“Điểm nghẽn” của doanh nghiệp địa ốc

Khâu giải phóng mặt bằng là điểm nghẽn lớn nhất đối với các doanh nghiệp bất động sản (BĐS), nhất là các doanh nghiệp tự thực hiện khâu giải phóng mặt bằng. Nhiều doanh nghiệp vì không thể tìm được tiếng nói chung với người dân đành phải để dự án “trùm mền”.

Một dự án lớn ở khu Đông TP.HCM đang gặp khó khăn trong công tác đền bù.

Chuyên gia kinh tế, TS. Đinh Thế Hiển đánh giá, tình trạng khan hiếm mặt bằng tại TP.HCM là có thật và việc này sẽ diễn ra trong vài năm tới. Hiện các doanh nghiệp đang bị vướng ở khâu đền bù do đó quỹ đất sạch các doanh nghiệp nắm giữ là rất ít. Cùng với đó, việc đền bù giải phóng mặt bằng chỉ mới khoảng 70% còn lại 30% khó thực hiện do phía người dân và đơn vị chưa tìm được tiếng nói chung trong việc thỏa thuận đền bù. Điển hình có chủ đầu tư gặp khó khăn trong khâu giải phóng mặt bằng đã phải dừng dự án hoặc thay đổi quy hoạch vì vậy mất thêm thời gian để triển khai dự án.

Hiện thành phố còn rất nhiều dự án không thể triển khai do khó khăn trong khâu giải phóng mặt bằng. Ông Hiển dự báo trong thời gian tới đây việc tìm kiếm quỹ đất sạch để phát triển dự án sẽ rất khó khăn.

Ông Ngô Quang Phúc, Phó Giám đốc Him Lam Land, cũng nêu ra những điểm nghẽn cản trở sự phát triển của thị trường BĐS, đó là tiền sử dụng đất, giải phóng mặt bằng, chuyển nhượng dự án BĐS. Trong đó, khâu giải phóng mặt bằng là điểm nghẽn lớn nhất đối với các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp tự thực hiện khâu giải phóng mặt bằng.

Theo thống kê của Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội để góp ý dự thảo Nghị quyết về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng, hiện nay TP.HCM có 500 dự án trùm mền, dẫn đến nợ xấu cao.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA, cho rằng nợ xấu cũng là nguyên nhân dẫn đến nhiều dự án BĐS trùm mền thời gian qua. Riêng TP.HCM có khoảng 500 dự án ngừng triển khai. Nợ xấu thường được bảo đảm bằng tài sản thế chấp là BĐS, nhà ở đã hoàn thành, nhà ở sẽ hình thành trong tương lai. Theo quan điểm của HoREA, để giải quyết 500 dự án trùm mền ở TP.HCM, cần phải coi việc chuyển nhượng dự án hoặc một phần dự án là hoạt động kinh doanh bình thường giữa các nhà đầu tư với nhau.

Qua đó, Hiệp hội mong muốn Quốc hội cho phép áp dụng rộng rãi cơ chế chuyển nhượng dự án BĐS, giúp khai thông thị trường. Việc mua bán, chuyển nhượng dự án sẽ khai thông nguồn vốn, tái khởi động các dự án đang bị ngừng triển khai. Đây cũng là một giải pháp góp phần tích cực xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng.

Ngoài việc đề xuất cho phép chuyển nhượng dự án hoặc một phần dự án, các chuyên gia BĐS cho rằng cần phải giải quyết giá đền bù đất đai. Hiện nay, việc đền bù theo bảng giá đất đã được UBND tỉnh/thành phố quy định trong khi giá chuyển nhượng đất thực tế bên ngoài lại cao hơn rất nhiều. Cùng với đó, việc áp dụng không thống nhất trên cùng một địa bàn dẫn đến những thắc mắc trong người dân, việc hỗ trợ đền bù không đủ, không kịp thời, công tác tái định cư còn chậm, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất còn nhiều bất cập… dẫn đến những khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng để phát triển dự án.

Vũ Sơn

Nguồn Người Tiêu Dùng: http://nguoitieudung.com.vn/diem-nghen-cua-doanh-nghiep-dia-oc-d61508.html