Điều chỉnh các tuyến xe khách: Không chồng chéo và hạn chế xuyên tâm

(HNMO)- Chiều 8/7, Đại tá Đào Vịnh Thắng, Trưởng phòng CSGT CATP bày tỏ quan điểm về phương án điều chỉnh các tuyến xe khách sau khi bến xe Lương Yên dừng hoạt động.

Đại tá Đào Vịnh Thắng, Trưởng phòng CSGT CATP Hà Nội

Theo phương án sắp xếp, điều chuyển các tuyến vận tải hoạt động tại bến xe Lương Yên khi bến xe này sẽ dừng hoạt động, Sở GTVT Hà Nội bố trí bến xe Gia Lâm tiếp nhận tổng số 133 lượt xe/ngày; Bến xe Nước Ngầm tiếp nhận tổng số 162 lượt xe/ngày và Bến xe Yên Nghĩa tiếp nhận 51 lượt xe/ngày.

Trong đó, các tuyến xe về bến Yên Nghĩa gồm Bắc Kạn (1 lượt/ngày), Hải Dương (2 lượt/ngày), Hải Phòng (43 lượt/ngày), Lạng Sơn (1 lượt/ngày), Lào Cai (4 lượt/ngày), đều là những tuyến xe khách phải chạy "xuyên tâm" đi qua nội thành Hà Nội.

Ủng hộ chủ trương đúng đắn của Thành phố khi dừng hoạt động bến xe Lương Yên, Đại tá Đào Vịnh Thắng nêu thực trạng hầu hết các bến xe hiện đều đang quá tải, các tuyến đường, cung đường cũng quá tải bởi lượng phương tiện gia tăng, cơ sở hạ tầng không đáp ứng kịp, tổ chức giao thông chưa khoa học. Do đó, việc di dời bến xe là rất cần thiết.

Tuy nhiên, khi dừng hoạt động bến xe Lương Yên, phương án phân luồng tuyến xe khách phải đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân trên địa bàn Thủ đô và phải được bố trí theo đúng khu vực, không chồng chéo, hạn chế xuyên tâm vào nội thành, tránh ùn tắc hoặc việc đi lại đan chéo nhau không cần thiết.

Các sở ngành chức năng cũng phải sớm có thông báo phân luồng, có quy hoạch, hoạch định cho các phương tiện khi đi qua Hà Nội.

Đại tá Đào Vịnh Thắng cũng nêu quan điểm tiếp tục đề nghị di dời tiếp một số bến xe khác như Mỹ Đình, Nam Thăng Long, Nước Ngầm ra khỏi địa bàn nội thành. Đặc biệt, Hà Nội nên có tuyến đường vành đai 4 cùng với các cây cầu để các phương tiện đi qua địa bàn Hà Nội mà không cần vào trung tâm. Việc chỉ huy, tổ chức giao thông tại các quận Hà Đông, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Long Biên cũng phải như trong nội thành, bảo đảm khoa học, thông suốt.

Một trong những nguyên nhân khiến đường vành đai 3 thường xuyên ùn tắc là do xe khách từ bến Mỹ Đình và bến Yên Nghĩa đi qua khá đông.

“Bến Nước Ngầm trước đây chưa hề có xe chạy tuyến Hải Phòng, diện tích rộng rãi, mới sử dụng chưa đến 1/3 công suất thiết kế. Việc đưa toàn bộ các xe chạy tuyến Hải Phòng về thì vừa đúng quy hoạch bến bãi, vừa rất thuận tiện bởi chỉ cần giữ nguyên biểu đồ xuất bến như cũ. Còn nếu chia theo phương án của Sở GTVT, sẽ phải làm lại hết, từ cả đầu Hà Nội lẫn Hải Phòng, việc chồng lấn là khó tránh khỏi. Chắc chắn phát sinh các hệ lụy không mong muốn”, ông Nguyễn Quý Đại - Tổng thư kí Hiệp hội Vận tải Ôtô Việt Nam chia sẻ.

Bên cạnh đó, vị chuyên gia cũng phân tích, với số lượng khách đi Hải Phòng xuất bến ở Yên Nghĩa thường xuyên chỉ đạt trên 30%, các nhà chạy tuyến này chủ yếu đi chậm để “vợt” khách lẻ dọc khu vực đại lộ Thăng Long, BigC, Khuất Duy Tiến… dẫn đến tình trạng ùn tắc kéo dài. Giờ lại tăng thêm chuyến thì tình trạng ùn tắc sẽ thêm nghiêm trọng.

Đồng tình với những quan điểm trên, phát biểu trước đó tại một cuộc họp liên ngành, Thượng tá Nguyễn Văn Tòng, Phó Phòng CSGT Công an TP Hà Nội đề xuất Sở GTVT Hà Nội khi xây dựng phương án điều chuyển cần bố trí phù hợp theo luồng tuyến để vừa đảm bảo phục vụ hành khách, vừa giữ gìn trật tự an toàn giao thông trên địa bàn.

Bảo Hân

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/giao-thong/840177/dieu-chinh-cac-tuyen-xe-khach-khong-chong-cheo-va-han-che-xuyen-tam