Điện sáng thôn buôn Tây Nguyên

Dự án cấp điện cho các thôn buôn chưa có điện thuộc 5 tỉnh Tây Nguyên đến nay đã đi được gần hết chặng đường. Dự kiến đến cuối tháng 6 năm nay, dự án sẽ hoàn thành, đưa điện về hơn 1.200 thôn buôn với khoảng 116 nghìn hộ dân. Đây là dự án mang ý nghĩa chính trị-xã hội sâu sắc của khu vực có vị trí chiến lược quan trọng đối với đất nước. Dõi theo ánh mắt của Trưởng thôn YSê Niê, ai cũng hiểu chỉ có Cách mạng mới có thể biến giấc mơ thành hiện thực.

Dự án đưa điện về các thôn buôn chưa có điện 5 tỉnh Tây Nguyên là Gia Lai, Kon Tum, Đăk Lăk, Đăk Nông và Lâm Đồng là dự án công ích, không có khả năng hoàn vốn nên ngân sách nhà nước hỗ trợ 85%, còn lại Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đầu tư 15%. Thực chất đây là dự án hỗ trợ cho các đối tượng chính sách, đồng bào dân tộc ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn chưa có điện sử dụng trong sinh hoạt, chứ không đặt vấn đề lợi nhuận hay hiệu quả kinh doanh. Theo tính toán, khi dự án hoàn thành sẽ nâng tỷ lệ số hộ dân được cấp điện khu vực Tây Nguyên lên trên 90%. Với những đặc thù này, Chính phủ đã đồng ý cho EVN thực hiện cơ chế riêng. Theo đó, dự án xây dựng đồng bộ lưới điện trung, hạ áp, lắp công tơ và kéo điện vào nhà từng hộ dân. Đối với các hộ chính sách, hộ nghèo đặc biệt khó khăn được lắp đặt cả mạng điện trong nhà. Dự án chia thành 5 dự án thành phần theo địa bàn tỉnh để thuận tiện cho công tác đầu tư, phối hợp triển khai giữa Chủ đầu tư và chính quyền địa phương. Các Công ty Điện lực 2 và 3 (nay là Tổng Công ty-TCT Điện lực miền Nam và TCT Điện lực miền Trung) được giao quản lý dự án. Việc mua sắm vật tư thiết bị và công tác xây lắp được đấu thầu rộng rãi và có xem xét hình thức chỉ định thầu đối với một số phần việc đơn giản, không đòi hỏi kỹ thuật cao để có thể huy động các lực lượng tại chỗ tham gia thi công nhằm tạo việc làm cho đồng bào dân tộc của địa phương; đồng thời giúp đẩy nhanh tiến độ và đảm bảo tính hiệu quả của dự án. TCT Điện lực miền Trung cho biết: Bắt đầu triển khai từ tháng 2/2007, với suất đầu tư bình quân 13 triệu đồng/hộ, đến nay 4 tỉnh Gia Lai, Đắk Lắk , Đắk Nông và Kon Tum đã đưa điện về 852 thôn buôn, chỉ còn 94 thôn buôn chưa có điện. Trong đó, số thôn buôn còn lại thuộc hai tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông đến 30/4 này sẽ hoàn tất đóng điện, số thôn buôn còn lại thuộc hai tỉnh Gia Lai và Kon Tum do vướng rừng và di dời dân sẽ phấn đấu hoàn thành đóng điện trước tháng 6/2010. Ông Trình Trung Phương, Phó Ban Kinh doanh TCT nhận xét: Hầu hết các thôn buôn đã đóng điện đều được các Điện lực tỉnh triển khai lắp đặt công tơ và mạng điện trong nhà, kịp thời phục vụ sinh hoạt của người dân. Tiến độ giải phóng mặt bằng ở các tỉnh tuy thực hiện chậm nhưng nhìn chung vẫn đảm bảo điều kiện đóng điện công trình. Khó khăn lớn nhất trong công tác này là những đoạn tuyến qua rừng bởi thủ tục chặt cây rừng rất phức tạp. Do vậy những đoạn tuyến đi qua rừng hầu như chưa được giải phóng. Chưa kể do thời tiết thay đổi bất thường, hồi cuối tháng 10 năm ngoái khu vực Tây Nguyên vẫn còn mưa trên diện rộng nên ảnh hưởng đến công tác thi công, đặc biệt công trình thuộc khu vực tỉnh Kon Tum bị ảnh hưởng nặng nề bởi các cơn lũ quét khiến 13 thôn buôn tại huyện Kon Plông phải thay đổi giải pháp thiết kế từ cột bê tông ly tâm sang cột thép lắp ghép và 6 thôn buôn thuộc huyện Tu Mơ Rông phải di dời sang vị trí khác. Gia Lai là tỉnh có số thôn buôn lớn nhất trong 5 tỉnh Tây Nguyên có dự án và cũng có khối lượng hoàn thành cao nhất. Đến nay, Gia Lai đã đưa điện về 297 thôn buôn với 22.536 hộ dân, chiếm 90% kế hoạch. Số thôn buôn còn lại thuộc dân tộc Gia Rai và Ba Na ở 2 huyện K’ Bang và Kon Ch’ro đang bị vướng do chưa giải phóng được hành lang đường dây trung áp. Phó Giám đốc Điện lực Gia Lai Nguyễn Đức cho biết: Những thôn buôn thuộc vùng phía Tây Trường Sơn có cây công