Điện ảnh Việt chưa đủ tầm để với tới Cannes

Như mọi năm, Cannes vẫn luôn có những bất ngờ phút chót, khi những dự đoán bị đảo lộn. Giải quan trọng nhất của Liên hoan phim (LHP) Cannes 2016 trong lễ bế mạc diễn ra rạng sáng 23.5 (theo giờ Việt Nam) đã thuộc về bộ phim “I, Daniel Blake” của nhà làm phim lão làng 79 tuổi Ken Loach (Anh) - ảnh.

Những tiếng nói phản biện xã hội từ những tên tuổi cũ

Thường thì màu sắc chính trị không chi phối nhiều ở LHP Cannes, thậm chí có những phim không có khán giả vì sáng tạo quá riêng biệt, cá nhân, thì Cannes lại tôn vinh, điển hình như phim “Uncle Boonmee who can recall his past lives“ của đạo diễn Thái Lan Apichatpong Weerasethakul năm 2010.

Nhưng lần này, bộ phim thắng giải Cành cọ vàng “I, Daniel Blake” lại lên án hệ thống lỗi thời của các khoản phúc lợi xã hội ở Anh là câu chuyện về sự khốn cùng của con người khi những tai họa liên tiếp rơi xuống đầu họ. Lần thứ hai giành giải tại Cannes, đạo diễn Ken Loach có nói: “Chúng ta phải đưa ra thông điệp mang hy vọng về một thế giới khác bởi thế giới hiện nay đang gặp nguy hiểm. Con người có nguy cơ rơi vào cảnh khốn cùng bởi những lý tưởng chủ nghĩa tự do kiểu mới”.

Giải Grand Prix (Giải thưởng lớn) - quan trọng thứ hai trong hạng mục tranh giải chính, đã được trao cho nhà làm phim Canada trẻ Xavier Dolan (27 tuổi) với bộ phim “It’s Only the End of the World” cũng gây bất ngờ vì trước đó, phim không nhận được phản hồi tích cực từ nhiều nhà phê bình. Nhân vật chính là nhà biên kịch đồng tính trở về nhà sau 12 năm xa cách bởi anh sắp chết, và khi gặp lại người thân, nhiều bí mật vỡ lở… Nhiều ý kiến chê là kịch bản rời rạc, hình ảnh công thức… dù huy động một dàn diễn viên ngôi sao Pháp thủ vai như Vincent Cassel, Marion Cotillard, Gaspard Ulliel, Nathalie Baye và Lea Seydoux… Như tờ Vanity Fair và Irish Times đánh giá thì “đây là bộ phim gây thất vọng nhất Cannes”.

Tuy nhiên, bản thân Xavier Dolan - được gọi là “cậu bé vàng” của điện ảnh thế giới - tự tin rằng đây là phim hay nhất trong sự nghiệp của anh, dù trước đó Xavier đã giành giải Ban giám khảo (Jury prize) Cannes 2014 với phim “Mommy”.

Cái tên Iran lại nổi bật trên sân khấu trao giải khi tác phẩm “The Salesman” của đạo diễn Asghar Farhadi đã đoạt 2 giải, gồm Kịch bản hay nhất và Nam diễn viên xuất sắc nhất (Shahab Hosseini). Phim là câu chuyện về một diễn viên sân khấu có những hành vi cực đoan đến tàn nhẫn sau khi vợ anh bị lạm dụng tình dục.

Asghar Farhadi cũng lại là một tên tuổi cũ khi ông từng đoạt hàng loạt giải thưởng, trong đó có Oscar Phim nói tiếng nước ngoài hay nhất cho phim “A Seperation” năm 2013.

Giải Đạo diễn xuất sắc cùng trao cho hai đạo diễn - Olivier Assayas (người Pháp) với phim “Personal Shopper” và Cristian Mungiu (người Romania) với phim “Graduation”. Đây là sự tưởng thưởng cho những sáng tạo không mệt mỏi của đạo diễn Assayas khi đây là lần thứ 4 ông tranh Cành cọ vàng ở Cannes, còn với Mungiu là lần thứ 3 và năm 2007 ông đã giành Cành cọ vàng với “4 Months, 3 Weeks & 2 Days”.

