“Điểm nóng” tay - chân - miệng ở miền Trung: Số ca mắc giảm 80%

Tỉnh Quảng Ngãi xuất hiện các ca bệnh tay – chân – miệng (TCM) từ tháng 4/2011. Thời điểm đỉnh dịch TCM của tỉnh này là tháng 6/2011 với số ca mắc mới lên tới 529 ca/tuần. Thời điểm đó, lãnh đạo tỉnh ủy, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã tính đến phương án nhận chi viện từ TW và lập các bệnh viện dã chiến để điều trị cho bệnh nhân.

Gần 300 bệnh nhi điều trị nội trú trong Khoa Nhi!

Thông tin từ Trung tâm YTDP Quảng Ngãi cho biết, có thời điểm bệnh TCM đã bùng phát mạnh và lây lan trên diện rộng dẫn đến 5 trường hợp tử vong. Bệnh TCM được ghi nhận tại 14/14 huyện, thành phố, 166/184 xã, phường, thị trấn có ca mắc bệnh. Trong tháng 5/2011, Quảng Ngãi ghi nhận có 180 ca TCM thì đến tháng 6/2011, số ca mắc TCM vọt lên 1.974 ca, tăng hơn gấp 10 lần.

Tại Khoa Nhi, BVĐK tỉnh Quảng Ngãi, thời điểm đỉnh dịch có từ 40-50 trường hợp mắc mới vào viện/ngày. Có thời kỳ, 298 bệnh nhân cùng điều trị nội trú trong khoa. Một con số “khủng khiếp” mà đến nay nhiều cán bộ YTDP Quảng Ngãi khi nhớ lại thời điểm của đỉnh dịch không khỏi rùng mình! Điều nguy hiểm hơn nữa, qua 69 mẫu gửi đi xét nghiệm, có 15 mẫu cho kết quả dương tính với EV71...

Có thời điểm bệnh nhi bị TCM ở Khoa Nhi BVĐK Quảng Ngãi lên đến 300 cháu.

“Không công bố dịch TCM, không có nghĩa là chúng tôi chủ quan, lơ là không triển khai công tác bao vây khống chế dịch. Hiện dịch TCM trên địa bàn đã có dấu hiệu giảm. Điều đó chứng minh chúng tôi đã quyết liệt phòng chống...” - Giám đốc Sở Y tế Quảng Ngãi Phạm Hồng Phương trao đổi với phóng viên.

Khẩn cấp chi hơn 5 tỷ đồng dập dịch

Đứng trước thời điểm đó, lãnh đạo tỉnh và y tế Quảng Ngãi phải lăn lội với cơ sở, BS. Võ Văn Phú, Phó Giám đốc Trung tâm YTDP Quảng Ngãi cho biết, ngay từ khi có chùm ca bệnh đầu tiên, tất cả các đơn vị y tế từ tỉnh đến cơ sở đã phân công cán bộ “canh” theo từng khu vực. Tổ chức giám sát, chủ động phát hiện ca bệnh, lấy mẫu bệnh phẩm và kịp thời gửi về Viện Pasteur Nha Trang để xét nghiệm xác định tác nhân gây bệnh. Hệ thống y tế dự phòng và điều trị tại các tuyến đã có sự phối hợp khá chặt chẽ trong việc thông tin, điều tra, giám sát, xử lý ca bệnh. Nhờ vậy, số liệu thống kê, báo cáo giám sát kịp thời và khá chính xác.

Bên cạnh đó, tỉnh Quảng Ngãi đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc và huy động tối đa phương tiện, con người cùng nguồn kinh phí 5,1 tỷ đồng mua hóa chất, trang thiết bị và các hoạt động vệ sinh môi trường và hỗ trợ cho cán bộ y tế tham gia công tác phòng, chống bệnh. “Tính đến giữa tháng 10 và đầu tháng 11, trên địa bàn tỉnh đã có 70 xã qua 30 ngày không có ca mắc bệnh mới. Hiện bệnh TCM đã giảm 80%” - ông Phạm Hồng Phương khẳng định. Theo đánh giá của các chuyên gia y tế, tại thời điểm bệnh TCM bùng phát mạnh, Quảng Ngãi là địa phương có số người mắc bệnh cao nhất khu vực miền Trung (chiếm hơn 70% tổng số ca bệnh) và đứng thứ 7 cả nước về số ca tử vong.

Tính đến ngày 13/11/2011, bệnh TCM ở Quảng Ngãi đã cơ bản được khống chế. Số bệnh nhân mắc mới hàng tuần giảm khoảng 5 lần so với thời kỳ cao điểm. Để phòng ngừa bệnh TCM bùng phát trở lại, Quảng Ngãi vẫn tổ chức chiến dịch vệ sinh môi trường phòng chống bệnh TCM trên địa bàn tỉnh sâu rộng và triệt để. Tiếp tục dự phòng phương án thiết lập một khu vực hoặc bệnh viện chuyên thu dung, cách ly các trường hợp mắc tay - chân - miệng nếu số lượng bệnh có xu hướng gia tăng nhanh.

Sau thông tin TS. Nguyễn Văn Khải, nguyên Giám đốc Trung tâm Tư vấn đèn tiết kiệm năng lượng và dung dịch hoạt hóa, điện hóa Hà Nội (Viện Khoa học Việt Nam) chữa bệnh TCM bằng dung dịch hoạt hóa điện hóa (anolyte và catolyte) hay còn gọi là nước ozone cùng với nước chanh tươi, vitamin B 1 , muối sạch có nồng độ tinh khiết trên 98% để tắm rửa, bôi ngoài da và cho các cháu súc miệng, đại diện Bộ Y tế cho biết: Bộ Y tế rất hoan nghênh và đánh giá cao những thử nghiệm của TS. Khải.

Tuy nhiên, để khẳng định hiệu quả phòng và chữa bệnh TCM bằng dung dịch hoạt hóa điện hóa còn phải đợi các bằng chứng khoa học kiểm nghiệm. Theo Bộ Y tế, đây là vấn đề liên quan đến sức khỏe và tính mạng con người, chỉ sau khi có kết quả và bằng chứng khoa học theo đúng quy trình, ngành y tế mới có ý kiến chính thức.

Bộ Y tế đã chỉ đạo Viện Pasteur Nha Trang khẩn trương tiến hành đánh giá nghiêm túc, với luận chứng khoa học đầy đủ về hiệu quả điều trị lâm sàng, phòng tránh bệnh tay - chân - miệng bằng phương pháp của TS. Nguyễn Văn Khải và báo cáo Bộ Y tế trong thời gian sớm nhất.

Ngọc Vinh

Nguồn SK&ĐS: http://suckhoedoisong.vn/20111117104712228p61c67/diem-nong-taychanmieng-o-mien-trung-so-ca-mac-giam-80.htm