Điều đặc biệt sau những công trình khoa học đạt Giải thưởng Hồ Chí Minh

Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước về KH&CN, là hai giải thưởng cao quý mà Đảng, Nhà nước trao tặng cho các tác giả/nhóm tác giả của công trình/cụm công trình KH&CN tiêu biểu, có giá trị cao về KH&CN, hiệu quả kinh tế xã hội; có ảnh hưởng rộng lớn, lâu dài trong đời sống, góp phần phục vụ sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước. Nhân dịp này, phóng viên đã có cuộc trao đổi với GS.TSKH Đặng Văn Bát - Chủ tịch Hội đồng Địa chất và Hội đồng Dầu khí, thành viên Hội đồng cấp Nhà nước.

GS.TSKH Đặng Văn Bát - Chủ tịch Hội đồng Địa chất và Hội đồng Dầu khí, thành viên Hội đồng cấp Nhà nước.

Thưa Giáo sư Bát, bên cạnh các công trình khoa học đã được giải, có lẽ sẽ còn rất nhiều công trình khoa học khác chưa tham gia vào giải thưởng này nhưng có tính ứng dụng thực tế cao. Ông có thể kể tên một vài công trình như thế?

GS.TSKH Đặng Văn Bát: Bên cạnh những công trình được giải thưởng, có những công trình chưa được giải thưởng nhưng theo tôi là những công trình có giá trị kinh tế và ý nghĩa thực tiễn rất lớn. Tôi có thể lấy ví dụ như công trình Gốm sứ Minh Long 1 đã có công nghệ nung 1 lần lửa với nhiệt độ khoảng 1.380 độ C. Đây là bí quyết của công ty này đã đưa sản phẩm của họ mang tầm cỡ châu Âu và quốc tế. Hoặc công trình dầu khí về mỏ Đại Hùng của các nhà địa chất dầu khí POC đã tìm ra mỏ mới ở phía nam Đại Hùng đưa mỏ Đại Hùng vào hoạt động liên tục hàng chục năm nay làm tăng sản lượng khai thác của ngành dầu khí Việt Nam mà trước kia các nhà thầu nước ngoài sau 1 thời gian thăm dò đã trả lại mỏ không thể tiếp tục được.

Hoặc công trình về địa chất tài nguyên Việt Nam do GS.TS Trần Văn Trị đại diện là kết quả nghiên cứu của cả ngành địa chất Việt Nam từ những năm 1960 đến nay đã nghiên cứu sâu về địa chất và đánh giá tài nguyên địa chất Việt Nam một cách toàn diện, đặc biệt là những nghiên cứu về biển Đông góp phần bảo vệ đất nước trên 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Hoặc cụm công trình về lập bản đồ địa chất Việt Nam tỷ lệ 1/200.000 của Liên đoàn địa chất trước kia bao gồm 56 tờ bản đồ huy động 1 đội ngũ cán bộ đến hàng vạn người trong đó có 255 tác giả đại diện đã lập các tờ bản đồ và đặc biệt đã thống nhất được các phân vị địa tầng trong cả nước từ Bắc đến Nam. Trong khi đó ở Thái Lan cũng bản đồ địa chất tỷ lệ đó, người ta chưa ghép nối được giữa miền Đông Bắc và Tây Bắc Thái Lan...

Mặc dù đã có những giải thưởng tôn vinh, nhưng theo Giáo sư điều đó đã đủ khích lệ các nhà khoa học của chúng ta say mê nghiên cứu, sáng tạo hay chưa? Theo Giáo sư cần có thêm điều gì để thúc đẩy tiềm năng về khoa học Việt Nam?

GS.TSKH Đặng Văn Bát: Mặc dù đã có những giải thưởng được tôn vinh nhưng theo tôi Nhà nước cần tăng cường đầu tư hơn nữa về KH&CN, đặc biệt những công trình ứng dụng công nghệ tiên tiến trên thế giới áp dụng vào điều kiện cụ thể của Việt Nam sẽ đẩy mạnh sự phát triển KH&CN của đất nước.

Với số vốn Nhà nước chi cho KH&CN hiện nay là 2% tổng chi ngân sách Nhà nước thì còn khiêm tốn. Trong thời gian tới, mong muốn Quốc hội xem xét tăng tỷ phần này lên mới khích lệ được các nhà khoa học Việt Nam say mê nghiên cứu và làm việc.

Ngoài ra các chế độ chính sách đối với các nhà khoa học cũng cần được quan tâm. Ví dụ đối với các nhà khoa học đã lăn lộn cả cuộc đời trong giai đoạn kháng chiến chống Mỹ rồi những năm sau này nữa, đến khi nghỉ hưu lương rất thấp. Theo tôi được biết, các nhà khoa học, những nghiên cứu viên cao cấp của Viện Hàn lâm KHCN Việt Nam, may lắm đến khi nghỉ hưu mới được 8,0.

Theo GS, đâu là giá trị lớn nhất mà các cụm công trình này mang lại cho người dân và xã hội?

GS.TSKH Đặng Văn Bát: Hiện nay, người dân đều biết đến giá trị của một số công trình, ví dụ như cầu Hàm Luông, các giống lúa mới ở Nam bộ, công trình xây dựng đường bộ các hệ thống hạ tầng cơ sở ở nông thôn, y tế… Các cụm công trình đó đều mang lại lợi ích thiết thực cho nhân dân, cải thiện đời sống cho đồng bào, đó là giá trị lớn nhất mà các công trình đó mang lại. Hy vọng rằng, các phương tiện thông tin đại chúng sẽ tuyên truyền sâu rộng hơn nữa để nhân dân có thể cập nhật của giá trị của những công trình này.

Thưa Giáo sư, so với thế giới, ông đánh giá thế nào về những thành tựu khoa học của chúng ta?

GS.TSKH Đặng Văn Bát: Theo tôi, so với thế giới, chúng ta đã đạt được những thành tựu khoa học nhất định mang tầm cỡ thế giới. Ví dụ như những công trình dầu khí, y học hay lần này chúng ta có 1 công trình về toán học, về đại số giao hoán. Tuy vậy, các công trình của chúng ta thực sự chưa đồng đều. Nhưng tôi hy vọng rằng, với sự phát triển KH&CN hiện đại, các nhà khoa học Việt Nam đặc biệt là các nhà khoa học trẻ, trong thời gian tới sẽ vươn lên đưa ngành khoa học của Việt Nam xứng tầm với thế giới.

Minh Hà

Nguồn GTVT: http://www.tapchigiaothong.vn/dieu-dac-biet-sau-nhung-cong-trinh-khoa-hoc-dat-giai-thuong-ho-chi-minh-d31977.html