Điện thoại Samsung bị sự cố, GDP giảm trông thấy

Trong các buổi họp tổng kết số liệu thống kê hàng quý trong năm 2017, Samsung luôn được mang ra để lý giải cho các kết quả kinh tế đã đạt được. Không khó để nhận ra, nền kinh tế Việt Nam đang ngày càng phụ thuộc vào những doanh nghiệp này.

Ảnh minh họa. Nguồn Internet

Quý I/2017, khi công bố GDP chỉ đạt 5,1%, thấp lịch sử trong vài năm gần đây, một trong những nguyên nhân được đưa ra là do sự cố điện thoại Note 7 của Samsung. Sản xuất sản phẩm điện tử, máy tính, quang học của quý I/2017 giảm 1% trong khi quý I/2016 tăng trưởng 11%. Ông Hà Quang Tuyến, Vụ trưởng Vụ Hệ thống Tài khoản Quốc gia, Tổng cục Thống kê cho rằng, đây là một trong những yếu tố kéo tăng trưởng toàn ngành công nghiệp xuống thấp.

Quý II/2017, do kết quả kinh doanh Note 8 của Samsung khá tốt nên tác động tích cực GDP quý II, khiến GDP tăng lên 6,17%. Và các dự báo lạc quan cho thấy, có thể sẽ có GDP đột biến vào 6 tháng cuối năm (vào khoảng 7,4%) vì các dư địa đầu tư, chế biến còn khá lớn. Trong số đó, một trong những đợi chờ được hy vọng nhất là con số xuất nhập khẩu 2 quý cuối năm. Vẫn lại là Samsung - cái tên được nhắc đến với con số mục tiêu 25 tỷ USD.

Theo số liệu tổng kết trong 5 tháng đầu năm nay của Tổng cục Hải quan, trong tổng số hàng chục nghìn doanh nghiệp xuất nhập khẩu của cả nước, 3 doanh nghiệp dẫn đầu về trị giá kim ngạch đều thuộc Tập đoàn Samsung. Đó là, Nhà máy Samsung Thái Nguyên với tổng trị giá kim ngạch cao nhất đạt 14,94 tỷ USD, tăng 69,7% so với cùng kỳ năm trước; Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam có tổng trị giá kim ngạch đứng thứ 2 đạt 9,8 tỷ USD, tăng 16,4% so với cùng kỳ năm 2016; và thứ 3 là Công ty TNHH Samsung Display có tổng trị giá kim ngạch đạt 6,62 tỷ USD, gấp hơn 3 lần so với cùng kỳ năm 2016.

Số liệu năm 2016 cũng thể hiện Samsung đóng một vai trò không nhỏ trong kết quả kinh tế của Việt Nam, với doanh thu đạt 46,3 tỷ USD, xuất khẩu 39,9 tỷ USD chiếm tới 22,7% kim ngạch xuất khẩu cả nước.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho rằng: “Nói kinh tế Việt Nam đang phụ thuộc vào Samsung không hề quá vì Samsung đóng góp cho Việt Nam rất nhiều, nhiều chục tỷ USD xuất khẩu, nộp ngân sách nhà nước hàng tỷ USD”. Không chỉ các chuyên gia kinh tế nhận định như vậy, các đại biểu Quốc hội trong kỳ họp gần đây cũng lên tiếng về tình trạng quá phụ thuộc vào Samsung. Đại biểu Trần Hoàng Ngân phát biểu: “Mong kinh tế đừng chỉ phụ thuộc vào Samsung”.

Đây cũng là ý kiến của chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong. Ông Phong cho rằng, Việt Nam cần đa dạng nhiều Samsung hơn nữa, điều quan trọng nhất là “phải tham gia được vào chuỗi sản xuất của họ”. Ông Phong cho biết: “Theo tôi biết họ cũng rất muốn Việt Nam có thể tham gia sâu vào chuỗi sản xuất của họ để giảm các chi phí. Họ đã kê hàng trăm danh mục các sản phẩm hỗ trợ cho quá trình sản xuất tại Việt Nam. Việc của chúng ta là làm sao có những doanh nghiệp công nghệ lớn, có đủ khả năng để sản xuất, cung cấp cho họ và ký các hợp đồng sản xuất”.

Theo ông Phong, thiện chí của Samsung là có, họ cũng muốn chuyển giao được càng nhiều các bước sản xuất cho Việt Nam càng tốt, bởi nếu cái gì cũng mang từ đất mẹ Hàn Quốc sang thì bản thân Samsung cũng không được lợi gì. Đây có lẽ là một cách để chúng ta “thoát Samsung”. Bởi nếu có thể tham gia vào chuỗi sản xuất của Samsung, chúng ta hoàn toàn có thể trở thành đối tác của nhiều hãng công nghệ lớn khác của thế giới.

“Nói Kinh tế Việt Nam đang phụ thuộc vào Samsung không hề quá vì Samsung đóng góp cho Việt Nam rất nhiều, nhiều chục tỷ USD xuất khẩu, nộp ngân sách nhà nước hàng tỷ USD”, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong.

Hoàng Tú

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/thi-truong/dien-thoai-samsung-bi-su-co-gdp-giam-trong-thay-344276.html