Điểm tựa của người bệnh

QĐND - Tai nạn giao thông, tai nạn lao động, các thảm họa với số lượng nạn nhân hàng chục người mỗi vụ xảy ra gần đây ngày càng nhiều hơn. Sự gia tăng ấy cũng chính là áp lực rất lớn đối với các y bác sĩ của Bộ môn - Khoa Ngoại dã chiến (Bệnh viện 103, Học viện Quân y). Đây cũng là bộ môn-khoa gắn liền với các hoạt động đặc thù của bộ đội. Dù thời bình hay thời chiến thì việc cấp cứu và điều trị đối với thương binh luôn đòi hỏi trí lực cao nhất, bởi vết thương hỏa khí nếu không được cứu chữa kịp thời sẽ để lại hậu quả khủng khiếp.

Bệnh nhân vụ tai nạn lao động tại công trình xây dựng Capital Lane, Khu đô thị Mỗ Lao, quận Hà Đông (Hà Nội) ngày 21-2-2012 được điều trị tại Bệnh viện 103.

Nhớ lại sự việc xảy ra cách đây vài tháng. Khi chúng tôi có mặt ở Bộ môn-Khoa Ngoại dã chiến thì tất cả các lối vào khu vực điều trị đã được đóng lại. Trong đó, nhiều nạn nhân vụ tai nạn lao động kinh hoàng do sập giàn giáo xảy ra tại công trình xây dựng Capital Lane, Khu đô thị Mỗ Lao, quận Hà Đông (Hà Nội) chiều 21-2-2012 đang được điều trị đặc biệt. Tất cả các y bác sĩ được huy động, đang vận hành trong một guồng máy hết sức khẩn trương. Mặc dù phải trình nhiều giấy tờ theo quy định, chúng tôi mới được vào khu điều trị, nhưng ai nấy đều thấy thoải mái bởi trước khi đến đây, chúng tôi được biết, Bộ môn-Khoa Ngoại dã chiến của bệnh viện vẫn nổi tiếng là nơi duy trì nghiêm điều lệnh và kỷ luật. Sau này, gợi lại câu chuyện về duy trì điều lệnh ở bộ môn-khoa, Thượng tá, TS Nguyễn Trường Giang, Chủ nhiệm Bộ môn-khoa giải thích: "Đặc thù của các bác sĩ ở đây là những bệnh nhân chấn thương nặng, đa chấn thương và bất cứ lúc nào. Có mệnh lệnh là bắt tay làm nhiệm vụ ngay, bởi thế điều lệnh phải nghiêm, chế độ phải chặt. Với những sự cố như thảm họa, tai nạn giao thông, tai nạn lao động quy mô lớn thì việc cứu chữa sớm phút nào, cẩn thận chút nào cũng đều liên quan đến tính mạng của nhiều con người. Những trường hợp tai nạn hàng loạt vẫn hằn sâu trong trí nhớ và việc tổ chức cấp cứu, điều trị các nạn nhân đã trở thành kinh nghiệm quý giá giảng dạy cho các lớp học viên ở bộ môn-khoa. Đó là vụ lật xe xảy ra Sơn La ngày 21-8-2011 khiến hàng chục bộ đội và nhân dân bị thương, trong đó đa phần là bị thương nặng. Lúc ấy, tất cả các bác sĩ và điều dưỡng viên bắt tay vào nhiệm vụ. Ấy là những tình huống của thời bình. Còn trong thời chiến, thì ngay trong những ngày đầu Bộ môn-khoa được thành lập (20-6-1972) cũng là lúc cuộc kháng chiến chống Mỹ đang ở giai đoạn ác liệt. Cũng từ lúc đó, từng đội bác sĩ ba lô trên vai lên đường ra các chiến trường. Việc điều trị, cứu chữa cho thương binh lúc ấy vô cùng quan trọng. Những vết thương của bộ đội ta do hỏa khí trong chiến tranh vẫn ám ảnh mãi với các thầy thuốc bởi mức độ tàn khốc của nó đã được kể lại trong hồi ký của Bác sĩ Lê Thế Trung, Bác sĩ Nguyễn Ấu Thực… Cũng chính tại chiến trường, những kinh nghiệm, kiến thức về xử trí vết thương, vết bỏng chiến tranh đã được tổng kết, thành tài liệu quý truyền lại cho các thế hệ học viên sau này. Dù chương trình đào tạo hiện đã có nhiều thay đổi, nhưng Thượng tá, TS Nguyễn Trường Giang vẫn nhận định: Trong chương trình mà Bộ môn-khoa đang tham gia đào tạo cho các đối tượng từ bậc đại học, cao học, nghiên cứu sinh, chuyên khoa cấp I, chuyên khoa cấp II thì những kinh nghiệm được tổng kết trong chiến tranh vẫn được coi là “cẩm nang gối đầu giường”.

Trong khoảng thời gian không nhiều chúng tôi có mặt tại Bộ môn-khoa, liên tục có những ca bệnh nặng được chuyển vào. Tất cả các y, bác sĩ vận hành trong một guồng máy khép kín từ tiếp nhận đến chẩn đoán và tổ chức điều trị. Thượng tá, TS Nguyễn Trường Giang cho biết thêm: Tất cả số giường bệnh tại khoa luôn quá tải. Tỷ lệ sử dụng giường bệnh thường xuyên hơn 200%. Hằng năm, khoa đã thu dung điều trị và phẫu thuật từ 2000 đến 2.500 bệnh nhân với nhiều mặt bệnh của vết thương và chấn thương như: Đa chấn thương, vết thương mạch máu, vết thương ngực bụng, vết thương chậm liền, vết thương khó liền. Mặc dù áp lực công việc rất lớn nhưng ngoài yếu tố chuyên môn thì thái độ ứng xử với bệnh nhân và người nhà bệnh nhân được lãnh đạo, chỉ huy Bộ môn-khoa rất coi trọng. Đặc biệt, bộ phận phục vụ luôn có thái độ nhã nhặn. Đây cũng là một yếu tố quan trọng đem lại niềm tin cho người bệnh. Đến khu vực điều trị, tận mắt thấy các giường bệnh, buồng bệnh sạch sẽ, ngăn nắp, từ đôi dép, chiếc khăn mặt cá nhân và những vật dụng dùng chung của cán bộ, nhân viên hay người nhà, người bệnh đều "ngay hàng, thẳng lối".

Chúng tôi được biết, một niềm vui lớn đến với cán bộ, y bác sĩ của Bộ môn-Khoa Ngoại dã chiến khi Chủ tịch nước vừa ký quyết định tặng thưởng Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng ba cho tập thể Bộ môn-khoa. Đây là phần thưởng xứng đáng cho những nỗ lực không ngừng của các y bác sĩ.

Bài và ảnh: Sơn Hà

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/qdndsite/vi-VN/61/43/7/21/21/193552/Default.aspx