"Điều còn mãi" cất cao tâm hồn Hà Nội

Hà Nội đâu phải của riêng người Hà Nội, đâu chỉ riêng người Hà Nội mới nhớ, mới thương thành phố "lắng hồn núi sông ngàn năm" ấy. Và hát về Hà Nội những tháng ngày hào hùng ấy không phải chỉ hát về Hà Nội, mà cũng là hát về Tổ quốc Việt Nam đầy dấu yêu, tự hào.

Thời gian thiêng liêng: chiều ngày Quốc khánh 2.9, giữa tiết trời thu nắng vàng. Không gian thiêng liêng: Nhà hát Lớn - thủ đô Hà Nội được tô điểm bởi những bức tranh Hà Nội của họa sĩ Đào Hải Phong. Chương trình "Điều còn mãi" năm nay cũng chọn một chủ đề rất thiêng liêng: Ngàn năm Thăng Long. Sự có mặt của đông đảo nhân sĩ trí thức thuộc nhiều lĩnh vực càng làm cho không gian ấy, thời gian ấy đặc biệt hơn. Thật khó có thể điểm danh hết những gương mặt thuộc tầng lớp "tinh hoa" đã cùng nhau hội ngộ, từ GS Hoàng Tụy, GS Phan Đình Diệu, GS Phạm Duy Hiển, GS Chu Hảo, GS Ngô Việt Trung... đến Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan, TS Mai Liêm Trực, nhà thơ Việt Phương, ông Nguyễn Trung, ông Trần Đức Nguyên, bà Phạm Chi Lan,... rồi các nhạc sĩ nhiều thế hệ như NS Hoàng Vân, NS Hoàng Dương, NS Văn Ký, NS Hồng Đăng, NS Đỗ Hồng Quân... Có thể khẳng định, sự có mặt của họ, và rất nhiều những trí thức các thế hệ đã cùng làm nên một chiều thu "còn mãi". Các vị khách mời đến tham dự Điều còn mãi 2010. Ảnh: Lê Anh Dũng Kết thúc buổi hòa nhạc, trên những gương mặt tinh hoa ấy đều in nét bồi hồi xúc động. Ánh mắt họ ngời sáng và những bàn tay xiết chặt lấy bàn tay. "Tuyệt vời", "rất xúc động", "chương trình rất Hà Nội, rất Việt Nam"... là những lời chia sẻ rất chân thành của các vị khách mời. Tuyệt vời và xúc động là những cảm nhận chung của khán giả Điều còn mãi 2010 Mỗi người mỗi ý, có người tâm đắc nhất với Thốt (Đối thoại với tuồng) của nhạc sĩ trẻ Tuệ Nguyên, khi piano "Tây" sòng phẳng đối thoại với kèn bóp, trống chiến và giọng vocal "ta". Nhưng rất nhiều người chỉ hài lòng với chất lãng mạn, tinh tế, sâu lắng trong "Tâm hồn người Hà Nội" (trích đoạn bản sonate số 8 cho violin) của nhạc sĩ Hà Nội xưa Nguyễn Văn Quỳ. Có người lại thích những ca khúc "bất hủ", hào hùng, nghe đi nghe lại mà lần nào cũng dạt dào cảm xúc mới: Người Hà Nội, Bài ca Hà Nội, Hà Nội niềm tin và hy vọng, Nhớ về Hà Nội,... Người thích ca sĩ này, người lại ấn tượng với ca sĩ khác. Một niềm tin vững chắc về "Điều còn mãi". Nhưng tất cả đều giống nhau ở sự bồi hồi xúc động, cùng niềm tin vững chắc về "Điều còn mãi". Bởi nói như lời chia sẻ của nhà thơ Việt Phương, "Điều còn mãi đó là tình yêu dân tộc, tình yêu đất nước, lòng tự hào Tổ quốc ta... Nhưng sẽ chỉ còn mãi nếu luôn luôn đổi mới, chứ không phải nhất thành bất biến". Phải chăng, những giai điệu đẹp - cả có lời và không lời - vang lên trong không gian đẹp của những ngày lịch sử, đã gợi lại trong lòng mỗi người những