Diều Bá Giang - một thú chơi dân gian độc đáo

Đi dọc triền đê sông Hồng khoảng 30km về phía Bắc là đến làng diều truyền thống Bá Giang (nay gọi là Bá Dương Nội) thuộc xã Hồng Hà, huyện Đan Phượng, Hà Nội.

Chơi diều ở làng Bá Giang gắn liền với sự tích ông Nguyễn Cả, là tướng giỏi của Đinh Tiên Hoàng, mở hội khao quân khi đánh thắng quân xâm lược trở về làng báo công. Ngày nay, chơi diều vẫn là một thú chơi dân gian của làng.

Chơi diều - nét văn hóa tín ngưỡng dân gian

Theo nghệ nhân Phạm Văn Mai, 69 tuổi, một trong hai nghệ nhân cao tuổi nhất của Câu lạc bộ Diều Bá Giang, làng có miếu thờ thần linh châu thổ, hay còn được gọi là miếu diều rất linh thiêng và cũng là nơi sinh hoạt của Câu lạc bộ diều Bá Giang.

Cửa miếu nhìn ra cánh đồng rộng và con đê sông Hồng. Đây cũng là địa điểm hằng năm làng mở hội thả diều. Mỗi năm có dăm, sáu chục người dự thi, ngoài người Bá Giang, còn có người Hạ Mỗ, Tân Hội, Liên Trung...

Rằm tháng ba âm lịch mới là hội thi thả diều, nhưng từ tháng tám năm trước, trong làng đã rục rịch làm diều. Người ta chọn tre, mua giấy, khoét sáo, chuốt dây... rất tỉ mỉ, công phu. Mở đầu cuộc thi là lễ trình diều. Mọi người dự thi đều mang diều đến trình trước cửa Miếu.

Xưa kia, dây diều làm bằng tre, bánh tẻ vót chuốt đều, nối dài, rồi cuộn lại ngâm vào nước quả cây chuối hột và muối, rồi ninh sôi trong nồi, thành dây vừa dai vừa mềm. Nay dây thả diều chủ yếu là dây dù.

Những người làm diều có kinh nghiệm cho biết, làm sáo diều muốn hay phải dùng loại tre sóc (loại tre ương ương chết từ gốc đến ngọn trong bụi cây) vừa dẻo và có tiếng êm, vang xa. Chiếc sáo vừa nhẹ, lại có tiếng vừa thanh, vừa ấm. Xưa kia, giấy dán diều bồi bằng giấy bản, thời nay giấy có thể bằng vải, nhựa để diều càng nhẹ càng bay cao.

Diều to có nhiều kích cỡ, cái thì dài đến 3m, cái diều nhỏ dài 1m. Sau phần tế lễ, rước bánh dày tưởng nhớ thần nhân là đến hội thi thả diều. Mỗi năm, làng cử người khéo tay làm một chiếc diều to làm biểu tượng, có đề bài thơ:

Bồng bềnh lướt sóng trời mây

Dây trường công đức sao say thiên thần

Ơn sâu nghĩa nặng tình dân

Bốn phương quy tụ sắc xuân hội diều.

Theo các nghệ nhân làng diều Bá Giang, gió thuận thả ngày hội là gió đông nam, gió cấp 3 mới đủ sức nâng diều lên. Cùng với diều, các nghệ nhân, trẻ nhỏ trong làng đua nhau thả lên trời hàng trăm diều nhỏ có đuôi bay phấp phới. Trên không gian có mấy tầng diều cao thấp bay chấp chới nhiều vẻ.

Theo tín ngưỡng, nếu gia đình nào đạt giải nhất thì cả năm đó, gia đình, dòng họ đều buôn bán, làm ăn phát đạt.

Lo ngại về bản quyền

Ông Nguyễn Hữu Kiêm, Chủ nhiệm Câu lạc bộ diều Bá Giang khẳng định, cả nước có 7 câu lạc bộ chơi diều, nhưng chỉ có duy nhất Bá Giang là cả làng chơi diều sáo truyền thống và có hội thi. Chính vì vậy, Câu lạc bộ diều Bá Giang là câu lạc bộ diều duy nhất ở Việt Nam được công nhận là địa chỉ văn hóa dân gian về diều của Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam .

Tuy nhiên, điều ông Khiêm trăn trở nhất là vấn đề bản quyền của cánh diều sáo truyền thống của làng.

Ông Khiêm kể lại, mấy năm nay sau khi hội nhập, nghệ nhân của Câu lạc bộ diều Bá Giang có điều kiện tham dự cuộc thi thả diều quốc tế. Năm 2008, tại cuộc thi thả diều tại Pháp, Câu lạc bộ diều của Huế đại diện cho Việt Nam tham dự với diều rồng nghệ thuật nhưng tại cuộc thi này, có 1 người Đức tham gia dự thi thả diều sáo truyền thống của Việt Nam.

Sau khi tìm hiểu, nghệ nhân người Đức đó cho biết, chiếc diều sáo này được làm dựa trên kỹ thuật làm diều từ Việt Nam . Nghệ nhân người Đức này có hẳn cuốn sổ ghi lại công thức, cách làm một số loại diều ở vùng Đông Nam Á, trong đó đặc biệt là cách làm diều sáo của làng Bá Giang.

Vì lẽ đó, vấn đề quan tâm nhất của ông Khiêm hiện nay là vấn đề bản quyền. Dù đã kiến nghị với một số cấp có thẩm quyền nhưng đến nay việc công nhận bản quyền diều của làng Bá Giang vẫn chưa được tiến hành.

Nguồn TTDL: http://www.dulichvn.org.vn/index.php?category=2505&itemid=16819