Điều tồi tệ nhất có thể chưa xảy ra ở Sudan

Đã tròn một năm kể từ khi nổ ra xung đột giữa quân đội Sudan và nhóm bán quân sự Các lực lượng hỗ trợ nhanh (RSF) vào ngày 15/4/2023, giờ đây, sự tan hoang, vắng lặng bao trùm bức tranh chung về quốc gia lớn thứ ba của châu Phi này.

Người lính bế em bé trong một cuộc sơ tán do xung đột ở Sudan. Ảnh: AFP

Hy vọng ngày càng mong manh

Cuộc xung đột tại Sudan được phần lớn dư luận quốc tế nhìn nhận là cuộc chiến giành quyền lực giữa hai tướng quân vốn là đồng minh trước đây. Cụ thể, trước khi xảy ra xung đột, chính quyền Sudan được lãnh đạo bởi Hội đồng Chuyển tiếp với Chủ tịch Hội đồng là Tổng tư lệnh Abdel Fattah Al-Burhan và Phó Chủ tịch Hội đồng là Tướng Mohamed Hamdan Dagalo - chỉ huy của RSF.

Trong giai đoạn cầm quyền, mối quan hệ giữa hai vị tướng nói riêng và giữa hai lực lượng nói chung ngày càng xấu đi. Bất đồng chủ yếu do liên quan đến quá trình chuyển đổi dân chủ ở Sudan, đặc biệt trở nên nghiêm trọng khi có đề xuất sáp nhập RSF vào quân đội Sudan. Từ đó, ngày 15/4/2023, các cuộc giao tranh đầu tiên nổ ra tại Thủ đô Khartoum và leo thang nghiêm trọng, nhanh chóng lan rộng toàn quốc.

Tuy nhiên, giới quan sát an ninh khu vực chỉ ra rằng, một năm vừa qua, xung đột không chỉ còn đơn thuần giữa quân đội Sudan và RSF mà ngày càng nhiều lực lượng dân quân cát cứ ở nhiều khu vực đi theo một trong hai phe tham chiến, tạo ra bối cảnh chiến loạn phức tạp. Hy vọng về một giải pháp chính trị có thể đạt được sự hài hòa với các bên theo đó ngày càng mong manh.

Các cuộc đàm phán hòa bình gián tiếp do Mỹ và Saudi Arabia làm trung gian dự kiến sẽ tiếp tục vào cuối tháng này. Song giới quan sát cho rằng, không có nhiều hy vọng về việc có thể đạt được lệnh ngừng bắn, nên khả năng giải quyết xung đột thông qua các cuộc đàm phán này trở thành điều mơ hồ.

Trong 12 tháng qua, hình ảnh về Sudan thường trực là sự tang thương, di tản, đói khát, những lời cáo buộc tội ác chiến tranh... Những video được lan truyền trên các nền tảng truyền thông đại chúng thể hiện rõ nét tác động của chiến tranh. Tại Thủ đô Khartoum, những con phố nhộn nhịp trước đây giờ đã gần như hoàn toàn vắng lặng với những tòa nhà đổ nát, xác ô tô cháy rụi la liệt trên đường...

Giới chuyên gia và dư luận Sudan cùng cho rằng, những “vết sẹo” do sự tàn bạo của chiến tranh gây ra trên mảnh đất này trong một năm qua có thể phải mất vài thập kỷ để chữa lành. Chưa dừng lại ở đó, những bình luận sâu sắc về tình hình Sudan chỉ ra một sự thật đáng buồn hơn rằng, những gì diễn ra trong một năm qua có thể chưa phải là điều tồi tệ nhất.

Trước thảm họa nạn đói, vũ lực vẫn có thể gia tăng

Xung đột tại Sudan từng là chủ đề thường trực trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhưng gần đây đã phải “nhường chỗ” cho những cuộc chiến khác được quan tâm nhiều hơn. Trong khi ở các “điểm nóng” khác có những cảnh báo về khủng hoảng nhân đạo, thì ở Sudan, tình hình còn tồi tệ hơn rất nhiều. Các cơ quan nhân đạo quốc tế gần đây đưa ra cảnh báo rằng, Sudan đang tiến tới một thảm họa nạn đói với quy mô lớn và nguy cơ tử vong hàng loạt cao ở mức báo động.

