Diễn biến Ukraine ngày 05/03

Sau những căng thẳng leo thang và các diễn biến thay đổi liên tục, đến nay tình hình ở Ukraine đã dần lắng xuống. Các bên liên quan đều cố gắng theo đuổi một chiến lược ngoại giao và tránh một cuộc chiến vũ trang xảy ra.

Vào sáng sớm ngày 4/3, đã có một sự va chạm nhỏ giữa lính không có vũ trang Ukraine và lực lượng binh sĩ thân Nga hiện đang kiểm soát sân bay Belbek ở thành phố cảng Sevastopol. Lực lượng thân Nga đã phải bắn những phát súng cảnh cáo để ngăn cản những người này tiếp cận khu vực sân bay.

Lính thân Nga đang chiếm giữ các cơ quan chính yếu ở Crimea dưới sự đồng thuận của chính phủ khu tự trị này.

Trong khi đó, tại Nga, Tổng thống Vladimir Putin đã có một cuộc trả lời phỏng vấn tại tư dinh của mình ở Novo-Ogaryovo. Trả lời về những tin đồn trong suốt ngày 3/3 cho rằng Tổng thống bị phế truất Viktor Yanukovych đã bị đột tử, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết nhà lãnh đạo Ukraine vẫn chưa chết . Ông Putin khẳng định người đồng cấp Ukraine của mình hoàn toàn khỏe mạnh và không có dấu hiệu bệnh tật nào có thể dễ dàng dẫn đến “đột tử” như các tin đồn trước đó.

Trong cuộc phỏng vấn này, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã thể hiện quan điểm rất rõ ràng của mình về vấn đề Ukraine. Theo ông, nước Nga không có lợi ích gì trong việc triển khai quân ở Ukraine . Cụ thể, Nga sẽ không chiến đấu chống lại người dân Ukraine, không có ý định tách Crimea khỏi Ukraine. Đối với dư luận quốc tế, Nga cho rằng các quốc gia G8 có tham gia Hội nghị thượng đỉnh dự kiến tổ chức ở Sochi vào tháng Sáu hay không là tùy họ. Đối với vai trò của Mỹ ở Ukraine, Tổng thống Nga đã ví các hành động can thiệp của Washington gần đây trong các vấn đề Ukraine là một cuộc “thí nghiệm với chuột bạch” và biến đời sống chính trị ở đây thành “hài kịch”.

Tuy các phát ngôn của Tổng thống Putin khá mạnh mẽ, vẫn có những dư luận cho rằng Nga có thể thua đau trên mặt trận chính trị nếu can thiệp quá sâu vào Ukraine : Dư luận Nga phản đối can thiệp Ukraine; Nền kinh tế Nga đã chịu tổn thất từ việc can thiệp Ukraine; Bgay cả các đồng minh thân cận nhất của Nga cũng không muốn sáp nhập với nước này; cuối cùng, Nga sẽ ngày càng bị phương Tây cô lập.

Các hoạt động ngoại giao song phương, đa phương nhằm tìm kiếm giải pháp cho vấn đề Ukraine đã liên tục được tổ chức trong ngày 5/3.

- Chính quyền Tổng thống Barack Obama công bố thông qua gói viện trợ 1 tỷ USD về kinh tế và năng lượng cho Ukraine hôm thứ Ba (4/3), một phần phản ứng lại các hoạt động của Nga hiện nay ở khu tự trị Crimea.

- Mỹ và EU đang cố gắng để cùng Nga giải quyết cuộc khủng hoảng Ukraine thông qua thỏa thuận đã đạt được giữa nhà lãnh đạo Ukraine Viktor Yanukovych và phe đối lập hôm 21/2, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho biết trong một cuộc họp báo ở Tusinia.

- Các thành viên của nội các Ukraine đã bắt đầu tham vấn với các đối tác Nga nhằm giảm bớt leo thang căng thẳng giữa hai nước, Thủ tướng Ukraina Arseny Yatsenyuk cho biết. Trong khi đó, Nhật Bản tỏ ra lo lắng về quan hệ kinh tế với nước Nga, đặc biệt là các hợp đồng khí đốt trong tương lai mà Matxcơva và Tokyo đã thỏa thuận, sẽ bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng Ukraine.

- Mỹ cho biết nếu Nga không giải quyết các vấn đề ở Ukraine một cách thỏa đáng, nước này sẽ không tham dự Hội nghị thượng đỉnh G8 được tổ chức ở thành phố Sochi vào tháng Sáu tới đây.

Mỹ là quốc gia có tiếng nói mạnh mẽ nhất khi yêu cầu đề nghị áp đặt lệnh trừng phạt Nga, trong khi đó, Liên minh Châu Âu (EU) – nhóm quốc gia chịu nhiều ảnh hưởng từ khủng hoảng ở Ukraine – lại tỏ ra chần chừ với việc này. Sự phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế khiến EU không thể mạnh tay trong việc áp đặt lệnh trừng phạt Nga về những gì mà họ cho là Matxcơva “vi phạm luật pháp quốc tế” khi giải quyết khủng hoảng ở Ukraine.

Minh Anh

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/dien-bien-ukraine-ngay-0503-post121344.info