Điểm tin 29/3: Xây dựng cở sở dữ liệu để quản lý hiệu quả sự phát triển đô thị

Dự thảo Luật Quy hoạch nếu được Quốc hội thông qua có thể tác động tới 32 Luật và nhiều văn bản dưới Luật, vì vậy, cần cực kỳ thận trọng; Cục Phát triển đô thị (Bộ Xây dựng) sẽ xây dựng cơ sở dữ liệu đô thị quốc gia để quản lý hiệu quả sự phát triển đô thị trong tương lai. Bên cạnh đó, ngày 29/3, Báo điện tử Xây dựng còn cập nhật một số nội dung đáng chú ý như: Hợp nhất các Sở: Cần đảm bảo tính khoa học và hiệu suất công việc; Lấy ý kiến về Đề án thành lập TP Sầm Sơn; Di chuyển 47 hộ dân để quy hoạch Di tích quốc gia đặc biệt chùa Thầy.

Dự thảo Luật Quy hoạch: Cần tiếp cận thận trọng

Dự thảo Luật Quy hoạch nếu được Quốc hội thông qua có thể tác động đến 32 Luật và nhiều văn bản dưới Luật khác. Điều này sẽ gây ra sự xáo trộn lớn. Do đó, lấy ý kiến chuyên gia để Dự thảo được chặt chẽ, tránh việc phải sửa lại sau khi áp dụng là việc làm cần thiết.

Nhắc đến Dự thảo Luật Quy hoạch, ông Nguyễn Hồng Quân, nguyên Bộ trưởng Bộ Xây dựng cũng bày tỏ quan điểm không đồng tình với nhiều nội dung trong Dự thảo Luật này. Nguyên Bộ trưởng Bộ Xây dựng đánh giá: nhận thức về bản chất của câu chuyện quy hoạch trong Luật Quy hoạch là không chuẩn; toàn văn Dự thảo chung chung, không rõ vấn đề cụ thể.

Theo ThS.KTS Nguyễn Thành Hưng, Phó Viện trưởng Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn Quốc gia, một Luật phủ lên rất nhiều Luật khác, khiến các Luật khác cần phải thay đổi, dù thay đổi rất nhỏ mức độ câu chữ hoặc thay đổi những điều những khoản, thậm chí thay đổi cả những chương và hệ thống văn bản dưới Luật đi theo như Nghị định, Thông tư… thì phải cực kỳ thận trọng.

UDA sẽ xây dựng dữ liệu đô thị quốc gia

Thông qua xây dựng cơ sở dữ liệu đô thị quốc gia, Cục Phát triển đô thị (UDA) và các địa phương trong cả nước có thể quản lý hiệu quả sự phát triển đô thị trong tương lai. Đây là vấn đề trọng tâm được thảo luận tại buổi làm việc giữa UBND TP Cần Thơ với đoàn chuyên gia của UDA thuộc Bộ Xây dựng tổ chức ngày 27/3.

Ảnh minh họa.

Theo đó, UDA sẽ thiết kế, xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu đô thị quốc gia. Đây là công cụ quan trọng để ra các quyết sách phát triển đô thị ở cấp quốc gia và địa phương. Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu đô thị quốc gia thuộc dự án “Hỗ trợ kỹ thuật cho Bộ Xây dựng để thực hiện chương trình nâng cấp đô thị quốc gia và điều phối dự án nâng cấp đô thị vùng ĐBSCL” do UDA chịu trách nhiệm về mặt Nhà nước và được Ngân hàng Thế giới (WB) tài trợ.

Hợp nhất các Sở: Cần đảm bảo tính khoa học và hiệu suất công việc

Bộ Nội vụ đang lấy ý kiến dự thảo Nghị định quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Theo đó, dự thảo đề xuất hợp nhất, cơ cấu lại một số cơ quan chuyên môn của UBND tỉnh trong thời gian tới, trong đó có đề xuất sát nhập Sở Xây dựng với Sở GTVT.

