Diện tích bản đồ địa chất khoáng sản mới chỉ đạt 14.500km2

Sáng 15-9, tại Hà Nội, Ban Kinh tế Trung ương, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) tổ chức Hội thảo 'Đánh giá 5 năm thực hiện chủ trương, chính sách và pháp luật về khoáng sản'. Đến dự có các đồng chí lãnh đạo của các bộ, ban, ngành, các doanh nghiệp khai thác khoáng sản.

Theo thông tin từ Hội thảo, trong công tác lập bản đồ địa chất và điều tra khoáng sản, theo Quy hoạch 1388 thì đến năm 2020, việc đo vẽ, lập bản đồ địa chất khoáng sản phải hoàn thành 35 đề án với tổng diện tích 62.380km2 (tỷ lệ 1:50.000). Tuy nhiên, đến nay, mới hoàn thành 5/35 đề án với diện tích 14.500km2. Hiện có 14 đề án đang thi công và bắt đầu mở mới từ năm 2016 (trong đó có 13.100km2 thuộc điều tra tổng thể Tây Bắc) bằng 29.700km2, còn lại 7 đề án tương ứng 18.124km2 chưa thực hiện.

Như vậy, sau khi hoàn thành các đề án đang thực hiện và các đề án mở mới đang trình Chính phủ, nếu có thể triển khai đúng tiến độ thì đến năm 2020 sẽ đạt khoảng 80% diện tích đất liền. Bên cạnh đó, đối với công tác điều tra biển ven bờ sâu đến 30m nước thì đến nay, về cơ bản đã hoàn thành. Chỉ còn 2 đề án điều tra địa chất, khoáng sản vùng biển từ Hải Phòng đến Nga Sơn (Thanh Hóa) và từ Nga Sơn đến Diễn Châu (Nghệ An) đang thực hiện. Dự kiến đến năm 2020 về cơ bản hoàn thành toàn bộ công tác điều tra biển ven bờ đến 30m nước. Bên cạnh đó, theo thống kê của Bộ TN & MT, đến hết năm 2016, cả nước có gần 3.000 tổ chức, cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế đang thăm dò, khai thác khoáng sản theo 4.071 giấy phép do cơ quan Trung ương và các địa phương cấp phép. Trong đó có 678 giấy phép thuộc thẩm quyền cấp phép của Bộ TN & MT.

Quang cảnh buổi hội thảo.

Phát biểu tại Hội thảo, đồng chí Cao Đức Phát, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng ban Thường trực Ban kinh tế Trung ương cho rằng, sau 5 năm thực hiện chủ trương, chính sách và pháp luật về khoáng sản cho thấy còn những hạn chế, bất cập. Một số chủ trương, quan điểm trong quản lý khoáng sản khi thực thi chưa đem lại hiệu quả cao. Để quản lý chặt chẽ, hiệu quả hơn khoáng sản thì còn cần phải bổ sung, điều chỉnh một số quy định cụ thể trong Luật khoáng sản để phù hợp với thực tiễn và xu hướng chung của thế giới. Đại diện của các bộ, ban, ngành liên quan cũng cần đưa ra thêm những giải pháp, kiến nghị để tiếp tục kiện toàn chủ trương, chính sách và pháp luật về khoáng sản để phát triển công nghiệp khai khoáng theo hướng quản lý, bảo vệ, khai thác, sử dụng hợp lý, thật sự có hiệu quả cao và bảo vệ môi trường nhằm phát huy tối đa nguồn lực khoáng sản để phát triển kinh tế - xã hội đất nước trong giai đoạn tới.

Tin, ảnh: LÊ HIẾU

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/kinh-te/tin-tuc/dien-tich-ban-do-dia-chat-khoang-san-moi-chi-dat-14-500km2-517866