Nguyên nhân là bởi mạng lưới sản xuất và phân phối thực phẩm đã bị phá vỡ, trong khi các cơ quan viện trợ chưa thể tiếp cận những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Xung đột gây cản trở hoạt động viện trợ là vấn nạn đeo đẳng chưa thể giải quyết kể từ ngày 15/4/2023 đến nay. Thông thường, việc thiếu vắng sự hiện diện của hoạt động viện trợ cũng là một trong những yếu tố khiến sự tàn bạo dễ dàng diễn ra phổ biến hơn.

Theo Văn phòng điều phối nhân đạo của Liên hợp quốc tại Sudan, hàng vạn người có thể chết trong những tháng tới do các nguyên nhân liên quan tới suy dinh dưỡng. Các mối nguy hại có thể chuyển biến với tốc độ rất nhanh, nếu không có những hành động đủ mạnh để vượt qua thách thức về khả năng tiếp cận nhân đạo.

Các lời kêu gọi phổ biến là cộng đồng quốc tế cần hành động nhanh chóng để gây áp lực buộc các bên phải ngừng giao tranh và gây quỹ cho nỗ lực nhân đạo của Liên hợp quốc. Tuy nhiên, truyền thông quốc tế dẫn các nguồn thống kê phản ánh điều trái ngược, cho thấy cộng đồng quốc tế chưa dành sự quan tâm thực chất đối với Sudan.

Điển hình là chiến dịch quyên góp nhân đạo của Liên hợp quốc cần khoảng 2,7 tỷ USD để cung cấp thực phẩm, vật tư y tế cho 24 triệu người ở Sudan, tương đương khoảng một nửa trong tổng dân số 51 triệu người của nước này. Tuy nhiên đến nay, các nhà tài trợ mới chỉ trao 145 triệu USD, khoảng 5%.

Trong bối cảnh người dân sống lay lắt với những tác động khủng khiếp, quân đội Sudan đang thể hiện quyết tâm rất cao trong việc chấm dứt chiến tranh bằng vũ lực, bất chấp cái giá phải trả cho sự ổn định trong tương lai của đất nước.

Truyền thông khu vực cho hay, quân đội Sudan đang tăng cường mạnh mẽ nỗ lực tuyển mộ dân thường, tổ chức hàng nghìn người thành các lữ đoàn tình nguyện viên được trang bị vũ khí hạng nhẹ, như một cách bù đắp cho tình trạng thiếu hụt binh lính.

Sau nhiều tháng hoạt động yếu kém trên chiến trường, quân đội nước này đang có những động thái tích lũy mà giới quan sát cho rằng, đây có thể là bước chuẩn bị cho một loạt trận chiến đẫm máu nhất kể từ khi bùng phát xung đột.

Rất nhiều chiến đấu cơ, xe chiến đấu địa hình... cùng hàng vạn binh sĩ và tình nguyện viên đã sẵn sàng nổ súng giành lại quyền kiểm soát thành phố Wad Madani, phía Nam Thủ đô Khartoum đã bị RSF chiếm giữ vào tháng 12/2023. Kết quả của trận chiến ở thành phố nằm giữa vựa lúa mì của Sudan có thể quyết định kết quả của cuộc chiến.

Trong kịch bản được dự báo này, quy mô thảm khốc của cuộc xung đột nội bộ Sudan tất yếu sẽ leo thang nghiêm trọng, đẩy mảnh đất đau thương này tiến gần hơn nữa đến ngưỡng thảm họa nhân đạo tồi tệ nhất thế giới.

Báo The National News (UAE) cho biết, sau một năm, ước tính, xung đột Sudan khiến hàng chục nghìn người thiệt mạng, 8 triệu người phải di tản. Theo Chương trình Lương thực thế giới của Liên hợp quốc, khoảng 1/3 dân số Sudan, tương đương 18 triệu người, phải đối mặt với nạn đói trầm trọng.

Thanh Trúc

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/dieu-toi-te-nhat-co-the-chua-xay-ra-o-sudan-post474822.html