Phim “nóng” nhất đã thua!

Bất ngờ theo chiều thất vọng dành cho phim “The Handmaiden” (Người hầu gái) của đạo diễn Park Chan Wook (Hàn Quốc). Bộ phim được gắn mác 18+ này gây sốc tại Cannes 2016 với nhiều cảnh bạo dâm và đồng tính nữ, vượt cả “50 sắc thái” dạo nào, bán bản quyền phát hành sang 175 quốc gia và vùng lãnh thổ đã thua. “The Handmaiden” được các nhà phê bình ca ngợi và đạo diễn Park Chan Wook đã nổi danh khi bản thân ông từng hai lần giành giải Cannes với hai tác phẩm trước là “Old Boy” (2003) và “Thirst” (2009).

Châu Á năm nay góp mặt 9 phim điện ảnh, đáng tiếc cho sự vắng mặt của Trung Quốc - một cường quốc điện ảnh ở Châu Á. Một cường quốc khác là Nhật Bản có phim tranh giải ở hạng mục “Un Certain Regard” (Góc nhìn đặc biệt) - giải thưởng dành cho các tác phẩm điện ảnh mang tính khác biệt và có bản sắc cá nhân và ”Fuchi Ni Tatsu” (tên tiếng Anh: Harmonium) của đạo diễn Koji Fukada thắng giải Ban giám khảo.

Bao giờ Việt Nam?

Truyền thông trong nước, nhất là các báo mạng, đưa tin về LHP Cannes năm nay có nhắc đến VN chỉ là Thanh Thúy và Angela Phương Trinh xuất hiện tại Cannes, hay chùm ảnh về Lý Nhã Kỳ - biết PR triệt để cho tên tuổi mình. Sau đó thì Angela Phương Trinh tự khoe là được ban tổ chức ưu ái nhất đến độ dọn khách để cô tạo dáng chụp ảnh trên thảm đỏ. “Nổ” như Angela Phương Trinh mà cũng có người tin - toàn chuyện nực cười hết biết. Trong khi nhiệm vụ quảng bá Liên hoan phim quốc tế lần thứ 4 tại Hà Nội vào cuối năm nay thì không nhắc gì ngoài mấy dòng tin bé tí.

Mấy năm trước, đoàn nghệ sĩ VN sang Cannes được đưa tin rầm rộ, sau vỡ lẽ ra là được một hãng rượu mời. Một đạo diễn có tên tuổi của VN từng sang LHP Cannes nói rằng chỉ cần mua vé xem phim là có quyền đi trên thảm đỏ vào xem.

Và Cannes với tất cả sự hào nhoáng của nó không dành cho VN. Câu nói nghe hơi “phũ” nhưng đúng. Điện ảnh VN hoàn toàn chưa đủ tầm để với tới Cannes. Điện ảnh VN chưa hề một lần chính thức có phim tranh giải Cành cọ vàng, duy nhất có phim “Bi, đừng sợ” của đạo diễn Phan Đăng Di tranh giải trong Tuần lễ phê bình Cannes. Trong khi đó, các nước Đông Nam Á như Thái Lan, Campuchia, Indonesia… đều từng có phim tranh giải chính Cành cọ vàng và còn giành giải ở các hạng mục khác nhau, nổi bật nhất là Apichatpong Weerasethakul (Thái Lan) với một Cành cọ vàng.

Sự quảng bá tốt nhất cho một nền điện ảnh xét đến cùng chính là những giải thưởng danh giá tại các LHP quốc tế nổi tiếng. Và để đạt tới điều đó cần cả một chiến lược lâu dài, từ phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng nhân tài thực sự cho đến những thay đổi mang tính đột phá của ngành. Nhưng trước hết phải biết mình là ai, ở đâu trên bản đồ điện ảnh thế giới!

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/van-hoa/dien-anh-viet-chua-du-tam-de-voi-toi-cannes-555311.bld