Điểm tin 13/12: Giá đất Sài Gòn tăng mạnh trên diện rộng

Bộ trưởng Phạm Hồng Hà tiếp Ban lãnh đạo Hiệp hội hợp tác ngành nước Đức; Bàn giao dự án mở rộng hệ thống cấp nước TP Vĩnh Yên; Xây dựng hạ tầng kỹ thuật KCN Tân Kiều (Đồng Tháp); Bồi thường, hỗ trợ tái định cư dự án Quản lý nước Bến Tre; Giá đất Sài Gòn tăng mạnh trên diện rộng. Đây là một số tin tức nổi bật trên Báo điện tử Xây dựng ngày 13/12.

Giá đất TP.HCM bất ngờ tăng mạnh vào cuối năm. (Ảnh minh họa)

Bộ trưởng Phạm Hồng Hà tiếp Ban lãnh đạo Hiệp hội hợp tác ngành nước Đức

Ngày 13/12, tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà đã tiếp ông Perter Stamm, thành viên Ban lãnh đạo Hiệp hội hợp tác ngành nước Đức, Tổng Giám đốc Tập đoàn bơm WILO-SE, một trong 5 Tập đoàn lớn nhất thế giới về sản xuất bơm.

Bộ trưởng Phạm Hồng Hà đánh giá cao sự hỗ trợ cũng như những kết quả hợp tác mà Hiệp hội hợp tác ngành nước Đức đã triển khai thực hiện tại Việt Nam. Bộ trưởng vui mừng trước mối quan hệ tốt đẹp trên các lĩnh vực giữa Việt Nam và Đức thời gian qua, đặc biệt là trong việc đào tạo nguồn nhân lực, quản lý hạ tầng đô thị. Bộ trưởng tán thành với những sáng kiến của Hiệp hội hợp tác ngành nước Đức nhằm góp phần thúc đẩy mối quan hệ nhiều mặt giữa Việt Nam và Đức nói chung cũng như giữa Hiệp hội với ngành xây dựng nói riêng, đồng thời cam kết sẽ tạo điều kiện để các hoạt động diễn ra hiệu quả.

Giá đất Sài Gòn tăng mạnh trên diện rộng

Cuối 2016, giá đất Sài Gòn đã tăng đồng bộ, từ khu Đông lan cả sang trục đô thị phía Tây và Nam TP.HCM, mức tăng cao nhất 70-80%, song lượng giao dịch rất ít, thị trường có dấu hiệu sốt ảo.

Điểm nóng nhất hiện nay phải kể đến khu vực phía Đông Sài Gòn. Đường Lò Lu, nằm xa khu trung tâm quận 9, cách đây một năm có giá trên dưới ngưỡng 12-15 triệu đồng mỗi m2 nay đã không còn vị trí nào còn chào giá cũ. Một dự án vừa chào bán trên đường Lò Lu, nền 50-60m2 có giá 1,5-1,6 tỷ đồng, tăng gấp đôi so với 12 tháng qua.

Tổng Giám đốc Công ty Exim Real Estate - Trần Thị Cẩm Tú xác nhận, giá đất đang tăng trên diện rộng khắp Sài Gòn, tốc độ tăng mạnh khi càng về cuối năm. Điểm khác biệt so với 2015 là hiện nay giá đất leo thang và liên tục "nhảy múa" nhưng không có hoặc rất ít hàng bán ra và lượng giao dịch thành công không nhiều, có dấu hiệu sốt ảo.

Bàn giao dự án mở rộng hệ thống cấp nước TP Vĩnh Yên

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh vừa có ý kiến về việc bàn giao Dự án mở rộng hệ thống cấp nước thành phố Vĩnh Yên, sử dụng vốn vay ODA Nhật Bản.

Cụ thể, Phó Thủ tướng đồng ý chủ trương bàn giao dự án hợp phần mở rộng hệ thống cấp nước thành phố Vĩnh Yên cho Công ty Cổ phần cấp thoát nước số 1 Vĩnh Phúc theo phương án tăng phần vốn góp của nhà nước trong Công ty Cổ phần cấp thoát nước số 1 Vĩnh Phúc đối với phần vốn ODA cấp phát và đối ứng của ngân sách tỉnh trên cơ sở giá trị quyết toán được phê duyệt và thực hiện theo đúng quy định của Luật Doanh nghiệp.

Công ty Cổ phần cấp thoát nước số 1 Vĩnh Phúc tiếp nhận tài sản và nghĩa vụ nợ được đầu tư từ nguồn vốn ODA vay lại. UBND tỉnh Vĩnh Phúc chịu trách nhiệm về việc lựa chọn đơn vị nhận bàn giao tài sản Dự án.

Xây dựng hạ tầng kỹ thuật KCN Tân Kiều (Đồng Tháp)

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật Khu công nghiệp Tân Kiều, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp.

Dự án do Công ty TNHH Một thành viên Xây lắp và Vật liệu xây dựng Đồng Tháp làm chủ đầu tư với tổng nguồn vốn hơn 896 tỷ đồng, địa điểm tại xã Tân Kiều và xã Mỹ An, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp.

Dự án sẽ được thực hiện từ năm 2016 đến năm 2023 nhằm tạo điều kiện thu hút các nhà đầu tư hạ tầng và các doanh nghiệp khác đầu tư dự án trong khu công nghiệp; trong đó, ưu tiên các dự án sử dụng công nghệ cao, thiết bị hiện đại, sử dụng nhiều lao động, góp phần giải quyết nhu cầu việc làm của địa phương. Về quy mô đầu tư, Khu công nghiệp có quy mô khoảng 150ha bao gồm các hạng mục: đền bù, giải phóng mặt bằng, san lấp mặt bằng, xây dựng đường giao thông, bến bãi, hệ thống cấp thoát nước, hệ thống cấp điện, cây xanh, xây dựng nhà máy cấp nước và nhà máy xử lý nước thải.

Bồi thường, hỗ trợ tái định cư dự án Quản lý nước Bến Tre

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Khung chính sách về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Dự án Quản lý nước Bến Tre sử dụng ODA vốn vay Chính phủ Nhật Bản.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với UBND tỉnh Bến Tre chịu trách nhiệm theo dõi, giám sát thực hiện Khung chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư theo đúng nội dung đã phê duyệt.

Dự án Quản lý nước Bến Tre nhằm bảo vệ ngành nông nghiệp và đời sống của nhân dân khu vực Dự án không bị đe dọa bởi xâm nhập mặn gây ra do biến đổi khí hậu, nước biển dâng và sự khai thác quá mức thượng nguồn sông Mê Kông; kiểm soát mặn và cung cấp nước ngọt để phục vụ sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp theo đó phục vụ việc phát triển kinh tế - xã hội cho tỉnh Bến Tre.

Báo điện tử Xây dựng

Nguồn Xây Dựng: http://www.baoxaydung.com.vn/news/vn/thoi-su/diem-tin-1312-gia-dat-sai-gon-tang-manh-tren-dien-rong.html