Diễn đàn kinh tế: Phát triển thị trường vàng bền vững trong bối cảnh thế giới bất định

Vừa qua, với sự bảo trợ truyền thông của THQHVN, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) đã thực hiện báo cáo Triển vọng Kinh tế Việt Nam 2024: 'Giữ vững vĩ mô, tạo đà hồi phục'. Bên cạnh công bố báo cáo, VEPR còn kết hợp với THQHVN tổ chức phiên thảo luận chuyên đề về 'Phát triển thị trường vàng bền vững trong thế giới bất định'. Đây là một trong những vấn đề nổi cộm được toàn thị trường quan tâm, nhất là khi giá vàng SJC và vàng nhẫn liên tục lập kỷ lục mới.

Trong nước, kể từ khi có nghị định 24/2012, giai đoạn 2013 – 2018 giá vàng chững lại, thị trường vàng hoạt động khá ổn định.

Cuối năm 2019, giá vàng neo ở mức 43 triệu đồng/lượng. Từ 2020 - 2022, vàng tăng đột biến do ảnh hưởng dịch bệnh, địa chính trị và kinh tế bất ổn.

Đầu năm 2024, giá vàng SJC khởi đầu ở mức hơn 70 triệu đồng/lượng. Giá vàng liên tục tăng, thay đổi từng phút và đạt đỉnh trên 75 triệu đồng/lượng vào đầu tháng 4. Thế nhưng mọi kỷ lục cũng chỉ là những con số. Mức đỉnh 75 triệu đồng/lượng cũng bị thổi bay chỉ trong thời gian ngắn. Thị trường “nóng” nhất là vào những ngày giữa tháng 5, khi giá vàng đạt đỉnh lịch sử 92,4 triệu đồng/lượng. Tức là chỉ trong 4 tháng đầu năm, giá vàng đã tăng 22 triệu đồng/lượng, tương đương tăng hơn 30%. Đáng chú ý, chỉ trong một phiên, giá vàng trồi sụt thất thường, điều chỉnh nhiều lần trong 1 ngày. Mức chênh lệch giữa giá trong nước và thế giới có lúc giãn rộng lên tới 20 triệu đồng/lượng. Không những thế, giá mua vào - bán ra cũng chênh tới 4 triệu đồng/lượng.

Thị trường rối ren, không chỉ vàng miếng SJC nhảy múa, mà vàng nhẫn cũng liên tục tăng mạnh và lập đỉnh mới ở mức 77 triệu đồng/lượng.
Mức chênh lệch quá cao giữa giá trong nước và thế giới được xem là nguyên nhân dẫn đến tình trạng buôn lậu vàng ngày càng gia tăng với nhiều thủ đoạn tinh vi, quy mô lớn, làm chảy máu ngoại tệ và gây áp lực lên tỷ giá. Điển hình như vụ buôn lậu hơn 6 tấn vàng tại Tây Ninh và một số tỉnh lân cận, trị giá trên 8.400 tỉ đồng. Hay trước đó, lực lượgn chức năng liên tục phát hiện hàng trăm kg vàng nhập lậu từ Campuchia về Việt Nam…

Tại Hà Nội, TPHCM đã xuất hiện cảnh người dân xếp hàng, còn tiệm vàng tiếp tục phải giới hạn số lượng mua, phải trả tiền trước, nhận vàng sau vài ngày chứ không được giao ngay.

Trước tình hình này, Chính phủ liên tục chỉ đạo gấp rút bình ổn thị trường vàng.

+ Ngày 05/02/2024, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 20/NQ-CP.

+ Ngày 20/3/2024, Thủ tướng ký công điện số 23.

Tất cả các văn bản này đều yêu cầu NHNN quản lý, bình ổn thị trường vàng. Xử lý ngay tình trạng chênh lệch giữa giá vàng miếng trong nước và vàng quốc tế, không để tình trạng "vàng hóa" nền kinh tế, không để tác động tiêu cực đến tỷ giá, lãi suất, thị trường tiền tệ, ngoại hối…Liên tiếp các văn bản, liên tiếp các cuộc họp chỉ đạo “nóng” về quản lý thị trường vàng. Chính phủ yêu cầu sửa đổi nghị định 24/2012 về quản lý hoạt động thị trường vàng ngay trong quý 1/2024. Tuy nhiên, hết quý 1, vẫn chưa có giải pháp nào cụ thể.

Ngày 5/4/2024, Thủ tướng đã ban hành NQ số 44. Một lần nữa nhấn mạnh tăng cường công tác quản lý và thực hiện các giải pháp bình ổn thị trường vàng.

Ngày 10/4, Thủ tướng chủ trì cuộc họp về các giải pháp quản lý thị trường vàng.

Cuối cùng, sau cuộc họp này, NHNN ra biện pháp tăng cung, đảm bảo đủ nguyên liệu và thanh kiểm tra thị trường vàng.

Biện pháp tăng cung được thực hiện ngay, đó là đấu thầu vàng miếng. Đến thời điểm này, đã có 7 phiên đấu thầu vàng. Trong đó, 3 phiên không thành công do không đủ số lượng thành viên đăng ký dự thầu. 4 phiên còn lại đấu thầu thành công với tổng khối lượng trúng thầu là 27.200 lượng, giá trúng thầu tăng sau mỗi lần đấu từ khoảng 81 triệu đến 89 triệu đồng/lượng. Đấu thầu vàng vẫn “ế” tới hơn 80%, còn giá vàng thì vẫn khó “ghìm cương”.

Trước khi đấu thầu, chênh lệch giá giữa thế giới và trong nước khoảng 10 triệu đồng/lượng. Tuy nhiên sau 7 phiên đấu thầu, giá vàng vẫn tăng nóng, cách xa giá vàng thế giới 20 triệu đồng một lượng. Đồng thời tái diễn tình trạng khan hiếm nguồn cung. Trong khi đó, thị trường “đỏ mắt” mong chờ các giải pháp trước mắt và lâu dài để bình ổn và phát triển thị trường vàng bền vững

Mời quý vị theo dõi nội dung chi tiết!

Minh Hường - Hằng Nga - Thùy Trang

Nguồn Quốc Hội TV: https://www.quochoitv.vn/dien-dan-kinh-te-phat-trien-thi-truong-vang-ben-vung-trong-boi-canh-the-gioi-bat-dinh-222934.htm