Điểm nhấn công nghệ tuần: Việt Nam sẽ có hệ sinh thái số do người Việt làm chủ

Đề án “Phát triển Hệ tri thức Việt số hóa” sẽ được triển khai vào tháng 9/2017 và phát triển theo trở thành một hệ sinh thái số do người Việt làm chủ.

Phát triển Hệ tri thức Việt số hóa

Mới đây, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã ký Quyết định 677 phê duyệt Đề án “Phát triển Hệ tri thức Việt số hóa”. Việc triển khai Đề án được cho là sẽ góp phần thúc đẩy, tạo điều kiện để mọi người dân học tập suốt đời, làm chủ tri thức; tăng cường sáng tạo nghiên cứu, ứng dụng KHCN; phát huy sức mạnh trí tuệ của toàn dân, thúc đẩy quá trình phát triển đất nước.

Đề án hướng tới mục tiêu xây dựng Hệ tri thức Việt số hóa thông qua việc tổng hợp, hệ thống hóa, việt hóa, số hóa, lưu trữ và phổ biến tri thức trong mọi lĩnh vực, trước hết là hỗ trợ cho giáo dục đào tạo, đổi mới sáng tạo và các lĩnh vực liên quan trực tiếp đến đời sống của người dân như pháp luật, y tế, kỹ thuật sản xuất...; Tạo môi trường thuận lợi thu hút mọi người dân và doanh nghiệp tham gia, với vai trò vừa khai thác vừa đóng góp để làm giàu các tài nguyên tri thức số hóa của người Việt.
Theo tiến độ triển khai, tới tháng 7/2017 sẽ tập hợp khoảng 20 doanh nghiệp có tiềm lực và khát vọng để thành lập Nhóm nòng cốt triển khai xây dựng Hệ tri thức Việt số hóa. Nhóm này do một doanh nghiệp chủ trì và thống nhất cơ chế hoạt động theo hướng mở, khuyến khích sự tham gia của mọi doanh nghiệp, tổ chức. Tới tháng 12/2017, sẽ đưa vào sử dụng một số ứng dụng trong lĩnh vực luật, y tế, giáo dục, nông nghiệp và thử nghiệm mô hình tương tắc cộng đồng tại một số đia phương.
Từ năm 2019, tiếp tục phát triển và thúc đẩy khai thác sâu Hệ tri thức Việt số hóa để trở thành một hệ sinh thái số do người Việt làm chủ, có năng lực tích hợp mọi tri thức, thông tin, dữ liệu công cộng, tài nguyên số của Việt Nam và được sử dụng phổ biến trong xã hội.

Hà Nội sẽ đấu thầu qua mạng ít nhất 50% các gói thầu chào hàng cạnh tranh

Mới đây, UBND TP Hà Nội đã ra Quyết định 2876 ban hành Kế hoạch hành động năm 2017 và định kỳ 5 năm về đấu thầu qua mạng giai đoạn 2017 - 2021 của TP.

Cụ thể, UBND TP Hà Nội xác định giải pháp chính về đấu thầu qua mạng của TP là nâng cấp hạ tầng mạng cơ quan, đơn vị và người sử dụng. Theo đó, TP sẽ nâng cấp hệ thống mạng, thiết bị CNTT đáp ứng điều kiện hạ tầng mạng tham gia vào Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia. Đồng thời, đảm bảo tất cả các đơn vị trực thuộc TP được cấp chứng thư số và vận hành thuần thục đấu thầu qua mạng trên Hệ thống mạng đấu thầu Quốc gia.

Đối với lộ trình lựa chọn nhà thầu qua mạng, với giai đoạn 2017 - 2018, Hà Nội dự kiến trong năm 2017, tối thiểu 50% số lượng các gói thầu chào hàng cạnh tranh và 30% số lượng các gói thầu quy mô nhỏ đấu thầu rộng rãi, đấu thầu hạn chế. Từ năm 2018, tối thiểu 50% số lượng các gói thầu chào hàng cạnh tranh, 40% số lượng các gói thầu quy mô nhỏ đấu thầu rộng rãi, đấu thầu hạn chế.
Sang giai đoạn 2019 - 2021, căn cứ tình hình thực tế của giai đoạn 2016 - 2018, sau khi Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiến hành đánh giá tình hình áp dụng đấu thầu qua mạng để điều chỉnh tỷ lệ áp dụng cho giai đoạn tiếp theo, UBND TP sẽ điều chỉnh tỷ lệ áp dụng phù hợp.
Nhà mạng sẽ được tự quyết giá cước chuyển vùng quốc tế
Thông tin trên đã được Cục Viễn thông (Bộ TT&TT) xác nhận. Theo đó, kể từ 1/6/2017, nhà mạng được quyền chủ động về giá cước và thời gian đàm phán với các đối tác về dịch vụ chuyển vùng quốc tế cả chiều đi và chiều đến. Động thái này được cho là sẽ giúp giá cước dịch vụ chuyển vùng quốc tế giảm xuống trong thời gian tới.

Cục cũng lưu ý, giá cước mới phải đảm bảo lợi ích doanh nghiệp, phù hợp với mức chi trả của người dân để kích thích tiêu dùng, đảm bảo quyền lợi quốc gia khi tiến tới cân bằng chiều đến và chiều đi, tăng nguồn thu từ phát triển chiều đi.
Trước đó, từ đầu năm 2017, Viettel đã áp dụng cước chuyển vùng quốc tế mới cho 3 nước Việt Nam - Lào - Campuchia như mức cước trong nước. Với cách tính mới này, khách hàng của Viettel khi thực hiện liên lạc bằng điện thoại giữa 3 nước sẽ được giảm tới hơn 13 lần giá cước cuộc gọi quốc tế trong khu vực, giảm 160 lần giá cước data và cước tin nhắn giảm gần 10 lần.
Xuất hiện mã độc nguy hiểm hơn WannaCry
Theo thông tin vừa công bố của Công ty Bkav, hiện đã xuất hiện mã độc mới có tên EternalRocks, nguy hiểm hơn WannaCry và có khả năng lây lan nhanh.

Các chuyên gia Bkav cho biết, nguy hiểm hơn WannaCry, EternalRocks không nhằm mục đích tống tiền mà âm thầm nằm vùng, có thể được sử dụng để thực hiện các cuộc tấn công có chủ đích APT. Mã độc này có khả năng lây rộng hơn WannaCry nhờ sử dụng tới 7 công cụ tấn công bị rò rỉ của NSA, trong khi WannaCry chỉ khai thác 2 trong số này.
Sau khi lây nhiễm vào máy tính, để tránh bị phát hiện, EternalRocks tải về trình duyệt ẩn danh Tor, sau đó dùng trình duyệt này kết nối với máy chủ điều khiển (C&C server). Đồng thời, mã độc cũng “ẩn mình” 24 giờ sau mới kết nối tới máy chủ điều khiển và tải về các công cụ khai thác lỗ hổng SMB. Tiếp đến, EternalRocks quét trên mạng, tìm ra các máy tính có lỗ hổng SMB và tự lây nhiễm sang.

Phía Bkav cũng đưa ra khuyến cáo người dùng nên thường xuyên sao lưu dữ liệu, cập nhật bản vá cho hệ điều hành, đồng thời chỉ mở các file văn bản nhận từ internet trong môi trường cách ly Safe Run. Người dùng cũng cần cài phần mềm diệt virus thường trực trên máy tính để được bảo vệ tự động.

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/diem-nhan-cong-nghe-tuan-viet-nam-se-co-he-sinh-thai-so-do-nguoi-viet-lam-chu-288994.html