Điện Biên Phủ qua lời kể của những cựu chiến binh Pháp

Họ đã 'lên tiếng' và chia sẻ về những gì họ phải đối mặt trong trận chiến, về những suy nghĩ của họ về cuộc chiến tranh thuộc địa mà họ đã can dự.

Sách Hồi ức Điện Biên Phủ - Những nhân chứng lên tiếng (nguyên bản tiếng Pháp Paroles de Dien Bien Phu - Les survivants témoignent) do Nhà xuất bản Tallandier ấn hành năm 2012 là một câu chuyện đặc biệt về Điện Biên Phủ. Nội dung sách là lời kể của những cựu chiến binh Điện Biên Phủ, từ người lính binh nhì đến vị tướng bốn sao.

Cuốn sách được viết bởi hai nhà sử học Pháp - những người đã dành nhiều năm nghiên cứu về lịch sử Việt Nam là Pierre Journoud (Giáo sư Trường Đại học Paul-Valéry Montpellier) và Hugues Tertrais (Giáo sư Trường Đại học Paris I - Panthéon-Sorbonne).

Bản dịch tiếng Việt mới xuất bản là công trình kỉ niệm 70 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (07/5/1954 – 07/5/2024).

Bi kịch của những cựu chiến binh Điện Biên Phủ

Trong cuốn sách, Pierre Journoud và Hugues Tertrais cho biết quân đội Pháp tham gia chiến trận Điện Biên Phủ gồm 15.000 người, với 17 dân tộc: người Việt, đông nhất, cùng người Thái, người H’Mông, người Lào, người Campuchia, người Algeria, người Morocco, người Guinea, người Togo, người Đức, người Áo, người Italy, người Thụy Sĩ, người Bỉ, người Ba Lan, người Nga...

Bìa sách Hồi ức Điện Biên Phủ - Những nhân chứng lên tiếng.

Người Pháp tất nhiên chiếm phần đông nhất của đội ngũ cán bộ (sĩ quan và hạ sĩ quan) nhưng chỉ chiếm khoảng 25% tổng quân số. Phần lớn những lời chứng của chúng tôi đều đến từ Pháp, sau đó là từ châu Âu (những người lính Lê dương), và số ít là từ Việt Nam.

Theo Pierre Journoud và Hugues Tertrais, rất nhiều người trong số họ đến Đông Dương với sự hăng hái, lí tưởng và sự ngây ngô của độ tuổi hai mươi (thậm chí ba mươi). Họ nghĩ đơn giản chỉ là phục vụ cho đất nước của mình giống như họ đã phục vụ, một cách đúng mực như trong Chiến tranh thế giới thứ hai.

Tuy nhiên, Điện Biên Phủ đã trở thành tấn bi kịch đối với họ. Họ trở thành những kẻ bại trận trước một đối thủ được đánh giá là yếu thế hơn rất nhiều. Họ giấu trong tâm trí cá nhân những nỗi đau, những tủi nhục - đây là sự kết án thầm lặng với những người sống sót ở Điện Biên Phủ.

Cho dù bị ẩn giấu như vậy nhưng nỗi đau và tủi nhục vẫn luôn sẵn sàng trỗi dậy bất cứ lúc nào. Năm tháng có thể làm mờ đi những vết thương thể xác, hay làm giảm đi những đam mê và hận thù, nhanh hơn việc làm dịu đi những đau khổ và phiền muộn về tâm lí.

Năm 1978, một nhà nghiên cứu thực hiện đề tài về quân đội Pháp ở Đông Dương đã gửi một bản câu hỏi điều tra tới các cựu chiến binh. Trên 700 câu trả lời thu về đều không mang lại bất cứ điều gì mới ngoài những mơ hồ chung chung về trận chiến lớn: những cựu chiến binh Điện Biên Phủ, như tác giả kết luận, không muốn đề cập đến; thời điểm hợp lí vẫn chưa đến.

Tác giả Hugues Tertrais.

Họ đã “lên tiếng”

Năm 2004, Pierre Journoud và Hugues Tertrais đã thực hiện một cuộc điều tra với hơn một nghìn cựu chiến binh Điện Biên Phủ tại Pháp còn sống. Họ nhận được một lượng phản hồi nhất định bằng văn bản, từ một trang viết đơn giản đến vài trang dài hơn (thường là những kí ức để lại cho con hoặc cháu), và một vài chục giờ ghi âm trên băng từ.

