Điều gì đang khiến doanh nghiệp nội địa ngành sơn - mực in lo lắng?

Mặc dù đang có những tín hiệu tích cực cho việc 'vượt đáy' suy thoái nhưng các doanh nghiệp nội địa trong ngành sơn và mực in vẫn luôn canh cánh mối lo trước sức ép cạnh tranh quá lớn từ khối ngoại, nhất là các đối thủ từ Trung Quốc thông qua việc dịch chuyển đầu tư sản xuất. Điều này đòi hỏi khối nội trong ngành hàng này nên có chiến lược cụ thể và bài bản hơn để không phải rơi vào cảnh bị đào thải.

Ông Vương Bắc Đẩu, Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội Sơn - Mực in Việt Nam (VPIA), cho biết các doanh nghiệp (DN) trong ngành sản xuất sơn phủ và mực in đang nhận được tín hiệu tích cực là đã “vượt đáy” suy thoái. Tuy nhiên, trước diễn biến địa chính trị, nền kinh tế toàn cầu còn rất phức tạp, trong khi độ mở kinh tế của Việt Nam là khá lớn, nên các DN vẫn đang đối mặt các cơ hội đan xen thách thức.

Nửa mừng nửa lo

Đối với ngành sơn phủ nội địa, số liệu trong gần 5 tháng đầu của năm 2024 đã cho thấy có dấu hiệu hồi phục rõ ở các mảng sản xuất sơn gỗ (với mức tăng trưởng 25% về sản lượng so với năm 2023) và sơn công nghiệp (tăng 20% về sản lượng). Còn mảng sơn trang trí có mức hồi phục khiêm tốn hơn là dưới 10%, trong khi sơn bột tĩnh điện và sơn cuộn đạt mức tăng trên 10%.

Dù có tín hiệu khởi sắc trở lại nhưng các DN nội địa trong ngành sơn và mực in vẫn đối mặt thách thức trước sức ép cạnh tranh quá lớn từ khối ngoại.

Dù có tín hiệu khởi sắc trở lại nhưng các DN nội địa trong ngành sơn và mực in vẫn đối mặt thách thức trước sức ép cạnh tranh quá lớn từ khối ngoại.

Riêng đối với các DN trong mảng mực in, việc hồi phục dù không có biên độ lớn như mảng sản xuất sơn, thế nhưng sự hồi phục từ đầu năm 2024 đến nay được cho là khá chắc chắn, với mức tăng trưởng đạt 10% so với năm ngoái.

Có thể thấy việc tăng trưởng của ngành sơn Việt như nêu trên là rất đáng khích lệ. Nhất là khi năm ngoái, ngành sản xuất này đã chịu tác động tiêu cực từ việc giảm sốc của lĩnh vực bất động sản, dẫn đến các mảng như sơn phủ, sơn trang trí, sơn bột đã chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.

Không chỉ vậy, tác động của lạm phát, sự phục hồi chậm của kinh tế toàn cầu hồi năm 2023 khiến sức mua giảm sút, làm suy yếu khả năng xuất khẩu của những ngành hàng chủ lực của Việt Nam (như may mặc, da giày, đồ gỗ), đã gây tác động không nhỏ đến các DN nội địa trong mảng mực in và là sức nặng đè lên đối với mảng sản xuất sơn gỗ.

Như dữ liệu hồi năm 2023 cho thấy nhiều DN nội địa trong ngành sơn phủ đã phải gánh lỗ, giảm thời gian làm việc hoặc giảm nhân công. Sức tăng trưởng về mặt sản lượng của họ cũng giảm mạnh, như mảng sơn trang trí giảm 24 - 30%, sơn bột giảm khoảng 30%, sơn gỗ giảm sâu hơn từ 30 đến 35%, sơn cuộn giảm 15%, sơn công nghiệp giảm 10 đến 15%, mảng mực in cũng giảm 10 - 15%.

Đó cũng là năm thứ 2 mà ngành sơn và mực in ghi nhận mức giảm sản lượng trong hơn 20 năm qua, khiến cho nhiều DN nội địa phải chấp nhận bị đào thải hoặc đối diện tình cảnh lỗ, tạm dừng hoạt động. Và việc vượt qua khó khăn để tồn tại đối với các DN này là cả một nỗ lực rất lớn.

Chia sẻ tại buổi họp báo ở Tp.HCM vào ngày 16/5 nhằm giới thiệu chuỗi triển lãm quốc tế chuyên ngành Sơn phủ, Giấy, Cao su và Nhựa tại Việt Nam (Coating - Paper - Rubber & Tyre - Plastech Vietnam 2024, sẽ diễn ra ở Tp.HCM từ ngày 12 đến 14/6/2024), ông Đẩu cho rằng Việt Nam là một trong những địa điểm đầy tiềm năng mà các nhà đầu tư nước ngoài đang nhắm vào để dịch chuyển, đưa các ngành sản xuất từ Trung Quốc sang, trong đó có ngành sản xuất sơn và mực in.