Theo ông Lê Anh Tuấn, Giám đốc Sở Xây dựng Quảng Bình, khi tính toán việc sát nhập, cần phải đảm bảo tính khoa học và hiệu quả thực tế. Trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ của 2 ngành, ít nhất phải trùng nhau 50%, khi đó việc sát nhập Sở sẽ tăng hiệu suất công việc. Về đề xuất sát nhập Sở Xây dựng với Sở GTVT, ông Tuấn cho rằng, giữa hai ngành Xây dựng và GTVT chỉ có chức năng giống nhau ở việc xây dựng, quản lý hạ tầng đô thị, đặc biệt là những tuyến đường nội thị, ngoài ra, chuyên môn 2 ngành này khác nhau.

Lấy ý kiến về Đề án thành lập TP Sầm Sơn

Đề án thành lập các phường thuộc thị xã Sầm Sơn và thành lập TP Sầm Sơn thuộc tỉnh Thanh Hóa đã được tỉnh công khai, lắng nghe ý kiến đóng góp của các cá nhân, cơ quan, tổ chức có liên quan. Bộ phận soạn thảo đã hoàn chỉnh Đề án thành lập các phường Quảng Cư, Quảng Châu, Quảng Thọ, Quảng Vinh thuộc thị xã Sầm Sơn và thành lập TP Sầm Sơn.

Tại Hội nghị tháng 11/2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã thống nhất thông qua nội dung Đề án. Cũng trong tháng 11/2016, UBND thị xã Sầm Sơn đã tổ chức cho 118/118 thôn, khu phố trên tổng số 11 xã, phường tổ chức hội nghị lấy ý kiến nhân dân là cử tri về dự thảo Đề án thành lập các phường thuộc thị xã Sầm Sơn và thành lập thành phố Sầm Sơn thuộc tỉnh Thanh Hóa. Kết quả, 92,22% cử tri đồng ý với Đề án về thành lập phường, 91,85% cử tri đồng ý thành lập TP Sầm Sơn. Căn cứ kết quả lấy ý kiến cử tri, Đề án đã được trình đến HĐND 11 xã, phường thảo luận, biểu quyết tán thành chủ trương thành lập phường và thành lập TP. HĐND thị xã Sầm Sơn cũng đã biểu quyết tán thành chủ trương thành lập các phường và thành lập TP Sầm Sơn.

Di chuyển 47 hộ dân để quy hoạch Di tích quốc gia đặc biệt chùa Thầy

Ngày 29/3, thông tin đến đại diện các cơ quan truyền thông, lãnh đạo UBND huyện Quốc Oai (Hà Nội) cho biết huyện đang khẩn trương triển khai các bước chuẩn bị lập quy hoạch Di tích quốc gia đặc biệt chùa Thầy và khu vực núi đá Sài Sơn nhằm bảo tồn và phát huy giá trị di tích, thu hút khách du lịch, góp phần phát triển kinh tế, xã hội địa phương.

Trong công tác chuẩn bị quy hoạch, địa phương cần di dời 47 hộ dân sống quanh hồ Long Trì (chân núi Thầy) đến khu tái định cư mới, đảm bảo các vành đai bảo vệ theo quy định cho di tích. Ông Đỗ Lai Luật, Phó Chủ tịch UBND huyện Quốc Oai khẳng định, mặc dù việc di chuyển các hộ dân có nhiều khó khăn song huyện đảm bảo di chuyển thành công. Khu vực tái định cư được bố trí cạnh đường giao thông, đối diện với các khu quy hoạch dịch vụ, chuẩn bị tốt các điều kiện để người dân chuyển ra.

Báo điện tử Xây dựng

Nguồn Xây Dựng: http://www.baoxaydung.com.vn/news/vn/thoi-su/diem-tin-293-xay-dung-co-so-du-lieu-de-quan-ly-hieu-qua-su-phat-trien-do-thi.html