'Điên lòng' với đình thần Long Điền

Lẽ ra, chẳng có gì phải đề cập với di tích cấp tỉnh, nhưng trước thực trạng thờ cúng “lạ” ở đình thần Long Điền (Chợ Mới - An Giang), buộc lòng chúng tôi phải lên tiếng cảnh báo để tránh khả năng gây hệ lụy khó lường trong tương lai...

Thờ “thần” “tướng cướp”?

Đình Chợ Thủ (xã Long Điền A) xây dựng lần đầu vào năm 1786, đến năm 1852 được ban sắc “Thần Thành hoàng bổn cảnh” và năm 2000 được công nhận là di tích cấp tỉnh. Cũng như nhiều đình Nam Bộ, đình Chợ Thủ gồm các hạng mục: Cổng, sân, võ ca, chánh điện... và thờ Thành hoàng bằng chữ Thần (Hán tự) ở vị trí trang nghiêm nhất.

Tuy nhiên, nhiều người lấy làm khó hiểu khi thấy sau bàn thờ “Trăm quan cựu thần” có 2 bài vị bằng Hán tự là: “Tiền Vãng Thần Vương Lực Đại Tướng Quân” và “Vô Kính Quan Đô Đại Tướng Quân”. Thực chất cả hai bài vị là chung một người, là “Đại tướng quân”. Trái với chức danh rõ ràng, lý lịch của Đại tướng vô cùng mơ hồ.

Ông Ngô Minh Cảnh (89 tuổi) - Hương văn đình Chợ Thủ - cho biết: “Chỉ biết được “Đại tướng quân” qua người lên đồng”. Theo lời ông Cảnh, trước năm 1975, có người lên đồng xưng là Dương (Vương?) Văn Sâm làm chức “Đại tướng quân”, đã hy sinh trong lúc đánh trận. Sau đó, dân làng xây Dinh thờ tại Doi Lửa (Long Điền, Chợ Mới). Sau năm 1975, do thấy thần tích không rõ ràng, cơ quan chức năng đã tạm “đóng cửa” các hoạt động thờ cúng Đại tướng quân. Tuy nhiên, không hiểu sao bài vị này lại ngự giữa đình Chợ Thủ.

Theo nhà nghiên cứu văn hóa lịch sử Nam Bộ Nguyễn Hữu Hiệp (An Giang), việc làm này rất đáng lo: “Ngoài việc chưa rõ lý lịch, nhân vật này có nhiều điểm trùng khớp với một đối tượng có hành vi như... tướng cướp”. Ông Hiệp cho biết thêm: “Theo “Đại Nam Thực Lục”, ở trấn Vĩnh Thanh (An Giang ngày nay - PV), từng có nhân vật tên Sâm, chức Đại tướng quân, nhưng thực chất là tự xưng (Chánh trấn Hậu Giang Đại tướng quân) và bị bắt giết vì có hành vi đòi nhà giàu đưa của cải. Nếu đúng như thế thì việc duy trì thờ bài vị này đồng nghĩa tôn “tướng cướp” thành “thần”.

Và nhiều điều rối mắt, nhói lòng

Không dừng lại ở đó, đình Chợ Thủ còn tồn tại nhiều điều làm rối mắt và nhói lòng những ai quan tâm đến nghi lễ truyền thống. Tại khu vực chánh điện đang tồn tại nhiều vật trang trí, thờ... xa lạ với quy ước truyền thống của ngôi đình.

Đầu tiên là việc trưng hàng chữ “Phật quang phổ chiếu” (Hán tự) ngay phía trên Long đình. Theo ông Cảnh, điều này rất... trái khoái, vì ngay bên dưới là nơi đình tổ chức cúng rượu, thịt (thường là con heo sống) vào lễ Kỳ yên. Ngoài ra, cũng tại vị trí trang trọng này, lại án ngữ bức trướng (Hán tự) “Chúa xứ thánh mẫu”. Đây thực chất là danh xưng của Bà Chúa xứ Núi Sam (Châu Đốc - An Giang) được người dân cúng vào Miếu Bà, nhưng không hiểu sao người có trách nhiệm lại cho treo lên giữa đình. Điều này không chỉ gây nhầm tưởng đình Chợ Thủ có thờ Bà Chúa xứ Núi Sam, mà còn làm rối tung quy ước thờ tự tại đình...

Theo nhiều người tâm huyết, đáng nói hơn là có sự “lệch pha” danh xưng đình. Theo ông Cảnh, Chợ Thủ là tên dân gian của đình Long Điền, nhưng khi lập hồ sơ công nhận di tích cấp tỉnh, người ta lại lấy tên dân gian thay cho tên chính thức. Theo ông Cảnh, nên lấy tên là đình Tú Điền đúng theo tên làng mà sắc thần ghi nhận vào năm 1852. Theo ông Hiệp, nếu không điều chỉnh kịp thời, sẽ rơi vào vết xe đổ của di tích “Quảng Đông tỉnh hội quán” (TP.Long Xuyên - An Giang). Sau thời gian lấy tên dân gian là chùa Ông Bắc làm tên di tích đã gây sự ngộ nhận, nhất là người trẻ, quên hẳn tên khai sinh “Quảng Đông tỉnh
hội quán”.

Xin mượn lời nhà văn Mai Văn Tạo - người con của quê hương An Giang, để kết thúc bài viết này: Việc làm - dù vô tình hay cố ý - xúc phạm đến công trình văn hóa của người xưa để lại, nghiêm khắc xem như tội lỗi lớn với cha ông.

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/van-hoa/dien-long-voi-dinh-than-long-dien-591908.bld