nghiệp như Chư Prông, Chư Sê, Ia Grai, Chư Pah, Đăk Đoa, Mang Yang mới đóng điện phụ tải đã tăng cao do phát triển cà phê, tiêu, điều. Khi dự án hoàn thành sẽ nâng tỷ lệ cấp điện đến 100% thôn buôn và 95% hộ dân trên địa bàn tỉnh được sử dụng điện lưới quốc gia. Làng Klu, xã Ia Đrăng cách thành phố Plêiku khoảng 40km, là một trong những thôn buôn của huyện Chư Prông đóng điện trước Tết Nguyên đán Canh Dần. Đón chúng tôi trong căn nhà mới xây, chị Rơ Lan Thy, người Gia Rai không dấu nổi niềm vui khi ánh sáng của Đảng và Chính phủ đã về đến đồng bào dân tộc. Trước kia chưa có điện, nhà chị cũng như nhiều gia đình chính sách khác trong thôn đều dùng đèn dầu do Nhà nước hỗ trợ. Nhưng từ khi có điện, chị đã sắm ti vi, bộ đầu đĩa, mua quạt, nồi cơm điện, máy bơm nước phục vụ cho đời sống sinh hoạt hàng ngày. Ông Puyh ngưòi trong làng cũng vui không kém. Ông nói “Có điện thích lắm, giờ hai vợ chồng già đã thổi cơm bằng xoong điện, không lo cơm bị cháy. Ngoài sắm các vật dụng cần thiết trong nhà, tôi còn mua thêm máy suốt lúa, máy bơm nước”. Với 2ha điều, năm nay dự kiến cho ông bà thu nhập trên 16 triệu đồng. Chị R’ma Hy Danh 44 tuổi ở làng Bang, xã Bình Giáo, huyện Chư Prông có hoàn cảnh khó khăn hơn. Được Nhà nước hỗ trợ 4 triệu đồng dựng nhà, chồng mới mất do nghiện rượu, đứa con gái bị bệnh chết, một mình chị phải nuôi 7 đứa con và 3 đứa cháu ngoại. Hàng ngày mẹ con chị phải đi làm thuê nhưng cũng cố sắm được chiếc ti vi để xem phim mỗi tối. Bây giờ bà con buôn Đhung (xã Ea M’Roh, huyện Cư M’Gar, Đắk Lắk) đã thỏa lòng ước mơ từ bao đời nay. Chỉ mới cách đây 2 tháng, điện đối với dân làng Đhung còn xa lạ nhưng nay thứ ánh sáng “không khói’ ấy đang thực sự giúp họ rất nhiều trong cuộc sống. 135/160 hộ trong buôn, phần lớn là dân tộc Ê Đê đến nay đã có điện. Dù cái nghèo vẫn còn nhưng nhiều nhà đã cố gắng mua đài, ti vi cho con cái được thụ hưởng những văn minh của xã hội. Tất cả những điều mới mẻ ấy đường như đang dần đổi thay nếp nghĩ, cách làm lạc hậu để lại trong đời sống của người dân nơi đây. Chị H’Đinh, dân tộc Ê Đê không còn lo lắng mỗi khi phải gùi nước tưới cho 5 sào cà phê trồng xen điều nữa, giờ chị đã mua được máy bơm nước, hứa hẹn cho thu nhập cao hơn vụ trước. Trưởng thôn buôn Đhung Y Sê Niê thì vui lắm: “ May quá, Nhà nước đã cho thôn buôn những thay đổi trong đời sống, chỗ nào cũng sáng, trẻ con từ khi có điện học hành tốt hơn trước. Dân không vui sao được”. Tích trữ được qua 5 vụ trồng cà phê và màu, gia đình trưởng thôn Y Sê Niê sắp sửa được sống trong căn nhà xây 100m2 với tổng giá trị 300 triệu đồng. Theo Phó Giám đốc Điện lực Đắk Lắk Lê Hoài Nhơn, để kéo được điện đến 21.632 hộ dân trên địa bàn 315 thôn buôn ở 11 huyện trong toàn tỉnh, Điện lực đã phải huy động hàng trăm lượt xe ô tô không kể ngày đêm chuyên chở vật tư, vật liệu thi công. Địa hình thi công 2/3 dự án là khó khăn, xe ô tô không vào được phải dùng máy cày chuyên chở từ huyện vào thôn buôn. Điểm xa nhất là xã Ea Trang, huyện M’ĐRắk cách trung tâm thành phố Buôn Ma Thuột 180km. Với quyết tâm thôn nào đóng điện thì hộ dân ở đó phải có điện, lãnh đạo Điện lực đã động viên anh em công nhân làm việc không quản ngày nghỉ, giờ nghỉ khắc phục khó khăn nơi ăn nghỉ tạm bợ, điều kiện sinh hoạt thiếu thốn. Ban ngày anh em tỏa đi làm, ban đêm lại về lắp nguội công tơ để mai đi làm tiếp, rút ngắn được thời gian thi công. Điện đang làm sáng vùng đất cao nguyên này, dẫu nơi ấy chỉ lèo tèo vài chục nóc nhà, dù rằng không biết đến bao giờ mới thu lại được hàng nghìn tỷ đồng vốn đầu tư. Khó có thể gói ghém những gian nan của người thợ điện đem ánh sáng đến với đồng bào dân tộc trên vài trang giấy. Những nơi chúng tôi đến, đâu đâu người dân cũng bày tỏ lòng biết ơn đối với Đảng và Nhà nước. Họ nói “Chỉ có Cách mạng mới làm được những điều kỳ diệu như thế”./.

Nguồn ĐCSVN: http://www.cpv.org.vn/cpv/modules/news/newsdetail.aspx?cn_id=399377&co_id=30361