Diều lên mỏi cổ, diều đổ mỏi chân...

Hàng chục năm nay, ở xã Song Vân (huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang) từ người già cho đến trẻ nhỏ đều đam mê thú chơi diều. Với họ, diều sáo như một sợi dây gắn kết giữa đất trời và con người.

Dân ở đây, ai cũng thuộc câu “Diều lên mỏi cổ, diều đổ mỏi chân”. Câu ca nói lên nỗi vất vả của người chơi diều, khi diều lên thì mỏi cổ để ngắm nghía chúng, lúc diều đổ (còn gọi là rơi) thì mỏi chân đi tìm diều, có khi phải đuổi theo mấy cánh đồng mới tìm được chỗ diều rơi để thu dây.

“Ông trùm” diều sáo

Đến Song Vân mùa này, từ xa chúng tôi đã thấy trên bầu trời xanh có những cánh diều no gió bay lơ lửng với đủ sắc màu, kích cỡ khác nhau cùng những âm thanh, giai điệu phát ra từ sáo, nghe rất vui tai.

Nói đến diều Song Vân, không thể không nói đến nghệ nhân Ngô Hữu Bội (SN 1949, Chủ nhiệm CBL diều Song Vân), một người đã gần 60 năm gắn bó với thú chơi diều. Ông được xem là tay chơi diều có tiếng tại Bắc Giang, người dân đặt cho ông với biệt danh “ông trùm” diều sáo, bởi không có ai là đối thủ đáng gờm.

Biết chơi diều từ khi 10 tuổi, đến nay thú vui ấy của ông không hề giảm đi, ông còn “truyền lửa” cho thế hệ trẻ trong làng. Hễ rảnh rỗi là ông cùng bọn trẻ đi thả diều, nhiều lúc dù bận rộn lắm nhưng thấy có gió đẹp là lập tức ông ôm diều ra đồng thả.

Cho đến tận bây giờ, ông Bội không nhớ nổi mình đã làm được bao nhiêu con diều. Chỉ biết rằng, ông đang giữ cho mình kỷ lục về con diều và bộ sáo “khủng” nhất Việt Nam cho đến thời điểm này.

Ông Bội bên bộ sáo khủng

“Sau 3 tháng miệt mài, tôi đã hoàn thành con diều có sải cánh dài hơn 13m, rộng gần 5m và bộ sáo khủng nặng 8 cân với 13 cây sáo được xếp theo thứ tự âm thanh từ to đến nhỏ”, ông Bội cho biết.

Theo lời ông Bội, để có những cánh diều tốt phải qua rất nhiều công đoạn, trước tiên phải chọn được cây tre già có tuổi đời trên 10 năm, phơi liền 3 tháng, nếu cong thì phải đốt lửa uốn cho thẳng, khi đó làm khung diều mới khỏe, chắc chắn.

Điều quan trọng, khung trên phải to, cứng hơn khung dưới; hai đầu khung dẻo, vót đều nhau để khi uốn không bị gãy. Hoàn thiện được khung diều thì lúc này mới may vá, bọc áo diều (được làm bằng vải hoặc túi ni lông).

Diều Song Vân có hai loại: Diều nghịch và diều hiền. Diều nghịch là khi bay lên bầu trời cứ lảo đảo, lượn lên rồi lượn xuống liên tục còn diều hiền là khi no gió chỉ đứng im một chỗ. “Tùy vào cách chơi, sở thích của mỗi người mà họ tự làm cho mình con diều nghịch hay diều hiền”, ông Bội cho hay.

Con diều cỡ bé do ông Bội mới hoàn thành

Hỏi về kỹ thuật làm sáo, ông Bội chỉ tay vào đống dụng cụ và nói: Làm sáo chỉ cần cái đục, cái cưa, con dao nhọn. Muốn làm sáo, trước hết phải tìm ống nứa để làm tầm sáo (thân sáo) và gỗ mít để làm vửng sáo (mặt sáo), vì chất liệu gỗ rất bền và nhẹ, khi đẽo khe không bị vỡ, sau đó gắn chắc chắn tầm sáo và vửng sáo lại với nhau.

Với gần 40 năm kinh nghiệm làm sáo diều, ông Bội bảo: “Tùy theo kích thước của diều mà gắn sáo nào vào cho phù hợp. Nếu diều khung rộng hơn 4m thì sẽ gắn ống sáo có đường kính 20cm, dài hơn 80cm và cứ thế tăng lên”.

Ở Song Vân, nếu là người chơi diều sáo lâu năm, chỉ cần ngồi nhà cũng có thể biết diều to hay nhỏ, người chơi diều chỉ cần nghe tiếng sáo là biết. Diều nhỏ nhất còn gọi là de de vì sáo kêu de de, lớn hơn một chút thì kêu doi doi, đu đu, đi đi và lớn nhất là diều đì đì. Họ đánh giá chất lượng qua âm thanh tiếng sáo, mức độ đứng lâu trên không trung.

Người chơi diều nơi đây, chơi sáo theo số lẻ. Một bộ sáo gồm 3, 5, 7, 9 cây sáo được ghép lại với nhau. Để có được tiếng sáo hay thì âm thanh phát ra từ những cây sáo phải đanh, âm vang đồn dập, đập vào nhau khiến người ở xa nghe thấy tiếng vỏng vọng kêu.

