Điểm nhấn kinh tế tuần: Bộ Công Thương 'xử' loạt cán bộ bổ nhiệm không đúng quy định

Bộ Công thương đã đưa ra thông báo về quyết định của Ban Cán sự Đảng thi hành chỉ đạo của Tổng bí thư và Thủ tướng Chính phủ về một số trường hợp được bổ nhiệm không đúng quy định của Bộ này.

Hàng loạt quyết định bổ nhiệm cán bộ bị thu hồi

Theo Bộ Công Thương, Quyết định xử lý cán bộ của Bộ này căn cứ trên Thông báo số 138-TB/UBKTTW ngày 27/6/2016 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương về kết luận kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với Ban cán sự đảng Bộ Công Thương và đồng chí Vũ Huy Hoàng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Ban cán sự đảng, nguyên Bộ trưởng Bộ Công Thương và thực hiện ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư và ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc xử lý một số trường hợp được bổ nhiệm không đúng quy định.

Cụ thể, Ban cán sự đảng Bộ Công Thương báo cáo Ban Tổ chức Trung ương đưa 3 trường hợp Trịnh Xuân Thanh, Nguyễn Xuân Sơn (nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, hiện đã bị khởi tố và bắt tạm giam để truy tố) và ông Võ Thanh Hà (hiện là Chủ tịch Hội đồng thành viên Sabeco) ra khỏi Quy hoạch chức danh Thứ trưởng Bộ Công Thương giai đoạn 2016-2021.

Ban cán sự đảng yêu cầu Bộ trưởng Bộ Công Thương thu hồi các Quyết định tiếp nhận, bổ nhiệm, điều động cán bộ không đúng quy định đối với trường hợp của ông Trịnh Xuân Thanh, ông Vũ Quang Hải, ông Vũ Đình Duy và ông Võ Thanh Hà.

Ban cán sự đảng cũng đã ra Nghị quyết hủy bỏ mục 3, phần III, Thông báo số 619-TB-BCSĐ ngày 26 tháng 9 năm 2015 của Ban cán sự đảng Bộ Công Thương về việc điều động đồng chí Vũ Hùng Sơn, Giám đốc Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại giữ chức Chánh Văn phòng kiêm thư ký Bộ trưởng.

Khởi tố vụ án buôn lậu đối với Euro Auto

Tuần qua, theo thông tin từ Tổng cục Hải quan (Bộ Tài Chính), Cục Điều tra chống buôn lậu đã ra Quyết định số 18/QĐ- ĐTCBL khởi tố vụ án buôn lậu xảy ra tại Công ty cổ phần ô tô Âu Châu (Euro Auto). Quyết định này căn cứ kết quả điều tra, xác minh và các tài liệu chứng cứ thu thập được, sau khi trao đổi thống nhất với Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao.

Trước đó, Bộ Tài chính đã có văn bản hỏa tốc, yêu cầu Tổng cục Hải quan ngừng thông quan toàn bộ số xe BMW hàng nhập khẩu của Euro Auto. Theo cơ quan quản lý, trong quá trình thanh kiểm tra công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại đối với hoạt động nhập khẩu ô tô nguyên chiếc, Euro Auto đã có một loạt vi phạm như: Tự ý tiêu thụ hàng hóa (là lô hàng ô tô nhập khẩu BMW) khi chưa được cơ quan Hải quan địa phương cho thông quan trong thời gian được giao bảo quản chờ hoàn thành việc thông quan theo quy định.

Bên cạnh đó, công ty này không cung cấp được Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) và các hồ sơ, chứng từ, tài liệu của ô tô BMW từ công ty nhập khẩu, có dấu hiệu gian lận, lừa dối khách hàng. Đặc biệt, Công ty Euro Auto được xác định đã sử dụng tài liệu giả như: Hợp đồng mua bán, hóa đơn thương mại... để nhập khẩu lô xe BMW nói trên.

