Điều chỉnh viện phí: Gánh nặng cho người không có BHYT

GD&TĐ - Theo Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam, từ ngày 1/6, viện phí sẽ được điều chỉnh để người không thẻ BHYT và có thẻ BHYT đều chung mức giá được áp dụng cho người có thẻ BHYT thực hiện từ năm 2016.

Tuy nhiên, người có BHYT sẽ được quỹ BHYT chi trả 80 - 100%, người không có BHYT phải tự chi trả hoàn toàn. Điều này sẽ tạo gánh nặng chi phí điều trị cho người không có thẻ BHYT, vì mức viện phí có thể tăng gấp 2- 4 lần so với hiện nay.

Giá khám bệnh tăng gấp 2 lần

Thông tư số 02/2017/TT-BYT của Bộ Y tế nêu rõ, từ ngày 1/6/2017 các cơ sở y tế công lập sẽ chính thức áp dụng giá viện phí mới cho hơn 1.900 dịch vụ y tế đối với nhóm đối tượng không có thẻ BHYT, và một số dịch vụ KCB không thuộc phạm vi thanh toán của quỹ BHYT. Với việc kết cấu thêm chi phí tiền lương, phụ cấp đặc thù của nhân viên y tế vào giá dịch vụ y tế, đồng thời điều chỉnh chi phí 3 yếu tố trực tiếp, nhiều dịch vụ y tế có mức tăng 2 - 3 lần giá cũ và sẽ do người bệnh trả 100%. Có 3 nhóm dịch vụ dành cho người chưa có thẻ BHYT được điều chỉnh khung giá tối đa: Giá dịch vụ khám bệnh, kiểm tra sức khỏe; giá dịch vụ ngày giường điều trị; giá dịch vụ kỹ thuật và xét nghiệm dành cho các hạng bệnh viện.

Ông Lê Văn Phúc, Phó ban Thực hiện chính sách bảo hiểm y tế cho biết: Giá một lần khám bệnh đã tăng gấp 4 lần ở phòng khám đa khoa khu vực, trạm y tế xã là 29.000 đồng/lượt; tăng gấp 2 lần ở bệnh viện hạng đặc biệt và hạng 1 và là 39.000 đồng/lượt, hạng 2 là 35.000 đồng/lượt, hạng 3 là 31.000 đồng/lượt… Tuy nhiên, theo phản ánh của người bệnh đi khám dịch vụ tại một số bệnh viện Bạch Mai, Việt Đức… thì mức viện phí một lần khám bệnh dịch vụ là 100.000 - 150.000 đồng (tùy từng bệnh viện), khám theo yêu cầu: (Lựa chọn bác sĩ theo học hàm, học vị: Tiến sĩ, Phó Giáo sư, Giáo sư…) có mức giá từ 250.000 - 500.000 đồng/lượt khám… Như vậy, người bệnh phải chi trả thực tế cho một lần khám chữa bệnh dịch vụ cao hơn nhiều theo mức giá quy định của Bộ Y tế, cho dù cơ sở vật chất hay bác sĩ khám là giống nhau. Thực tế, người bệnh đi khám thường không dám thắc mắc về mức giá khám bệnh này. Còn theo nhiều lãnh đạo bệnh viện, người bệnh đã “thuận mua vừa bán” và chấp nhận mức giá trên để được khám bệnh.

Với 1.916 dịch vụ được điều chỉnh tăng giá lần này, mặc dù mức điều chỉnh mức tăng chủ yếu ở khoảng số 20 - 30%, một số ít có mức tăng gấp đôi so với mức giá hiện hành, nhưng số tiền tuyệt đối của nhiều dịch vụ lên tới hàng trăm nghìn đồng. Thậm chí, có những dịch vụ tăng đến cả triệu đồng cho một lần chỉ định, do đơn giá dịch vụ kỹ thuật vốn đã có kết cấu chi phí cao.

Cần kiểm soát giá dịch vụ

Theo tính toán của Bộ Y tế, chỉ có nhóm giá khám bệnh, ngày giường điều trị là khác nhau theo hạng bệnh viện, còn lại các các dịch vụ kỹ thuật, xét nghiệm đều thực hiện thống nhất một mức giá tại tất cả các bệnh viện trên toàn quốc. Tuy nhiên, đối với những bệnh nhân mắc các bệnh hiểm nghèo như điều trị ung thư hay thực hiện các kỹ thuật cao trong điều trị mà không có bảo hiểm y tế thì chi phí rất lớn.

Xuất phát từ nguyên nhân trên, TS Trần Tuấn - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo phát triển cộng đồng - đề xuất: Khi các BV được khuyến khích “tự chủ tài chính”, Bộ Y tế cũng cần có những quy định mức giá chuẩn xác, minh bạch để hạn chế việc BV dùng cơ sở vật chất công để “bắt buộc” người bệnh sử dụng các dịch vụ y tế cao, đắt tiền, lạm dụng nhiều kỹ thuật cao, thuốc đắt... Cần có hành lang pháp lý để quy định chặt chẽ các điều kiện khám chữa bệnh, điều trị, bảo vệ người bệnh - người tiêu dùng.

Theo Bộ Y tế, đến nay đã có hơn 75 triệu người tham gia BHYT, đạt tỷ lệ 81,3% dân số, gần 20% dân số còn lại chưa tham gia BHYT, phần lớn là những người có mức sống trung bình trở lên. Một trong những giải pháp mà Bộ Y tế đưa ra khuyến cáo người dân nên sớm tham gia BHYT để đề phòng khi ốm đau được BHYT chi trả, hạn chế chi trả từ tiền túi nếu chẳng may mắc bệnh hiểm nghèo. Tới đây, Nhà nước không cấp trực tiếp ngân sách cho cơ sở y tế, thay vào đó sẽ hỗ trợ hoàn toàn hoặc một phần cho hộ nghèo, gia đình chính sách, diêm dân, người có thu nhập trung bình... tham gia BHYT.

Lãnh đạo Bộ Y tế cho biết, đang phối hợp với Bộ Tài chính hướng dẫn các địa phương chuyển phần ngân sách cấp tiền lương cho các BV hiện nay để hỗ trợ 30% còn lại cho người cận nghèo tham gia BHYT. Hiện người cận nghèo được hỗ trợ 70% - 100% chi phí mua thẻ BHYT. Các địa phương cũng nâng mức hỗ trợ người làm nông nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp, lâm nghiệp có mức sống trung bình để tham gia BHYT (đang hỗ trợ tối thiểu 30%).

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/thoi-su/dieu-chinh-vien-phi-ganh-nang-cho-nguoi-khong-co-bhyt-3216978-b.html