Điều kiện kinh doanh “hành” doanh nghiệp vừa và nhỏ

Trong cuộc Hội thảo “Điều kiện kinh doanh: Nhận diện và kiến nghị” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức gần đây, đại diện nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN) đã kêu ca tình trạng hàng chục văn bản hướng dẫn cấp Thông tư và thậm chí là ở cấp Nghị định quy định các điều kiện kinh doanh trong nhiều lĩnh vực đã và đang tạo ra sự đối xử bất bình đẳng cho DNNVV.

Ông Hà Thanh Tùng, giám đốc một DN kinh doanh gas ở Hà Giang cho biết, khoản 1 Điều 9, Nghị định 19 quy định điều kiện đối với thương nhân phân phối khí cần phải có đủ 100.000 bình gas loại 12kg, đảm bảo dung tích tối thiểu 2.620.000 lít, và tổng sức chứa bồn gas phải tối thiểu là 300m³.

Quy định này không sát với thực tế điều kiện của DNVVN ở các khu vực vùng sâu, vùng xa. Bởi, ở Hà Giang và một số tỉnh, thành vùng núi, sản lượng tiêu thụ trung bình chỉ đạt từ 150-250 tấn gas/ tháng. Trong đó, PetroViệt Nam, Petrolimex đã chiếm tới 35 - 45% thị phần, còn lại là các DN cung ứng gas địa phương trong khoảng từ 80-130 tấn.

Doanh nghiệp vừa và nhỏ cần sự cạnh tranh công bằng để phát triển bền vững. Ảnh minh họa.

“Nếu đáp ứng đủ điều kiện trên, chúng tôi phải đầu tư thêm 50.000-55.000 vỏ chai, kho bồn để chứa gas và vỏ… Ước tính sơ bộ gần 25 tỷ đồng. Một con số không hề nhỏ với DNVVN, trong khi đầu tư xong lại để không, đắp chiếu đây là một trở ngại lớn, phi lý đối với DNVVN phân phối gas đang phải đối mặt”, ông Tùng lo ngại.

Đây mới chỉ là một phần nhỏ trong hàng nghìn DNNVV đang hằng ngày phải đối mặt với hàng nghìn điều kiện kinh doanh ở các cấp văn bản hướng dẫn mang hơi hướng phân biệt đối xử khiến họ khó có thể tồn tại duy trì chứ chưa nói đến vươn lên phát triển trong điều kiện vốn đã nhiều khó khăn đối với khu vực này.

Theo TS Lê Hồng Sơn, nguyên Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, gần đây, hầu hết các DN kinh doanh du lịch, dịch vụ tàu thuyền tại Vịnh Hạ Long – Bái Tử Long đang bị “bức tử” bởi hàng loạt các tiêu chí, điều kiện kinh doanh bất khả thi được ban hành tại 2 quyết định của UBND tỉnh Quảng Ninh số 4088/2015/QĐ-UBND và 3625/QĐ-UBND về điều kiện phòng cháy chữa cháy và niên hạn sử dụng.

Theo ông Sơn, các quy định này đã vi phạm Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp và luật chuyên ngành, thậm chí là vi phạm Hiến pháp 2013, tạo điều kiện và sân chơi gần như một mình cho các đại gia.

TS Sơn cho rằng, đây là các loại “đinh” cần được nhổ triệt để thông qua quá trình soạn thảo hoạch định chính sách pháp luật một cách công bằng, công khai, phù hợp với DN theo hướng xây dựng cơ chế đa ngành, chống đơn tuyến, lợi ích nhóm, lợi ích ngành, phát huy cơ chế hậu kiểm, tích cực rà soát kịp thời bãi bỏ những văn bản quy định trái quy luật và không phù hợp với tình hình kinh tế-xã hội, đồng thời có gắn trách nhiệm cụ thể với cơ quan, cá nhân của người soạn thảo xây dựng văn bản quy phạm pháp luật.

Nếu không thì như lời ông Trần Hữu Huỳnh, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC), càng nhiều điều kiện kinh doanh càng khiến DN nhỏ lại, không thể phát triển.

Phan Đức

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/doanh-nghiep/dieu-kien-kinh-doanh-hanh-doanh-nghiep-vua-va-nho-397293/