“Chúng ta đang nhìn vào điều đó như là một cơ hội, nhưng với phía hiệp hội lại nhìn vào đó như là một thách thức cho các DN nội địa. Bởi vì các nhà đầu tư không chỉ đưa các cơ hội đó vào Việt Nam mà đổi lại, những quốc gia láng giềng (như Trung Quốc) cũng sẽ chuyển đổi, đưa sản xuất của họ vào Việt Nam. Ngay trong chuyện này thì cơ hội cũng là thách thức đan xen với nhau”, vị phó chủ tịch của VPIA lưu ý.

Chẳng hạn như với mảng mực in của Việt Nam mặc dù tiếp cận rất gần với công nghệ của thế giới nhưng lại đang đối mặt nhiều thách thức từ việc phụ thuộc vào nhập khẩu nguyên vật liệu cho đến áp lực cạnh tranh. Đơn cử với mảng mực in offset thì các DN Việt Nam đang gặp khó vì thiếu cạnh tranh với DN Trung Quốc và các quốc gia trong khu vực. Vấn đề cạnh tranh không chỉ nằm ở công nghệ mà còn ở sản lượng khi các đối thủ từ nước ngoài có tiềm lực rất lớn nên các DN nội địa chưa thể cạnh tranh được.

Lo khối ngoại thâu tóm thị phần

Hay như với mảng sơn gỗ. Thách thức lớn cho các DN nội địa là sản lượng, quy mô không thể so sánh được với các nhà sản xuất của Trung Quốc. Những đối thủ này đang có xu hướng dịch chuyển công nghệ sản xuất của họ sang Việt Nam. Với thế mạnh về sản lượng lớn thì các nhà đầu tư từ quốc gia láng giềng này sẽ làm chủ về mặt thị phần tại Việt Nam.

“Hiện nay chúng tôi thấy thách thức nhất vẫn là các DN từ phía Trung Quốc. Còn DN từ các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á như Thái Lan, Malaysia…thì chúng ta chưa đáng ngại”, ông Vương Bắc Đẩu chia sẻ thêm.

Ngoài ra, điều mà các DN nội địa trong ngành sơn và mực in đang lo ngại là giữa bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt lại phải đối mặt nguy cơ bị thâu tóm, buộc phải “bán mình” khi mà hàng loạt nhà đầu tư ngoại trong lĩnh vực này đổ bộ vào Việt Nam.

Như với ngành sơn. Theo ước tính Việt Nam có hiện có 600 DN ngành sơn, trong đó 70 DN là có vốn đầu tư nước ngoài nhưng lại chiếm đến 65% thị phần, còn khối nội chỉ chiếm thị phần có 35%. Do phụ thuộc phần lớn vào nguyên liệu nhập (chiếm đến 70%), lại lo khối ngoại thâu tóm thị phần, nên các DN nội địa trong ngành hàng này đang gặp áp lực rất lớn.

Thực tế cho thấy với 4 phân khúc của thị trường sơn hiện nay thì khối ngoại đang chiếm lĩnh thị phần phân khúc cao cấp (với đặc điểm tăng tốc đầu tư mới hoặc xây dựng hệ thống phân phối). Trong khi đó, các DN nội địa đang tranh chấp thị phần với DN Trung Quốc ở phân khúc trung bình khá. Và khối nội chỉ có khả năng chi phối thị phần ở hai phân khúc còn lại là trung bình thấp và các cơ sở sản xuất nhỏ.

Nói về thách thức hiện nay của DN nội địa trong ngành sơn, ông Phạm Trung Hiếu, Chủ tịch HĐQT của CTCP HF Group, cho rằng vì thị trường cạnh tranh gay gắt, nếu tăng giá sản phẩm thì sẽ mất thị phần nên DN đang phải cố gắng gánh chịu. Trong khi đó, nguồn nguyên vật liệu đầu vào lại chịu tác động trực tiếp từ tình hình bất ổn trên thế giới, như Titanium Dioxide dùng trong sản xuất sơn tăng giá từ 10 - 15%; nhựa tạo màng Acrylic - thành phần chính của sơn cũng tăng.

Chính vì vậy, trước những tín hiệu tích cực về việc phục hồi tăng trưởng trong gần 5 tháng qua, điều hy vọng là các DN nội địa trong ngành sơn và mực in sẽ có đủ sự khôn ngoan, tỉnh táo và tinh tế để chọn lựa ra các giải pháp cho mình. Đặc biệt là các DN nên có chiến lược bài bản và cụ thể khi mà thị trường đang có sự cạnh tranh lớn về chất lượng và giá cả.

Song song đó, khâu chính sách cũng nên cởi mở hơn để giúp tháo gỡ những khó khăn cho DN nội địa trong ngành hàng này từ những vấn đề về tiếp cận vốn vay, tạo thuận lợi về mặt thị trường cho các lĩnh vực chủ lực có liên quan đến ngành sơn và mực in.

Thế Vinh

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//viet-nam/dieu-gi-dang-khien-doanh-nghiep-noi-dia-nganh-son-muc-in-lo-lang-1099822.html