Điểm nhấn Modi - Nhân vật khiến Trung Quốc kiêng nể

Khi Narendra Modi được bầu làm Thủ tướng Ấn Độ, kỳ vọng đối với vai trò quản lý đất nước của ông đã được giới phân tích trong nước đánh giá rất cao. Nhưng một trong những bất ngờ lớn nhất của nhà lãnh đạo này lại đến từ chính sách đối ngoại mà ông đề ra cho New Delhi.

Không phải ngẫu nhiên mà Trung Quốc cũng phải kiêng nể Ấn Độ trên con đường vươn mình trở thành cường quốc ở châu Á. ếu nhìn ở một khía cạnh nào đó, có thể nói mọi thứ đã không hoàn toàn đi đúng theo con đường mà Thủ tướng Modi mong muốn. Chính sách với nước láng giềng Pakistan của ông dường như đang bị mắc kẹt trong một vũng lầy. Trong khi đó, tầm ảnh hưởng ngày càng lớn của Trung Quốc ở Ấn Độ Dương đang gây nhiều lo lắng với New Delhi, đặc biệt là những biểu hiện gần đây về chiến lược "chuỗi ngọc trai" của Bắc Kinh trong động thái giúp đỡ Pakistan, Sri Lanka và Bangladesh xây dựng cảng.

Nhưng mặt khác, Ấn Độ cũng có thành công của riêng mình khi ký kết Hiệp định Biên giới mang tính bước ngoặt với Bangladesh và trở thành thành viên của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải. Sự cải thiện lớn nhất trong quan hệ đối ngoại của Ấn Độ thường được nhắc đến nhiều là với Nhật Bản, quốc gia đầu tiên mà chính quyền Thủ tướng Modi tiếp cận sau khi ông nhậm chức. New Delhi và Tokyo ký kết một thỏa thuận hạt nhân dân sự mang tính bước ngoặt trong tháng 11/2016, một sự phát triển lớn cho Nhật Bản - quốc gia từng là nạn nhân của vũ khí nguyên tử trong quá khứ.

Thủ tướng Modi là nhân vật không ngại ngần cứng rắn với Trung Quốc.

Hai nước cũng tăng cường hợp tác trong việc phát triển cảng biển Trincomalee ở Sri Lanka, cũng như Tokyo bày tỏ sự quan tâm đến cảng Chabahar đang được Ấn Độ phát triển. Dưới thời Modi, Chính sách hướng Đông đã được đổi tên thành Chính sách Hành động phía Đông. Thủ tướng Modi cũng hàn gắn thành công mối quan hệ giữa New Delhi và Washington. Tuyên bố chung Mỹ-Ấn Độ ban hành năm 2015 đã khẳng định tầm quan trọng của việc bảo vệ an ninh hàng hải và quyền tự do hàng hải ở nhiều khu vực, đặc biệt là ở Biển Đông. Đây là một sự thay đổi lớn trong chính sách đối ngoại của New Delhi, khi nước này thường tránh đề cập đến tình hình Biển Đông trong quá khứ. Ấn Độ cũng đã ký kết một thỏa thuận mang tính bước ngoặt với Mỹ mà sẽ cho phép quân đội của hai nước sử dụng cơ sở quân sự nền tảng đôi bên cùng có lợi.

Theo giới quan sát, định hướng quốc gia không liên kết vốn được New Delhi duy trì lâu năm nay đã từ bỏ. Nhưng bất chấp những thành công, khá nhiều thách thức đối ngoại vẫn còn ở phía trước đang chờ đón Thủ tướng Modi. Quan hệ với Trung Quốc là rủi ro lớn nhất, đặc biệt là trong Sáng kiến Vành đai và Con đường của Bắc Kinh đang đe dọa lợi ích chiến lược của Ấn Độ. New Delhi hiện tại vẫn hậm hực với Bắc Kinh khi bị nước này ngăn việc trở thành thành viên của Nhóm các nước cung ứng hạt nhân và phản đối những đề xuất về khủng bố ở Liên Hợp Quốc.

Bằng cách tẩy chay diễn đàn Vành đai và Con đường ở Bắc Kinh hồi tháng 5/2017, rõ ràng chính quyền Modi đã sẵn sàng bước qua "lằn ranh đỏ" trong mối quan hệ giữa Ấn Độ với Trung Quốc. Cùng với đó, quan hệ với nước láng giềng Pakistan đã rơi vào bế tắc do hậu quả đến từ cuộc tấn công vào căn cứ không quân Pathankot ở Ấn Độ vào đầu tháng 1/ 2016 và căn cứ quân sự Uri hồi tháng 9/2016 bởi những kẻ khủng bố đang hoạt động ngoài luồng ở Pakistan. Ngoài ra, ẩn số đến từ nước Mỹ - Donald Trump vẫn là một thách thức không nhỏ dù cả hai đã có cuộc gặp thân tình với nhau cách đây không lâu. Tổng thống Trump chỉ trích Ấn Độ đã trích xuất "hàng tỷ đô la viện trợ nước ngoài từ các nước phát triển" để đổi lấy việc có tên trong Hiệp định Khí hậu Paris. Và lập trường của nhà lãnh đạo Mỹ về vấn đề thuê nguồn lao động đặc biệt từ nước ngoài là không hữu ích cho cả hai nước.

Giữa những thách thức này, phát triển hạ tầng được cho là chìa khóa giúp Ấn Độ mở rộng sức mạnh. Mặc dù Chính phủ đã có những bước đi tiến bộ - đặc biệt là ở khu vực biên giới - nhưng mọi thứ đang cần phải được nhân rộng hơn nữa để New Delhi có thể bắt kịp được với tầm ảnh hưởng đang lan tỏa khắp châu Á của Bắc Kinh. Để đánh dấu ba năm nắm quyền, chính quyền Thủ tướng Modi sẽ khánh thành cây cầu dài nhất của Ấn Độ trên sông Lohit ở bang đông bắc Assam. Đồng thời, tiến triển về tuyến đường cao tốc Ấn Độ-Myanmar-Thái Lan đang được ba nước gấp rút hoàn thành mà khi đi vào hoạt động, nó sẽ cung cấp cho Ấn Độ cách tiếp cận không bị trói buộc tới Đông Nam Á. Theo chuyên gia Rupakjyoti Borah từ viện Nghiên cứu Nam Á tại đại học Quốc gia Singapore (NUS), thành công đáng chú ý nhất của Thủ tướng Modi là thể hiện được bản sắc cá nhân trong chính sách đối ngoại giống như cách làm của một số chính khách như Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe hay cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama. Người ta sẽ còn trông chờ Ấn Độ vươn mình như thế nào trong khoảng 2 năm nữa, khi nhiệm kỳ hiện tại của Thủ tướng Modi kết thúc. Và hơn tất cả, Trung Quốc hiểu rằng, họ đã có một đối thủ đáng gờm của riêng mình.

MẠNH KIÊN (Theo East Asia Forum)

Đăng lại bài trên báo giấy Đời sống & Pháp luật

Nhân Văn

Nguồn ĐS&PL: http://doisongphapluat.com/tin-the-gioi/diem-nhan-modi-nhan-vat-khien-trung-quoc-kieng-ne-a199026.html