lao-dong-2511170.html