Điều tàu sân bay đến Địa Trung Hải, Mỹ muốn tạo thế cân bằng với Nga

Sự hiện diện của tàu sân bay Mỹ ở Địa Trung Hải được cho là nỗ lực của Washington tạo thế cân bằng với Nga và đẩy mạnh cuộc chiến chống IS.

1. Reuters ngày 9/6 đưa tin, quân đội Mỹ sẽ có 2 tàu sân bay ở biển Địa Trung Hải trong tháng này trước khi Hội nghị Thượng Đỉnh của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) diễn ra tại Warsaw, Ba Lan.

Tàu sân bay USS Dwight D. Eisenhower. Ảnh Reuters

Tàu sân bay USS Dwight D. Eisenhower sẽ thay thế nhiệm vụ của tàu sân bay USS Harry S. Truman sau khi con tàu này hoàn thành nhiệm vụ triển khai trong 8 tháng và quay trở lại Mỹ.

Bộ Chỉ huy châu Âu Mỹ đã ban hành một tuyên bố xác nhận rằng, cụm tàu sân bay USS Dwight D. Eisenhower tiến vào vùng biển Địa Trung Hải hôm 8/6 để “hỗ trợ lợi ích an ninh quốc gia của Mỹ ở châu Âu”.

Điều đáng nói là động thái này của Mỹ diễn ra trùng với thời điểm diễn ra các cuộc tập trận quân sự của NATO ở Đông Âu và Thổ Nhĩ Kỳ. Theo giới quan sát, những diễn biến này hoàn toàn có thể khiến quan hệ giữa Mỹ và Nga thêm căng thẳng.

2. Cơ quan An toàn giao thông vận tải Australia (ATSB) cho biết đã liên lạc với Blaine Gibson, một nhà thám hiểm người Mỹ - người trước đó từng phát hiện ra các mảnh vỡ máy bay ngoài khơi bờ biển của Mozambique để biết thêm về thông tin nêu trên.

Ông Blaine Gibson và hai mảnh vỡ nghi của MH370 được tìm thấy trên đảo Nosy Boraha của Madagasca. Ảnh BBC

BBC dẫn lời ông Don Thompson, một kỹ sư người Anh tham gia vào một cuộc điều tra không chính thức về sự mất tích bí ẩn của MH370 đồng ý với nhận định cho rằng, một mảnh vỡ có thể là lưng ghế máy bay.

Theo ông Thompson, ông cảm thấy chắc chắn về điều này đến 99,9% bởi lưng ghế có màu hoàn toàn trùng khớp với loại ghế thông thường của Malaysia Airlines, hãng sở hữu chiếc máy bay mất tích.

Trong một diễn biến liên quan, người ta cũng đã tìm thấy một mảnh vỡ nghi của MH370 trên đảo Kangaroo, ngoài khơi bờ biển phía nam của Australia. Thông tin trên kênh 7 của Australia cho biết, mảnh vỡ được tìm thấy bám đầy rong rêu và có nhiều nét tương đồng với mảnh vỡ từ một chiếc máy bay.

3. Ngày 9/6, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã chính thức tuyên bố ủng hộ cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton ra tranh cử Tổng thống vào tháng 11 tới và cho biết sẽ cùng bà vận động tranh cử tại bang Wisconsin vào tuần tới.

Động thái của ông Obama được cho là nỗ lực nhằm thúc đẩy sự thống nhất hành động trong nội bộ đảng Dân chủ, qua đó có thể sớm quyết định ứng cử viên duy nhất của đảng này cho cuộc chạy đua vào Nhà Trắng.

Tổng thống Obama (trái) và bà Clinton. Ảnh Reuters

Washington Post dẫn lời Tổng thống Obama nói trong một đoạn băng ghi hình được ban vận động tranh cử của bà Clinton công bố, trong đó ông Obama cho biết: “Tôi biết công việc này khó khăn như thế nào. Và đó là lý do tại sao tôi hiểu rằng bà Hillary Clinton có thể làm tốt nếu bà ấy được lưa chọn”.

“Tôi nghĩ không ai có thể làm tốt hơn bà ấy để nắm giữ chức vụ này. Bà ấy có sự can đảm, lòng nhân ái và có trái tim để có thể làm tốt công việc này”, ông Obama nói thêm.

4. Ngày 10/6, tàu quân sự Hàn Quốc đã bắt đầu tiến hành hoạt động xua đuổi tàu cá Trung Quốc đánh bắt cá trái phép ở khu vực gần khu vực tranh chấp trên biển giữa Seoul và Bình Nhưỡng.

Theo đó, 4 tàu của hải quân và tuần duyên Hàn Quốc đã có mặt ở vùng biển trung lập giữa hai miền Triều Tiên quanh đảo Ganghwa của Hàn Quốc để xua đuổi khoảng 10 tàu cá Trung Quốc hoạt động trái phép ở đây.

Các tàu Hải quân Hàn Quốc thực hiện nhiệm vụ xua đuổi tàu đánh bắt cá trái phép của Trung Quốc. Ảnh AP

Các quan chức Hàn Quốc cho biết, Chính phủ Trung Quốc và Triều Tiên đã được thông báo trước về hoạt động nói trên để tránh xảy ra tranh cãi ngoại giao giữa các bên liên quan. Tuy nhiên, vị quan chức này từ chối cung cấp thông tin chi tiết về hoạt động xua đuổi tàu cá mà các tàu Hàn Quốc thực hiện.

Hoạt động của tàu quân sự Hàn Quốc được thực hiện chỉ vài ngày sau khi ngư dân Hàn Quốc ép hai tàu Trung Quốc đánh bắt cua trái phép gần khu vực biên giới trên biển với Triều Tiên rời khỏi khu vực và giao hai tàu này cho chính quyền Hàn Quốc. Sau vụ việc, Triều Tiên đã lên tiếng tố cáo tàu Hàn Quốc xâm phạm vùng biển của nước này.

5. Sẽ không có thêm vòng đối thoại hòa bình nào cho đến khi các bên nhất trí được các điều khoản cơ bản về việc chuyển giao quyền lực chính trị ở Syria.

Thông tin trên được Đặc phái viên của Liên Hợp Quốc về Syria Staffan de Mistura đưa ra trong cuộc họp báo tại Geneva ngày 9/6. Ông de Mistura bày tỏ không hài lòng về những bước tiến gần đây trong các cuộc đối thoại hòa bình Syria .

“Chúng tôi mong muốn các bên có những cuộc đối thoại cấp chuyên gia về vấn đề này và tôi sẽ không tham gia vào các cuộc đối thoại. Thời gian vẫn chưa chín muồi cho một vòng đối thoại chính thức thứ 3 về Syria.

Trên thực tế chúng tôi rất mong muốn tổ chức và tham gia các cuộc đối thoại hòa bình này sớm nhất có thể, nhưng các điều kiện vẫn chưa cho phép”, ông de Mistura nói.

Trần Khánh/VOV.VN

Nguồn VOV: http://vov.vn/thegioi/dieu-tau-san-bay-den-dia-trung-hai-my-muon-tao-the-can-bang-voi-nga-519279.vov