Điều đặc biệt là, 50 năm sau những gì đã diễn ra, những xúc cảm và thù hận của những người cựu chiến binh đã dịu bớt, lời lẽ nhẹ nhàng, lương tâm nhẹ nhõm hơn. Từ lính binh nhì tới vị tướng bốn sao, những người được phỏng vấn tiết lộ sự thật của họ, với những mảng tối, mảng sáng, và cách nhìn riêng của họ.

Họ đã “lên tiếng” và chia sẻ về những gì họ phải đối mặt trong trận chiến, những suy nghĩ của họ về cuộc chiến tranh thuộc địa mà họ đang tham gia, về cuộc sống thường nhật trong trại tạm giam, về những khó khăn sau đó khi đã trở về... Qua những lời chứng và cách đặt vấn đề hấp dẫn, bạn đọc sẽ được tiếp nhận những câu chuyện lịch sử một cách sinh động:

Dòng hồi ức của các cựu binh cho độc giả biết nhiều đó. Đó có thể là băn khoăn của những người lính tham chiến, niềm tin của binh lính Pháp vào thời điểm đó rằng “Điện Biên Phủ là lòng chảo lớn mà chúng ta có ấn tượng rằng nó sẽ đứng vững một cách đáng ngưỡng mộ trước sự tấn công của Việt Nam”.

Ký ức của các cựu binh cũng cho thấy niềm tin của sở chỉ huy Pháp về việc Quân đội Nhân dân Việt Nam không thể có khả năng đảm bảo vận chuyển hàng tiếp tế cần thiết cho việc cung cấp quân lương cho nhiều đơn vị quân đội trên vùng cao.

Và rồi, chính những binh sĩ Pháp khi bị bắt làm tù binh lại “bị mê hoặc, bị khuất phục, bị tê liệt trước bức tranh toàn cảnh đang được chiêm ngưỡng” về những điều mà họ từng tin chắc là Việt Nam không thể thực hiện.

Tác giả Pierre Journoud.

Theo PGS.TS Trần Đức Cường, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, sách Hồi ức Điện Biên Phủ - Những nhân chứng lên tiếng đã đưa ra góc nhìn mới mẻ của các tác giả về một sự kiện đã được nhiều người thể hiện trong các công trình đã xuất bản. Đó là góc nhìn từ các nhân chứng, những người có vị trí khác nhau trong cuộc chiến đấu ở Điện Biên Phủ năm 1954, và sau cuộc chiến, số phận họ cũng rất khác nhau.

Bằng các chi tiết cụ thể, đặc biệt là thông qua các tư liệu “lời kể” - tức phỏng vấn các nhân chứng - các tác giả nêu rõ sai lầm của nhà cầm quyền Pháp qua các thời kì chính. Qua đó, sách cho thấy nguyên nhân dẫn đến sự thất bại nghiêm trọng của nước Pháp trong cuộc chiến ở Đông Dương, kết thúc bằng sự kiện Điện Biên Phủ.

Bằng sự cảm thông sâu sắc về mất mát mà hàng nghìn binh lính và sĩ quan các cấp của nước Pháp ở Điện Biên Phủ và các chiến trường khác ở Đông Dương, các tác giả bày tỏ lòng tiếc thương đối với họ, những người là nạn nhân của sự tham lam, xảo trá của những đầu óc thực dân ở nước Pháp lúc ấy.

Với sự trung thực trong cách thể hiện nội dung, bằng cách lên án tính chất phi nghĩa, vô nhân tính của chủ nghĩa thực dân và sự lấp dần trong cách thể hiện nội dung, cuốn sách cung cấp cho người đọc một cái nhìn trung thực, khách quan về Điện Biên Phủ và cuộc chiến tranh chống xâm lược Pháp của quân và dân Việt Nam từ năm 1945 đến năm 1954.

Minh Châu

Nguồn Znews: https://znews.vn/dien-bien-phu-qua-loi-ke-cua-nhung-cuu-chien-binh-phap-post1472670.html