Điều chỉnh luật để yên tâm 'xé rào'

“Nhiệm vụ của Nhà nước là phải xây dựng hành lang pháp lý tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp và ngay cả chính quyền các địa phương yên tâm khi đầu tư sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, áp dụng khoa học công nghệ hiện đại, thay vì để họ ở trạng thái thấp thỏm trong việc “xé rào” để đổi mới”. Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường trao đổi với Tiền Phong về trách nhiệm của Nhà nước trước thực trạng nhiều địa phương “xé rào” tích tụ đất đai để đổi mới sản xuất nông nghiệp.

Cánh đồng lớn thuận lợi cho việc áp dụng máy móc, thiết bị hiện đại. Ảnh: Hoàng Long.

Không thể phát triển nếu đất đai vẫn manh mún, nhỏ lẻ

Bộ trưởng đánh giá thế nào về thực trạng sản xuất nông nghiệp hiện nay và yêu cầu cấp thiết về công cuộc đổi mới trong lĩnh vực này, gắn với Đề án Tái cơ cấu nông nghiệp mà Bộ đang triển khai?

Nhìn lại 30 năm đổi mới, nông nghiệp Việt Nam đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong việc ổn định, phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh lương thực, thực phẩm, xóa đói giảm nghèo và tạo việc làm và thu nhập cho khoảng 70% dân cư. Tuy nhiên, thời gian gần đây tăng trưởng GDP nông nghiệp Việt Nam đang có xu hướng chậm lại, giảm từ 3,35%/năm giai đoạn 2006 - 2011 xuống còn 3,13%/năm giai đoạn 2011 - 2015. Năm 2016, ngành nông nghiệp chỉ đạt mức tăng trưởng 1,36%, thấp nhất kể từ nhiều năm trở lại đây.

Bên cạnh những khó khăn do các yếu tố khách quan như bất lợi của khí hậu, thời tiết thì cũng có nhiều điểm nghẽn từ các yếu tố chủ quan. Ví như, nền nông nghiệp về tổng thể vẫn dựa trên quy mô nhỏ lẻ, trình độ thấp, trong khi đó biến đổi khí hậu ở nước ta đang diễn ra nhanh hơn cả kịch bản dự báo, rồi chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm chưa cao nên giá trị gia tăng đem lại chưa nhiều.

Thực tế trên không chỉ ảnh hưởng tới mục tiêu phát triển kinh tế cho riêng ngành nông nghiệp mà còn có tác động tiêu cực đối với ổn định kinh tế vĩ mô, giảm động lực tăng trưởng chung của toàn nền kinh tế, giảm thu nhập việc làm cho người dân, cản trở công cuộc xóa đói giảm nghèo và đe dọa ổn định chính trị - xã hội, cân bằng môi trường sinh thái. Đó thực sự là hồi chuông cảnh báo để chúng ta suy ngẫm kỹ về chủ trương, định hướng chính sách và kèm theo là những hành động quyết liệt để đổi mới mô hình tăng trưởng, thúc đẩy tăng trưởng nông nghiệp bền vững.

Nhiều ý kiến cho rằng, điểm nghẽn lớn nhất hiện nay khiến nông nghiệp chưa phát triển, chưa thu hút được đầu tư, khoa học kỹ thuật là giới hạn về hạn điền và thiếu cơ chế tích tụ ruộng đất. Ông nhìn nhận thế nào về thực trạng trên?

Đúng là chính sách đất đai hiện đang là nút thắt lớn để phát triển nền nông nghiệp quy mô lớn, hiện đại. Chúng ta không thể phát triển nông nghiệp bền vững, tổ chức sản xuất theo hướng tập trung khi sản xuất nông nghiệp manh mún, nhỏ lẻ như hiện nay. Với 9,3 triệu hộ nông dân có diện tích đất bình quân hộ nông nghiệp chỉ vào khoảng 0,46 ha thì không thể tạo nên nền nông nghiệp hiện đại, thu hút được doanh nghiệp xây dựng vùng sản xuất hàng hóa với những chuỗi giá trị nông nghiệp có khả năng cạnh tranh trong hội nhập quốc tế, đảm bảo cho nông dân làm giàu từ nông nghiệp.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường

Từ “người cày có ruộng” tới “người cày giàu có”

Trước điểm nghẽn về chính sách đất đai, nhiều nhiều địa phương đã thực hiện việc “xé rào” cho phép mở rộng hạn điền để doanh nghiệp, người dân có điều kiện đầu tư làm ăn lớn. Là người đứng đầu ngành, ông đánh giá thế nào về vấn đề trên này?

