Điện ảnh Việt Nam loay hoay vì thiếu vốn, thiếu kịch bản hay

Mùa Giải Cánh diều 2016 đã khép lại với các giải thưởng Cánh diều Vàng, Cánh diều Bạc dành cho các phim điện ảnh, truyền hình, khoa học xuất sắc.

Đây được xem là năm điện ảnh Việt Nam “sang trang” mới, phù hợp với quy luật thị trường, với sự đầu tư, sản xuất của các hãng phim tư nhân và những người trẻ tuổi. Tuy nhiên, đối với những người làm điện ảnh, giới chuyên môn, phía sau các giải thưởng đã được vinh danh, vẫn còn không ít tâm tư, nỗi niềm của những người tâm huyết đối với nền điện ảnh nước nhà.

Phim tư nhân chiếm lĩnh thị trường

Điểm qua một số giải thưởng quan trọng đã được vinh danh gồm: Giải Cánh diều Vàng Hạng mục phim điện ảnh thuộc về phim “Sài Gòn, Anh yêu em”, đạo diễn Lý Minh Thắng, do Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Live on sản xuất. Giải Cánh diều Bạc được trao cho hai phim “12 chòm sao: Vẽ đường cho yêu chạy” (đạo diễn Vũ Ngọc Phượng, Công ty Skyline Media thực hiện) và phim “Tấm Cám: Chuyện chưa kể” ( đạo diễn Ngô Thanh Vân, Công ty VAA, BHD, HKfilm sản xuất). Dễ dàng nhận ra, đã có một sự đổi mới trong ngành điện ảnh năm nay. Đó là sự xuất hiện của đạo diễn trẻ tuổi và các hãng phim tư nhân cùng phối hợp đầu tư.
Ban Tổ chức Giải Cánh diều cho biết, năm 2016 được xem là năm đầu tiên với hầu hết trong hơn 50 phim điện ảnh đều do tư nhân sản xuất. Đây cũng là năm đầu tiên, các phim điện ảnh tham dự Giải Cánh diều đã không có sự tham gia, đặt hàng hoặc khuyến khích tổ chức sản xuất của Nhà nước.

BTC trao giải cho đạo diễn phim tài liệu và khoa học xuất sắc nhất cho đạo diễn Lương Minh Đức và Vũ Hoàn Nam. Ảnh: Minh Đức/TTXVN

Đạo diễn, nghệ sĩ nhân dân Đào Bá Sơn nhận định một vài phim trên đã vượt qua được “cám dỗ” thương mại, hướng đến nghệ thuật nhân văn. Điển hình như các phim: “12 chòm sao: Vẽ đường cho yêu chạy”, phim “Tấm Cám: Chuyện chưa kể”, ghi nhận tình yêu đối với lịch sử, văn hóa nước nhà; hoặc phim “Sài Gòn Anh yêu em” là một câu chuyện tình yêu đối với con người và con người với Thành phố Hồ Chí Minh đã mang đến cho người xem một cái kết thật cảm động, nhân văn.

Ông Đặng Xuân Hải, Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam cho rằng, điện ảnh năm nay đã phát huy nguồn lực xã hội hóa, khơi dậy sự sáng tạo, khai thác tư duy của người trẻ, mang lại một làn gió trẻ trung cho điện ảnh Việt Nam.

Tuy nhiên, theo Ban Giám khảo, để có thể chọn ra những phim xuất sắc, đáp ứng tiêu chí về giá trị nhân văn và đạt hiệu quả xã hội tích cực của Giải thưởng, cần phải “gạn đục, khơi trong”. Thậm chí, Nghệ sĩ nhân dân Đinh Trọng Tuấn, Trưởng ban phê bình điện ảnh còn khẳng định: “Đây là một mùa phim “thất bát” của điện ảnh Việt Nam.

Theo ông Đinh Trọng Tuấn, năm 2016 số lượng phim điện ảnh được ra rạp cũng tương đương năm 2015. Nhưng trong năm 2015 có 9 phim được Nhà nước đặt hàng như: “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh”, “Những đứa con của làng”, “Trên đỉnh bình yên”, “Cuộc đời của Yến”…, đã tạo được một diện mạo điện ảnh đầy sinh động, đa sắc, thu hút được người xem đến rạp, tạo nên những cuộc thảo luận sôi nổi trên các diễn đàn. Qua đó, người xem có thể cảm nhận rõ nét về văn hóa, bản sắc dân tộc, con người Việt Nam.

BTC trao giải nam và nữ diễn viên chính xuất sắc nhất thể loại phim truyện điện ảnh cho Nguyễn Thanh Tú và Ninh Dương Lan Ngọc. Ảnh: Minh Đức/TTXVN

"Còn hầu hết 42 phim ra rạp năm 2016 đều chạy theo phong trào, sản xuất hàng loạt những bộ phim “lại gạo” như năm 2015. Nhiều phim hài hành động, đuổi bắt đấm đá, đồng tính… có nội dung gượng ép, dẫn đến sự cẩu thả, hời hợt khiến người xem không hiểu đang xem gì. Thậm chí, có thể khẳng định trong 42 phim điện ảnh này, không quá 10 bộ phim có lãi hoặc thu hồi được vốn. Ngoài ra, vẫn còn hàng chục phim đã sản xuất mà chưa dám đưa ra rạp”, ông Đinh Trọng Tuấn chia sẻ.

