Điều chỉnh lương không tác động nhiều tới giá cả

Sau khi Báo Quân đội nhân dân đăng tin từ 1-5-2010, lương tối thiểu chung sẽ tăng thêm 80.000 đồng/tháng (từ mức 650.000 đồng lên mức 730.000 đồng), nhiều bạn đọc của báo đã viết thư, gọi điện, gửi thư điện tử... hỏi thêm về đối tượng được điều chỉnh lương trong đợt này, mức độ điều chỉnh và tác động của nó đến thị trường giá cả? Đáp ứng nhu cầu của bạn đọc, chúng tôi đã gặp một số cơ quan chức năng, tìm hiểu một số văn bản quy phạm pháp luật để làm rõ các vấn đề.

Lương của cán bộ, công chức sẽ tăng thêm khoảng 12,3 % Theo quy định của Bộ luật Lao động: Mức lương tối thiểu chung là mức lương tối thiểu để trả công cho người lao động làm công việc giản đơn nhất trong điều kiện lao động bình thường. Mức lương tối thiểu chung được điều chỉnh tùy thuộc vào mức tăng trưởng kinh tế, chỉ số giá sinh hoạt và cung cầu lao động theo từng thời kỳ. Từ năm 2000 đến nay, mức lương tối thiểu chung đã nhiều lần thay đổi: 180.000 đồng/tháng (áp dụng từ 1-1-2000), 210.000 đồng/tháng (từ 1-1-2001), 290.000 đồng/tháng (từ 1-1-2002), 350.000 đồng/tháng (từ 1-10-2005), 450.000 đồng/tháng (từ 1-10-2006), 540.000 đồng/tháng (từ 1-1-2008) và 650.000 đồng/tháng (áp dụng từ 1-5-2009). Theo Nghị định số 28/2010/NĐ-CP vừa được Chính phủ ban hành, mức lương tối thiểu chung thực hiện từ ngày 1-5-2010 sẽ là 730.000 đồng/tháng, tức là tăng 80.000 đồng/tháng so với mức lương 650.000 đồng/tháng hiện đang áp dụng. Mức lương mới này được áp dụng đối với cơ quan Nhà nước, lực lượng vũ trang (trong đó có các đơn vị quân đội), tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội; đơn vị sự nghiệp của Nhà nước, đơn vị sự nghiệp ngoài công lập; công ty được thành lập, tổ chức quản lý và hoạt động theo Luật Doanh nghiệp Nhà nước và Công ty TNHH một thành viên do Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ được tổ chức quản lý và hoạt động theo Luật Doanh nghiệp. Mức lương tối thiểu chung 730.000 đồng/tháng được dùng làm cơ sở để tính các mức lương trong hệ thống thang lương, bảng lương, mức phụ cấp lương và thực hiện một số chế độ khác theo quy định của pháp luật... Đồng thời, mức lương này cũng được dùng để tính trợ cấp kể từ ngày 1-5-2010 trở đi đối với lao động dôi dư do sắp xếp lại công ty Nhà nước theo Nghị định 110/2007/NĐ-CP ngày 26-6-2007. Theo quy định hiện hành, tiền lương của cán bộ công chức, viên chức được tính theo hệ số lương từ lương tối thiểu chung. Như vậy, kể từ ngày 1-5-2010, tiền lương của cán bộ, công chức, viên chức sẽ tăng thêm khoảng 12,3 % so với mức lương đang hưởng hiện nay. Tăng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hàng tháng Theo Nghị định số 29/2010/NĐ-CP ngày 25-3-2010 của Chính phủ, từ ngày 1-5-2010, lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hàng tháng của một số đối tượng sẽ được tăng thêm 12,3%. Các nhóm đối tượng được tăng lương hưu và trợ cấp bao gồm cán bộ, công chức, công nhân, viên chức và người lao động; quân nhân, công an nhân dân và người làm công tác cơ yếu đang hưởng lương hưu hàng tháng. Cán bộ xã, phường, thị trấn quy định tại Nghị định 92/2009/NĐ-CP ngày 22-10-2009, Nghị định 121/2003/NĐ-CP ngày 21-10-2003 và Nghị định 09/1998/NĐ-CP ngày 23-1-1998 đang hưởng lương hưu và trợ cấp hàng tháng. Người đang hưởng trợ cấp mất sức lao động hàng tháng; người đang hưởng trợ cấp hàng tháng theo Quyết định 91/2000/Đ-TTg ngày 4-8-2000; công nhân cao su đang hưởng trợ cấp hàng tháng. Cán bộ xã, phường, thị trấn đang hưởng trợ cấp hàng tháng theo Quyết định số 130/CP ngày 20-6-1975 của Hội đồng Chính phủ và Quyết định số 111-HĐBT ngày 13/-10-1981 của Hội đồng Bộ trưởng. Quân nhân đang hưởng chế độ trợ cấp hàng tháng quy định tại Quyết định số 142/2008/QĐ-TTg ngày 27-10-2008. Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cho biết, trong thời gian tới, các Bộ, ngành sẽ sớm ban hành các thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định trên, để người nghỉ hưu và các đối tượng được trợ cấp có thể nhận lương hưu và trợ cấp theo mức mới đúng hạn. Tiền lương của cán bộ quân đội sắp tới sẽ ra sao? Quan điểm của Chính phủ về tiền lương của lực lượng vũ trang đã thể hiện trong Tờ trình của Chính phủ trước Quốc hội khóa XI: "Tiền lương và phụ cấp của lực lượng vũ trang phải phản ánh được mức độ phức tạp, tính chất, đặc điểm, nhiệm vụ, trách nhiệm cống hiến của lực lượng vũ trang là "một ngành lao động đặc biệt", vì vậy có bảng lương riêng và giữ mức ưu đãi so với cán bộ công chức như hiện nay". Theo Nghị định 204 của Chính phủ về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang thì hệ số lương (so với lương tối thiểu chung) của sĩ quan quân đội ở một số cấp bậc như sau: Cấp thiếu úy là 4,2 (có nghĩa là gấp 4,2 lần lương tối thiểu chung), cấp trung úy là 4,6; cấp thượng úy là 5,0; cấp đại úy là 5,4; cấp thiếu tá là 6,0; cấp trung tá là 6,6; cấp thượng tá là 7,3; cấp đại tá là 8,0. Tổng mức lương và phụ cấp của sĩ quan, hạ sĩ quan hưởng lương bằng 1,8 lần của quân nhân chuyên nghiệp bằng 1,7 lần so với tổng mức lương và phụ cấp của cán bộ, công chức, viên chức tương đương; công nhân viên quốc phòng xếp lương như công nhân viên Nhà nước và hưởng phụ cấp phục vụ quốc phòng. Binh sĩ không quy định chế độ tiền lương mà thực hiện chế độ ăn định lượng và phụ cấp sinh hoạt phí theo cấp hàm. Như vậy, theo Nghị định 28 của Chính phủ thì từ ngày 1-5-2010, tiền lương hằng tháng (chưa kể tới các khoản phụ cấp theo lương tăng) của cấp thiếu úy sẽ tăng thêm 336.000 đồng, của cấp thượng úy tăng thêm 400.000 đồng, cấp thiếu tá thêm 480.000 đồng, cấp đại tá thêm 640.000 đồng. Thực tế hiện nay, đời sống của cán bộ, chiến sĩ trong quân đội vẫn còn rất nhiều khó khăn. Trong khi đó, cán bộ quân đội ở cơ sở gần như không có ngày nghỉ, giờ nghỉ, không có khái niệm thu nhập ngoài lương. Vì vậy, trong lộ trình cải cách tiền lương sắp tới, dư luận mong muốn cần phải có chế độ ưu đãi hơn nữa đối với cán bộ quân đội. Lương tăng, liệu giá có tăng? Đây là nỗi băn khoăn của không ít người được điều chỉnh lương sắp tới, trong đó có đối tượng là cán bộ quân đội bởi lẽ nếu lương tăng mà giá cả tăng theo thì việc tăng lương sẽ không còn có ý nghĩa. Thực tế với mức tăng 12,3 % vào ngày 1-5 tới cũng chỉ đủ bù đắp mức độ trượt giá từ lần tăng lương trước (ngày 1-5-2009). Theo tính toán của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội (cơ quan chủ trì chuẩn bị dự thảo Nghị định 28 và Nghị định 29) thì việc điều chỉnh lương tối thiểu chung và tăng lương hưu, trợ cấp cho một số đối tượng sắp tới sẽ không ảnh hưởng nhiều đến thị trường giá cả. Trước hết, với số lượng người hưởng lương từ ngân sách Nhà nước, chỉ có khoảng 8 triệu người, sẽ không có tác động lớn hoặc chi phối mạnh đến thị trường chung với khoảng gần 50 triệu lao động trong cả nước. (Trước đó, Chính phủ đã ban hành nghị định tăng lương tối thiểu cho người lao động thuộc khối doanh nghiệp từ 1-1-2010). Điều quan trọng là ngân sách Nhà nước đã được chuẩn bị chu đáo từ cuối năm ngoái cho việc điều chỉnh lương lần này. Trong dự toán ngân sách Nhà nước năm 2010 đã được Quốc hội thông qua đã có khoản chi cho việc tăng lương . Trong Nghị định 28 của Chính phủ cũng đã nêu rõ: Kinh phí thực hiện mức lương tối thiểu mới đối với các đối tượng do ngân sách Nhà nước bảo đảm từ các nguồn như: Tiết kiệm 10% chi thường xuyên (trừ tiền lương và các khoản có tính chất lương) đối với từng cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp thuộc các Bộ, cơ quan Trung ương và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; sử dụng tối thiểu 40% số thu được để lại theo chế độ của các cơ quan hành chính có thu; sử dụng 50% số tăng thu ngân sách địa phương. Đối với các đơn vị sự nghiệp có thu, sử dụng tối thiểu 40% số thu được để lại theo chế độ… Riêng kinh phí thực hiện mức lương tối thiểu chung đối với người lao động làm việc trong các công ty thì công ty bảo đảm và được hạch toán vào giá thành hoặc chi phí sản xuất kinh doanh. Chính vì vậy, theo ý kiến của nhiều chuyên gia, việc tăng lương vào ngày 1-5 tới sẽ không ảnh hưởng tới việc tăng giá. Đề phòng tình trạng "té nước theo mưa", khi lương tăng, giá các loại hàng hóa và dịch vụ sẽ tăng theo, Chính phủ đã yêu cầu các cơ quan chức năng tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, bảo đảm sự bình ổn của thị trường, đồng thời kích cầu hợp lý, xử lý nghiêm các trường hợp tăng giá bất hợp lý./. Bài và ảnh: Đỗ Phú Thọ

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/QDNDSite/vi-VN/61/43/7/24/24/107302/Default.aspx