Điểm tin 20/12: Thủy điện Lai Châu về đích sớm, tiết kiệm hơn 5.000 tỷ đồng

(Xây dựng) - Ngày 20/12, Công trình Thủy điện Lai Châu được khánh thành, dự án hoàn thành sớm hơn tiến độ 1 năm. Bên cạnh đó, ngày 20/12 trên Báo điện tử Xây dựng còn có một số tin tức nổi bật khác như: Triển khai xử lý tồn tại, yếu kém của 12 nhà máy, dự án lớn; Hà Nội phải bố trí đủ quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội; Điều chỉnh quy hoạch chung TP Thái Nguyên; Doanh nghiệp xin được xuất khẩu 300.000 tấn bụi thép sang Trung Quốc.

Thủy điện Lai Châu về đích sớm: Tiết kiệm hơn 5.000 tỷ đồng

Ngày 20/12, tại huyện Nậm Nhùn, tỉnh Lai Châu đã diễn ra lễ khánh thành Công trình Thủy điện Lai Châu. Tham dự có Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà cùng lãnh đạo các Bộ, ngành, lãnh đạo địa phương và đông đảo bà con các dân tộc hai tỉnh Lai Châu và Điện Biên.

Công trình Thủy điện Lai Châu hoàn thành sớm hơn tiến độ 01 năm.

Việc hoàn thành công trình sớm hơn tiến độ 01 năm đã mang lại nguồn lợi to lớn về kinh tế (theo tính toán mang lại khoảng hơn 5.000 tỷ đồng doanh thu/năm), góp phần to lớn vào việc vận hành an toàn, ổn định hệ thống điện Quốc gia.

Bên cạnh đó, hồ chứa thủy điện Lai Châu đưa vào sử dụng năm 2015 đã góp phần cải thiện việc cấp nước tưới cho đồng bằng Bắc bộ và tăng thời gian hoạt động hữu ích cho các nhà máy thủy điện Sơn La, Hòa Bình.

Triển khai xử lý tồn tại, yếu kém của 12 nhà máy, dự án lớn

Tại phiên họp Thường trực Chính phủ hồi tuần trước, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định thành lập Ban chỉ đạo giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xử lý những tồn tại, yếu kém của một số nhà máy, dự án thua lỗ thuộc ngành Công Thương. Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ làm Trưởng Ban chỉ đạo.

Ngoài 5 nhà máy, dự án thua lỗ, hoạt động kém hiệu quả mà Quốc hội đã nêu lên tại Nghị quyết chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 2 vừa qua, Ban chỉ đạo cũng bổ sung sơ bộ thêm 7 nhà máy, dự án khác đang có tình trạng tương tự để tập trung xử lý dứt điểm theo đúng Nghị quyết của Quốc hội và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, nhằm kéo giảm nguy cơ mất vốn đầu tư, tiêu hao nguồn lực nhà nước cũng như của xã hội.

Trong phiên họp vào chiều 20/12 tại Văn phòng Chính phủ, để triển khai chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh tinh thần việc xử lý các nhà máy, dự án này phải quán triệt chủ trương, các quan điểm chỉ đạo của Đảng, hết năm 2018 cơ bản xử lý xong các dự án, doanh nghiệp này.

Hà Nội phải bố trí đủ quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng vừa có ý kiến chỉ đạo về chủ trương nộp bằng tiền theo giá đất đối với quỹ nhà ở xã hội thuộc Dự án khu đô thị mới Tây Mỗ - Đại Mỗ tại các phường Tây Mỗ, Đại Mỗ, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội và Dự án khu chức năng đô thị tại 233 - 233B - 235 Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân, Hà Nội.

Phó Thủ tướng yêu cầu UBND TP Hà Nội phải quy hoạch, bố trí đủ quỹ đất tương ứng tại khu vực lân cận 2 dự án trên và các khu vực khác trên địa bàn TP để xây dựng nhà ở xã hội, tổ chức lập dự án để đầu tư hoặc huy động các nhà đầu tư thực hiện theo quy hoạch trên, đồng thời phải sử dụng khoản tiền thu được từ quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội trên địa bàn, đáp ứng nhu cầu về nhà ở xã hội trong khu vực và trên địa bàn TP.

Phó Thủ tướng giao UBND TP Hà Nội làm rõ về quy hoạch và bố trí quỹ đất cho các Dự án trước đây chưa bố trí 20% quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội theo quy định của Luật Nhà ở trên địa bàn TP, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 01/2017.

Điều chỉnh quy hoạch chung TP Thái Nguyên

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên đến năm 2035.

Phạm vi lập quy hoạch có tổng diện tích là 22.313,6ha, bao gồm toàn bộ diện tích tự nhiên thành phố Thái Nguyên hiện có (17.069,8ha) và mở rộng 5.243,8ha về các phía: Phía Bắc là xã Sơn Cẩm (huyện Phú Lương); phía Đông là thị trấn Chùa Hang, xã Linh Sơn, xã Huống Thượng (huyện Đồng Hỷ) và xã Đồng Liên (huyện Phú Bình).

Về định hướng phát triển không gian, TP Thái Nguyên phát triển hai bên bờ sông Cầu, theo mô hình đô thị sinh thái, đa trung tâm gắn với việc hình thành các khu chức năng: Trung tâm lịch sử hiện hữu; trung tâm giáo dục - đào tạo, y tế chất lượng cao, thương mại - dịch vụ, tài chính - ngân hàng; các khu cải tạo nâng cấp; khu phát triển mới; khu vực phát triển công nghiệp, logistic phía Bắc; khu vực du lịch sinh thái gắn với nông nghiệp chất lượng cao; khu dự trữ phát triển và nông nghiệp đô thị.

Doanh nghiệp xin được xuất 300.000 tấn bụi thép sang Trung Quốc

Công ty TNHH Kim Phúc Hà có văn bản gửi Bộ Công Thương đề nghị được xuất khẩu 300.000 tấn bụi lò thép sang Trung Quốc.

Công ty Kim Phúc Hà cho rằng bụi lò thép là chất thải được tạo ra trong quá trình sản xuất thép ở Việt Nam chưa được tái chế. Hiện bụi lò thép được các nhà máy ở Việt Nam thu gom, đóng bao và lưu trữ trong các nhà kho không đảm bảo quy định về quản lý chất thải nguy hại với số lượng ngày một tăng mà chưa có phương án xử lý hoặc tái chế. Xuất phát từ thực tế này, Công ty đã nghiên cứu thị trường và ký hợp đồng xuất khẩu với Công ty Hữu Hạn thương mại Phú Bang (thành phố Cảng Phòng Thành, Trung Quốc), với số lượng khoảng 300.000 tấn. Trong văn bản gửi tới Bộ Công Thương, đơn vị này "hứa" sẽ thực hiện đầy đủ các quy định của Nhà nước về vận chuyển, quản lý chế thải nguy hại.

Báo điện tử Xây dựng

Theo

Nguồn Xây Dựng: http://www.baoxaydung.com.vn/news/vn/thoi-su/diem-tin-2012-thuy-dien-lai-chau-ve-dich-som-tiet-kiem-hon-5000-ty-dong.html