Một diễn biến mới nhất liên quan đến vụ sai phạm của Euro Auto, trong tháng 12/2016, Tổng cục Hải quan đã tạm đình chỉ chức vụ 15 ngày đối với ông Dương Phú Đông, Cục trưởng Cục Kiểm tra sau thông quan vì liên quan đến sai phạm của Công ty Euro Auto, đồng thời kiểm điểm trách nhiệm cá nhân ông Đông, cùng một số cán bộ Cục Kiểm tra sau thông quan vì để xảy ra sai phạm nói trên.

Bãi bỏ quy định dán nhãn năng lượng

Tuần qua, Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư số 36/2016/TT-BCT quy định dán nhãn năng lượng cho các phương tiện, thiết bị sử dụng năng lượng thuộc phạm vi quản lý của Bộ Công Thương, thay thế Thông tư số 07/2012/TT-BCT ngày 4/4/2012.

So với Thông tư 07 ban hành năm 2012, Thông tư số 36 sẽ thay đổi phương thức chứng nhận cho phương tiện thiết bị, tạo thông thoáng cho doanh nghiệp trong việc thực hiện thủ tục dán nhãn năng lượng. Theo đó, áp dụng hình thức để doanh nghiệp tự công bố mức hiệu suất năng lượng và dán nhãn năng lượng trên phương tiện thiết bị sản xuất, nhập khẩu. Doanh nghiệp tự chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm công bố và dán nhãn.

Thông tư 36 cũng bổ sung quy định về việc miễn trừ dán nhãn năng lượng đối với hàng hóa nhập khẩu phi thương mại, hàng hóa, phụ tùng thay thế, dự phòng nhập khẩu đơn chiếc phục vụ cho các công trình, dự án, nhà máy sản xuất; hàng hóa, vật tư thiết bị tạm nhập - tái xuất; hàng quá cảnh chuyển khẩu; hàng hóa doanh nghiệp trong nước sản xuất, gia công phục vụ xuất khẩu; hàng hóa thuộc lĩnh vực an ninh quốc phòng, bí mật quốc gia, an toàn bức xạ hạt nhân.

LG Việt Nam bị phạt vì không công bố danh tính đối tác

Thông tin từ Cục Kiểm tra sau thông quan (Tổng cục Hải quan) cho biết, đơn vị này vừa có Quyết định số 612 về việc xử phạt vi phạm hành chính LG do công ty "không khai mối quan hệ đặc biệt" trong giá tính thuế xuất nhập khẩu về lô hàng của công ty này, số tiền phạt 1,3 tỷ đồng.

"LG đã không kê khai mối quan hệ đặc biệt, phí bảo hiểm, phí CIC vào giá tính thuế thuộc hành vi vi phạm quy định tại điểm g, Điều 8, hành vi khai không đúng mã số của môt số mặt hàng thuộc hành vi vi phạm quy định xử phạt vi phạm hành chính và cưỡng chế thi hành quyết định hành chính trong lĩnh vực hải quan", Quyết định số 612 của Cục Kiểm tra sau thông quan nêu rõ.

Ngay sau đó, LG đã có đơn giải trình gửi Bộ Tài chính cho rằng số thuế bị truy thu từ xử phạt hành chính do "không khai mối quan hệ đặc biệt" là chưa chính xác. Đồng thời, LG quả quyết, nguyên nhân làm tăng thuế dẫn đến quyết định ấn định thuế là do cơ quan hải quan xác định lại trị giá tính thuế.

Trước đó, ngày 28/10, LG cũng bị cơ quan Hải quan ra quyết định ấn định thuế hơn 6,8 tỷ đồng. Nguyên nhân được cho là LG đã khai sai mã số HS và chưa cộng phí bảo hiểm vào trị giá tính thuế, khiến số thuế phải nộp thiếu.

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/diem-nhan-kinh-te-tuan-bo-cong-thuong-xu-loat-can-bo-bo-nhiem-khong-dung-quy-dinh-276767.html