Điện thoại màn hình không viền chỉ để 'chữa cháy'?

Dù đang được dự báo trở thành xu hướng sắp tới, điện thoại màn hình không viền có lẽ phải nhường cho dạng màn hình khác tối ưu hơn.

“Khi nhu cầu đối với các thiết bị cầm tay không viền chững lại, Samsung sẽ tung ra những sản phẩm màn hình gấp như quân bài” - phát biểu của một nhà phân tích tại hội thảo Display TechSalon (Seoul, Hàn Quốc) phần nào cho thấy màn hình gập được sẽ là xu hướng tiếp theo trên smartphone.

Màn hình không viền chỉ để “chữa cháy”

Màn hình điện thoại đang tăng dần kích thước theo thời gian. Nhưng nếu cứ nâng dần kích thước màn hình để thỏa mãn nhu cầu giải trí ngày càng tăng thì sẽ đưa smartphone tiến đến ngưỡng quá khổ về mặt kích thước, không còn thoải mái trong thao tác hằng ngày. Và mục tiêu hòa hợp giữa tối đa diện tích màn hình và tối thiểu kích thước máy là một trong những lý do quan trọng để các nhà sản xuất quan tâm đến kiểu thiết kế màn hình không viền.

Xiaomi Mi Mix với màn hình viền cực mỏng.

Nhưng nếu có thể tạo ra thiết bị với màn hình gập, uốn cong được để thu gọn khi trong trạng thái chờ, thì hiệu quả của việc tối ưu kích thước smartphone sẽ tiến gần đến mức lý tưởng. Từ đó màn hình không viền thực sự chỉ giống như biện pháp “chữa cháy” ở thời điểm hiện tại.

Dòng lịch sử của smartphone đã chứng kiến bước tiến chậm rãi nhưng đủ vững chắc để cho thấy công nghệ di động hoàn toàn có thể chạm đến đích cuối cùng: thiết bị có màn hình gập được.

Samsung Gaaxy Round với màn hình cong.

Năm 2013, Samsung và LG đồng loạt giới thiệu Galaxy Round và G Flex với màn hình được bo cong về phía trước ở hai cạnh trái, phải và trên, dưới. Tuy chỉ xuất hiện giới hạn ở một số thị trường, nhưng bộ đôi điện thoại mang hơi hướng “ý tưởng” (concept) đã phần nào phá vỡ suy nghĩ truyền thống về màn hình của thiết bị điện tử: màn hình phẳng, không thể bẻ cong được.

Sự xuất hiện của Galaxy Note Edge trong năm 2014 với màn hình cong tràn chiếm gần như toàn bộ cạnh trái máy tiếp tục mang đến hy vọng về khả năng thương mại hóa của smartphone với màn hình cong, thậm chí có thể bẻ cong hay gập lại được.

Từ đó đến nay thì Samsung vẫn liên tục cho ra mắt Galaxy S6 Edge, S7 Edge... cho thấy sự hoàn chỉnh dần từng bước của màn hình cong tràn cạnh. Với LG, nhà sản xuất này tiếp tục giới thiệu phiên bản nâng G Flex 2 được nâng cấp độ bền màn hình.

G Flex 2 có màn hình và toàn bộ thân máy cong. Trong thử nghiệm đặt máy nằm úp xuống và ấn mạnh để màn hình “phẳng” ra thì máy vẫn khôi phục lại hình dáng ban đầu. Điều này cho thấy một màn hình có thể bị bẻ cong rồi khôi phục lại hình dáng thẳng.

LG Flex 2 đang cong có thể bẻ cho thẳng và phục hồi lại trạng thái cong nguyên bản.

Song song với các mẫu điện thoại màn hình cong, các hãng công nghệ cũng đã lần lượt chế tạo thành công màn hình dẻo có thể cuộn tròn được như LG với nguyên mẫu màn hình OLED 18 inch có tấm nền được bao phủ bởi lớp vật liệu polyamide thay cho nhựa giúp màn hình dẻo và mỏng hơn. Hãng FlexEnable (Anh) cũng từng chế tạo màn hình 4,7 inch dày chỉ 1/100 inch...

Màn hình LG OLED 18 inch có thể uốn cong, được trình diễn tại CES 2016.

Những bước đi đầu tiên

Hiện tại có những công ty như Lenovo, Samsung, LG... đang nỗ lực để ra mắt công chúng những chiếc điện thoại thông minh với màn hình có thể bẻ cong hay gập lại được.

Năm ngoái, Lenovo đã trình làng smartphone Cplus và tablet Folio thử nghiệm với thiết kế có thể gập được. Thân máy được thiết kế theo dạng khớp nên có thể được uốn cong cùng với màn hình và các linh kiện khác như pin cho phép Lenovo Cplus có thể được bẻ cong và ôm lấy cổ tay người dùng như một chiếc đồng hồ.

Lenovo Cplus có thể uốn rất cong.

Tablet Folio với sự hỗ trợ của các khớp nối ở giữa cho phép “biến hình” ở hai trạng thái: trạng thái mở - tablet với màn hình cực đại, trạng thái gập – phablet gọn gàng với một nửa màn hình được gập ra sau và tắt đi.

Sự hiện diện của bộ đội thiết bị cầm tay có thể cong hay gập được của Lenovo không chỉ đánh dấu bước tiến của duy nhất một nhà sản xuất mà đánh dấu sự đột phá đồng bộ của nhiều công nghệ đến từ các đối tác cung ứng linh kiện để tạo nên thiết bị.

Độ hoàn thiện của màn hình dẻo có thể uốn cong cũng được thể hiện qua mẫu thử WhammyPhone đến từ phòng thí nghiệm Human Media tại đại học Queens University (Ontario, Canada).

WhammyPhone cực kỳ mềm dẻo.

Thiết bị thử nghiệm này cho phép người dùng điều khiển theo các phương thức mới khi chơi game như bẻ cong để thực hiện hành động hoặc tạo ra âm thanh.

Trang Bloomberg nhận định rằng Samsung sẽ sớm cho ra mắt 2 thiết bị tích hợp màn hình OLED có thể bẻ cong vào năm 2017 này: một thiết bị sẽ có màn hình gập được để hoạt động ở 2 chế độ 5 inch và 8 inch. Samsung Galaxy X được cho rằng sẽ là tên gọi của thiết bị tiên phong giúp nhà sản xuất Hàn Quốc đón đầu xu hướng màn hình uốn cong hay gập được.

LG mới đây đã nhận được bằng sáng chế cho một chiếc điện thoại có thể gập lại từ cơ quan cấp bằng sáng chế USPTO. LG Electronics cũng được dự đoán sẽ trở thành nhà cung cấp màn hình cho những mẫu smartphone dẻo của Apple, Google và Microsoft trong năm 2018.

Xiaomi cũng thể hiện sự quan tâm với thiết bị với màn hình “dẻo” khi hãng này vừa được cấp chứng nhận một bằng sáng chế cho ý tưởng: thiết bị với màn hình bao phủ tận mặt sau và chỉ có một viền nhỏ cho phép tách riêng màn hình như một quyển sách.

Rõ ràng, màn hình gập được có thể sẽ là chiêu bài quảng bá tiếp theo, ngay sau khi câu thần chú “màn hình không viền” không còn linh nghiệm với thị trường di động.

Thảo Trần

Nguồn ICTNews: http://ictnews.vn/the-gioi-so/di-dong/dien-thoai-man-hinh-khong-vien-chi-de-chua-chay-151746.ict