Xuất phát từ yêu cầu thực tiễn của từng nơi, nhiều địa phương đã vận dụng sáng tạo các quy định hiện có để thúc đẩy tích tụ, tập trung ruộng đất. Sự vào cuộc quyết liệt của lãnh đạo các địa phương là yếu tố quan trọng để có những mô hình thành công về dồn điền đổi thửa. Nông dân dồn đất cho những hộ sản xuất giỏi có tiềm lực tài chính phát triển kinh tế hợp tác, trang trại, hoặc cho hợp tác xã, doanh nghiệp thuê lại đất để sản xuất quy mô lớn, theo chuỗi giá trị.

Tuy nhiên, nhiệm vụ của Nhà nước là phải xây dựng hành lang pháp lý tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp và ngay cả chính quyền các địa phương yên tâm khi đầu tư sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, áp dụng khoa học công nghệ hiện đại, thay vì để họ ở trạng thái bấp bênh khi tự “xé rào” để đổi mới.

Tận dụng cơ chế thị trường để phân bổ nguồn lực, trong đó có nguồn lực đất đai, đến tay người sử dụng hiệu quả nhất.

Vậy phải chăng đã đến lúc chúng ta cần điều chỉnh các quy định của pháp luật để “mở cửa” cho việc tích tụ đất đai?

Từ thực tế hiện nay Đảng, Nhà nước và Chính phủ đã liên tục đề cập đến vấn đề tích tụ và tập trung đất phục vụ sản xuất hàng hóa quy mô lớn trong nông nghiệp. Hiện nay, các cơ quan Ban Đảng, Chính phủ, kể cả các ủy ban của Quốc hội đang tổ chức nghiên cứu giải pháp tích tụ đất đai trong đó nếu cần thiết có thể đề xuất sửa đổi cả những điều luật đang cản trở, tất nhiên, phải là những giải pháp vẫn đảm bảo được quyền lợi cho nông dân.

Theo tôi thì đây là thời điểm thuận lợi để có những chính sách mạnh mẽ và những sửa đổi cần thiết trong chính những quy định pháp luật để tích tụ và tập trung đất đai. Nhưng điều đầu tiên là phải thay đổi tư duy và quan điểm phát triển từ “người cày có ruộng” sang “người cày giàu có”, từ “sản xuất nông nghiệp đủ no” sang “phát triển ngành kinh doanh nông nghiệp hiện đại, cạnh tranh quốc tế và lợi nhuận cao”.

Trong quá trình sửa đổi các quy định, chính sách và pháp luật để tháo gỡ nút thắt về đất đai trong lĩnh vực nông nghiệp thì nên cẩn trọng với những bước đi hợp lý. Đẩy mạnh triển khai thực hiện với khung pháp lý và chính sách hiện có để có thể đáp ứng được ngay nhu cầu của các doanh nghiệp, hộ gia đình đang gặp khó khăn trong việc tích tụ và tập trung đất để sản xuất nông nghiệp; tiếp đến nghiên cứu để sửa đổi luật (nếu cần thiết), tạo một cơ chế bền vững cho việc tích tụ và tập trung đất nông nghiệp.

Để thúc đẩy tích tụ ruộng đất và đẩy mạnh hoạt động của thị trường quyền sử dụng đất nông nghiệp, cần linh hoạt hóa mục đích sử dụng đất; xây dựng khung pháp lý và chính sách hỗ trợ để tạo điều kiện cho doanh nghiệp thuê lại đất của nông dân, hình thành các vùng chuyên canh quy mô lớn. Bên cạnh đó, đổi mới khung pháp lý để mở rộng đối tượng được nhận chuyển nhượng đất nông nghiệp. Ưu tiên cho các hộ nông dân chuyên nghiệp, trang trại. Ngoài ra, tăng hạn mức nhận chuyển nhượng và nghiên cứu để tăng thêm thời hạn sử dụng đất nông nghiệp được giao (khoảng 100 năm như các nước phát triển) để đảm bảo tính ổn định và quyền tài sản cho các nhà đầu tư.

Cảm ơn ông.

Bộ NN&PTNT đã đề xuất và Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo cho các bộ, ban ngành tập hợp những nội dung cụ thể để tập trung tháo gỡ “nút thắt” về đất đai. Theo đó, Chính phủ sẽ đề xuất sửa đổi Luật Đất đai, Bộ TN&MT, Bộ NN&PTNT sẽ sửa đổi những quy định thuộc thẩm quyền và địa phương cũng vậy.

Nhóm PVTS (thực hiện)

Nguồn Tiền Phong: http://www.tienphong.vn/kinh-te/dieu-chinh-luat-de-yen-tam-xe-rao-1129148.tpo