Cùng chung nhận định này, đạo diễn Đào Bá Sơn cho rằng, 1/3 trong 19 phim tham dự giải, tuy có sự đầu tư kỹ thuật, đạo cụ, xử lý hình ảnh hiện đại nhưng bộc lộ sự dễ dãi, rời rạc trong kết cấu kịch bản, đề tài phim. Khâu kịch bản là lỗ hổng lớn nhất, bởi rất ít những tác phẩm tốt, đáp ứng đầy đủ tiêu chí.

Cần có sự định hướng

Theo các nhà chuyên môn, phim kinh doanh có lãi chưa hẳn là phim hay. Hay các phim theo thị hiếu thị trường đều là phim sinh lãi, nhưng thực tế những phim theo thị hiếu thị trường hầu như đều lỗ nặng. Song, vấn đề là những người làm điện ảnh cảm thấy buồn khi phim truyện điện ảnh 2016 đã “vắng bóng” những câu chuyện sâu sắc về văn hóa, thân phận con người Việt Nam.

Một trong những nguyên nhân là do thiếu kịch bản, đội ngũ viết kịch bản hay. Theo nhà biên kịch truyền hình Đỗ Thị Thanh Hương, đã có hiện tượng các nhóm viết kịch bản gồm nhiều người được nhà sản xuất phim thuê với giá rẻ (chỉ 200 nghìn đồng/tập), trong khi mỗi tập phim trung bình tầm 10 triệu đồng. Đặc biệt hơn, có người chỉ mới tròn 16 tuổi cũng tham gia viết, khiến nội dung kịch bản lủng củng, rời rạc, chưa nói gì đến trình độ, kiến thức và sự trải nghiệm về cuộc sống của người viết đến đâu… qua đó cho thấy sự dễ dãi trong quá trình sản xuất phim, dù ai cũng biết rằng nội dung kịch bản chiếm đến 70% chất lượng bộ phim.

Mặt khác, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Luân Kim, Trưởng ban giám khảo Giải Cánh diều 2016 cho rằng, trước đây khi Nhà nước đầu tư làm phim hoặc liên kết tư nhân, tất cả các đề tài đều được phân bổ rộng khắp, tạo nên sự đa dạng trong các thể loại phim. Năm 2016 khi chỉ có tư nhân làm phim, hầu như chỉ tập trung vào các khía cạnh “dễ làm” nên mất đi các đề tài hay, khai thác những khía cạnh của thân phận con người, cuộc sống.

Nhà lý luận phê bình điện ảnh Tô Hoàng cũng bày tỏ: Một nền điện ảnh dân tộc nếu không có sự định hướng, đầu tư của Nhà nước sẽ như “con thuyền mất bánh lái”. Giữa hội nhập quốc tế, nếu tiếp tục không có phim được định hướng thẩm mỹ cho lớp trẻ thì dưới sức ép của thông tin, công nghệ hiện đại, khó có thể để giới trẻ biết và tự hào về truyền thống, con người, văn hóa Việt Nam.

Một số ý kiến cho rằng, nên thành lập Quỹ phát triển Điện ảnh Việt Nam tương tự như điện ảnh của Hàn Quốc (từ số tiền quỹ 50 triệu USD nay lên đến 1 tỷ USD) nhằm định hướng, động viên, quảng bá các sáng tác điện ảnh Việt Nam phát triển theo đúng tinh thần giá trị nhân văn dân tộc.

Chia sẻ với các nhà chuyên môn, bà Ngô Phương Lan, Cục trưởng Cục Điện ảnh Việt Nam cho biết, việc đặt hàng làm phim của Nhà nước, Cục Điện ảnh không thể tự quyết định mà có liên quan đến nhiều bộ, ngành, trong đó có phần quyết định của Bộ Tài chính. Thời gian qua chưa có phim được Nhà nước đặt hàng là do vướng mắc, chưa thống nhất ở các Thông tư đấu thầu liên ngành. Từ nay đến hết năm 2017, Cục Điện ảnh sẽ cố gắng giải quyết những khó khăn tồn đọng, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của ngành. Riêng về vấn đề Quỹ Điện ảnh dù đã được đề xuất, trình Chính phủ từ năm 2010, nhưng đến nay vẫn gặp vướng mắc do luật hiện hành nên chưa thông qua. Cục Điện ảnh Việt Nam sẽ cố gắng cùng với các nhà chuyên môn tìm ra những giải pháp phù hợp, tạo thuận lợi cho các nhà làm phim, đáp ứng nhu cầu phát triển của ngành.

Gia Thuận (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/doi-song-van-hoa/dien-anh-viet-nam-loay-hoay-vi-thieu-von-thieu-kich-ban-hay-20170410182211033.htm