“Muốn biết sáo diều hay thì phải thả lên trời mới đánh giá được, sáo hay thì có âm vang dồn dập như thôi thúc người nghe, còn sáo mà “nửa đêm một tiếng, gà gáy một hơi” thì chỉ có bỏ đi”, ông Bội chia sẻ.

Ông Bội đang đục sáo

CLB diều Song Vân thành lập từ 2008, hiện đã quy tụ được gần 20 thành viên tham gia gồm cả người già và trung niên. Đến nay, CLB cũng đã dành được nhiều giải thưởng của Hội thi thả diều Việt Nam do Sở VH-TT&DL Bà Rịa - Vũng Tàu tổ chức.

Cái hay của người chơi diều Song Vân là họ dùng tre già, vót nhỏ bằng đầu đũa, sau đó nối từng đoạn (4m/đoạn) với nhau thành một sợi dây tre dài để về thả diều, thay cho dây cước truyền thống. Người nghiên cứu ra loại dây đó không ngoài ai khác, chính là ông Bội.

“Có một lần tôi thả diều cỡ lớn bằng dây cước, do dây cước không chịu được sức căng của con diều nên đã bị đứt và con diều bay mất. Từ lúc đó, tôi mới nghiên cứu ra loại dây tre để thả diều”, ông Bội nhớ lại.

Thú chơi diều ban đêm

“Không biết chơi diều sáo, không phải con trai Song Vân”, đó là câu nói vui của người dân nơi đây. Người dân Song Vân coi thú chơi diều như một món ăn tinh thần, giúp họ quên đi cái mệt nhọc, lo âu của cuộc sống.

Không chỉ riêng ông Bội, mà nhiều thành viên chơi diều sáo khác ở Song Vân đều có chung một đam mê là thú chơi diều. Vào những ngày gió đẹp về, không thể bỏ lỡ cơ hội quý báu ấy, từ người già cho đến trẻ nhỏ đều mang diều ra đồng “đọ” nhau, xem diều ai đứng yên lâu nhất trên bầu trời.

Họ thả diều hết ngày này qua ngày khác, nhiều người còn thức trắng đêm để nằm nghe tiếng sáo diều, bởi ban đêm là khoảng thời gian tĩnh lặng nhất để họ cảm nhận những tiếng sáo vi vu, lùa vào thôn xóm thật thú vị.

Hơn nữa, vào bên đêm, những bóng đèn led được gắn vào con diều sáng lấp lánh như những vì sao lơ lửng trên bầu trời. Đem bao ước mơ, khát vọng của người Song Vân bay xa hơn, cao hơn.

Giải thưởng do Sở VH-TT&DL Bà Rịa - Vũng Tàu tặng ông Bội

“Vào những ngày đẹp trời, tôi thường rủ mọi người trong làng đem diều ra đồng thả, xem diều ai cất và đứng vững hơn. Chúng tôi thả diều và buộc dây vào cái cọc, thả tới vài ngày đêm trên bầu trời mà không đổ”, ông Bội nói.

Đối với những người chơi diều chuyên nghiệp ở Song Vân thì họ ngóng gió cả tuần trời. Theo kinh nghiệm, không phải cứ có gió là thả được diều mà phải nghe ngóng xem nếu đó là gió xoáy hay gió hiền hòa, nếu gió xoáy thì phải tuyệt đối không thả.

Ông Bội vừa cười vừa nói: Muốn biết trời đất như thế nào?, thì phải hỏi mấy người chơi diều. Bởi, những người chơi diều như chúng tôi rất am hiểu về thời tiết.

“Nếu thấy trời quang mây tạnh và trong xanh thì chắc chắn là gió không đẹp, mà phải đợi khi những đám mây đùn đùn từ phía Nam lên phía Bắc thì đúng là gió Đông Nam sắp về, lúc bấy giờ gió mới đẹp”, ông Bội lý giải.

Mùa hè chuẩn bị tới, là lúc phong trào thả diều Song Vân lên đến đỉnh điểm, là thời điểm thích hợp nhất để người dân Song Vân thể hiện những ước mơ và thú đam mê thanh cao này.

Ước mơ mang diều gắn cờ Tổ quốc thả ở Trường Sa

Với ông Bội, ước nguyện duy nhất của ông chưa thực hiện được là có một ngày được mang con diều khổng lồ có gắn lá cờ Tổ quốc in hình 54 dân tộc Việt Nam ra quần đảo Trường Sa thả với các chiến sĩ hải quân.

“Trong đầu tôi đã có ý tưởng từ rất lâu, muốn một ngày được mang con diều có gắn lá cờ Tổ quốc in hình 54 dân tộc Việt Nam ra quần đảo Trường Sa thả với các chiến sĩ hải quân, vì chính họ là những người đang bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc”, ông Bội ước nguyện.

MAI CHIẾN

Nguồn Nông Nghiệp: http://nongnghiep.vn/dieu-len-moi-co-dieu-do-moi-chan-post192089.html