Diễn biến mới vụ án ở Công ty Tài chính Cao su Việt Nam

Do nhiều lần đi nước ngoài đánh bạc thua liên tục, nhân viên Phòng tín dụng Công ty Tài chính Cao su Việt Nam đã lập khống hồ sơ, chiếm đoạt 45 tỉ.

Ngày 12-12, TAND cấp cao tại TP HCM đã xử phúc thẩm vụ án lừa đảo, vi phạm các quy định cho vay trong hoạt động tổ chức tín dụng, thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Công ty Tài chính cao su Việt Nam.

HĐXX bác kháng cáo, tuyên y án chung thân đối với bị cáo Trần Quốc Hoàng (SN 1976, nhân viên Phòng tín dụng công ty) về tội “Lừa đảo nhằm chiếm đoạt tài sản”, kê biên toàn bộ tài sản của bị cáo Hoàng để đảm bảo thi hành án.

Bác kháng nghị yêu cầu tăng án của VKSND TP HCM đối với bị cáo Phan Anh Minh Ngọc ( SN 1956, nguyên Tổng giám đốc Công ty Tài chính cao su Việt Nam), tuyên y án 5 năm tù đối với bị cáo Ngọc về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.

Đặc biệt, HĐXX nhận định bản án sơ thẩm chưa xem xét toàn bộ nội dung vụ án, vi phạm tố tụng. Vì vậy tuyên hủy một phần bản án sơ thẩm trả hồ sơ về VKSND TP HCM điều tra làm rõ hành vi của các bị cáo Đặng Thị Kim Anh (SN 1956), Nguyễn Thị Lệ Hằng (SN 1972), Lê Anh Tuấn (SN 1967), Nguyễn Hồng Hải (SN 1967), Trần Thị Thu Hiền (SN 1983).

Công ty Tài chính cao su Việt Nam là đơn vị thành viên thuộc Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam, là tổ chức tín dụng phi ngân hàng do nhà nước nắm 100% vốn. Trong thời gian làm việc tại công ty, Hoàng đã nhiều lần đi Singapore và Campuchia đánh bạc dẫn đến thua nhiều tiền.

Do đó, từ năm 2009 đến cuối 2011, Hoàng đã tìm cách “rút ruột” tiền của công ty để tiếp tục lao vào trò đỏ đen. Hoàng tiếp nhận hồ sơ vay vốn, hướng dẫn khách hàng lập và hoàn thiện hồ sơ. Đồng thời, lợi dụng sự quản lý lỏng lẻo của ban giám đốc, Hoàng đã mượn Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của người thân trong gia đình và bạn bè dùng làm tài sản thế chấp rồi lập hồ sơ vay vốn tại Công ty Tài chính Cao su Việt Nam. Sau đó, Hoàng tự lập hồ sơ vay vốn đứng tên những người này và nhờ những người bán vé số dạo ký giả chữ ký của khách hàng trong hồ sơ vay vốn.

Để vay được nhiều tiền, Hoàng đã bỏ qua nhiều quy định trong việc định giá tài sản và lập hồ sơ, rồi tự mình định giá tài sản thế chấp cao hơn giá trị thực của nó.

Để tránh bị phát hiện, Hoàng đã không làm thủ tục công chứng hợp đồng thế chấp tài sản và không cho đăng ký giao dịch đảm bảo tài sản thế chấp. Với thủ đoạn trên, Hoàng đã lập tổng cộng 21 hồ sơ tín dụng để vay và chiếm đoạt 45 tỉ đồng.

Phạm Dũng

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/phap-luat/dien-bien-moi-vu-an-o-cong-ty-tai-chinh-cao-su-viet-nam-2016121217043431.htm