thời khắc riêng, chung của những năm tháng hào hùng đã qua. Ca sĩ Mỹ Linh thăng hoa trong phút kết thúc Điều còn mãi 2010. Một thời chưa xa, Hà Nội thật sự là niềm cảm hứng để bao nhạc sĩ sáng tác lên những lời ca bất hủ. Người Hà Nội gốc như NS Vũ Thanh tự hào về Hà Nội để viết nên những lời ca "Ta đi trên đường Hà Nội rực rỡ chiến công. Đường thênh thang Ba Đình lịch sử, đường tấp nập Hoàn Kiếm Đồng Xuân...", hay Người Hà Nội tài hoa Nguyễn Đình Thi khẳng định tình yêu với mảnh đất ngàn năm "Đây Hồ Gươm - Hồng Hà - Hồ Tây. Đây lắng hồn núi sông ngàn năm. Đây Thăng Long, đây Đông Đô, đây Hà Nội, Hà Nội mến yêu..." đã đành, nhưng tác giả của "Mặt hồ gươm vẫn lung linh mây trời, càng tỏa ngát hương thơm hoa thủ đô, đường lộng gió thênh thang năm cửa ô...", người khẳng định "Hà Nội - niềm tin và hy vọng" lại là nhạc sĩ Phan Nhân, người miền Tây Nam bộ xa xôi (Long Xuyên - An Giang). Cùng thể hiện nỗi nhớ da diết về Hà Nội, nhạc sĩ Hà Nội Hoàng Dương lãng mạn "Hà Nội ơi, nước hồ là ánh gương soi, nắng hè tô thắm lên môi, thanh bình tiếng guốc reo vui. Hà Nội ơi, kiếp đời muôn hướng buông trôi, nhớ về người những đêm vui, nhắn theo ngàn cánh chim trời". Nhạc sĩ Hà Nội Dương Thụ chân thành "Tôi mong về Hà Nội, để nghe gió sông Hồng thổi, để thương áo len cài vội, chiều mùa đông rét mướt...", còn nhạc sĩ miền Nam Hoàng Hiệp lại vang vọng chất sử thi oai hùng của dân tộc in dấu trên đất Thăng Long "Ôi nhớ Hồ Gươm xanh thắm, Nơi tháp Rùa nghiêng soi bóng, Thành cũ Thăng Long hồn nước non thiêng, còn lắng đâu đây dấu xưa oai hùng Hà Nội ơi". Ca sĩ Hồng Nhung đang thể hiện ca khúc "Nhớ về Hà Nội" Ai dám bảo nhạc sĩ Hà Nội sáng tác về Hà Nội hay hơn nhạc sĩ ở các vùng đất khác? Ai dám bảo người Hà Nội hiểu và yêu vùng đất của mình hơn những người từ xa đến. Hà Nội đâu phải của riêng người Hà Nội, đâu chỉ riêng người Hà Nội mới nhớ, mới thương thành phố "lắng hồn núi sông ngàn năm" ấy. Và hát về Hà Nội những ngày hào hùng ấy không phải chỉ hát về Hà Nội, mà cũng là hát về Tổ quốc Việt Nam đầy dấu yêu, tự hào. Thế nên, khi những giai điệu mang nhiều cung bậc cảm xúc ấy vang lên vào chiều thu lịch sử, khi Hà Nội đang bước vào những ngày kỷ niệm Đại lễ 1000 năm, 1000 năm Thăng Long - Hà Nội cũng là 1000 năm thăng - trầm của Đại Việt - Việt Nam, lòng người không thể không lắng lại, không thể không tự hào, và có chăng... không thể không ưu tư? Đâu rồi Thăng Long - Hà Nội đẹp lung linh trong thơ, nhạc? Đâu rồi Thăng Long - Hà Nội là trái tim của cả nước? Đâu rồi những khúc ca viết về Hà Nội không phải của người Hà Nội? Rất nhiều người đồng tình Điều còn mãi chính là tình yêu đất nước mình, nhân dân mình, đồng bào mình. Hồn thiêng Thăng Long - Hà Nội phải là "Điều còn mãi".

Nguồn TuanVietNam: http://tuanvietnam.net/2010-09-03-dieu-con-mai-cat-cao-tam-hon-ha-noi