Điều tra chống trợ cấp có thể gia tăng

(TBKTSG Online) - Xuất khẩu hồi phục và trợ cấp từ các gói kích cầu có thể là cớ để các vụ điều tra chống trợ cấp có thể gia tăng trong thời gian tới.

Thu Nguyệt thực hiện Tiến sĩ Nguyễn Thị Thu Trang thuộc Hội đồng Tư vấn về phòng vệ thương mại của VCCI. Ảnh: taichinhdientu.vn. Sau một năm điều tra, ngày 26-3-2010 Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) ra kết luận cuối cùng, khẳng định có trợ cấp đối với túi nhựa PE nhập khẩu từ Việt Nam (với mức thấp nhất là 0,44%, cao nhất 52,56%, biên độ chung toàn quốc là 5,28%). Vào tháng 5 tới đây, nếu Ủy ban Thương mại Quốc tế Hoa Kỳ (ITC) cũng ra kết luận cuối cùng khẳng định có thiệt hại đối với ngành túi nhựa PE Hoa Kỳ, túi nhựa PE của Việt Nam sẽ chính thức bị áp thuế chống trợ cấp. Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online đã phỏng vấn tiến sĩ Nguyễn Thị Thu Trang thuộc Hội đồng Tư vấn về phòng vệ thương mại của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam về kết quả điều tra trên. TBKTSG Online: Điều tra chống trợ cấp đầu tiên đối với hàng hóa Việt Nam này có ý nghĩa gì, thưa bà? - TS.Nguyễn Thị Thu Trang: Vụ kiện ngay từ khi bắt đầu đã làm dấy lên một loạt lo ngại ở Việt Nam, không chỉ đối với ngành sản xuất túi nhựa PE. Nhiều nhà quan sát cho rằng việc áp dụng các biện pháp phòng vệ có nguy cơ gây hiệu ứng domino (một nước kiện một mặt hàng nào đó thì các nước khác có thể sẽ đi kiện theo), hay hiện tượng gia tăng các vụ điều tra chống trợ cấp sau giai đoạn khủng hoảng khi chính phủ các nước xuất khẩu có xu hướng hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu dưới dạng này hay dạng khác. Ngoài ra, đối với thị trường Hoa Kỳ, vụ kiện này đã phá vỡ một tiền lệ đối với Việt Nam mà Tòa án Hoa Kỳ thiết lập từ năm 1985 rằng việc kiện chống trợ cấp đối với các nước có nền kinh tế phi thị trường là không thể (do thiếu các điều kiện để tính toán). Trong suốt một thời gian dài DOC đã thực hiện án lệ này cho các nước có nền kinh tế phi thị trường như Việt Nam. Tuy nhiên, năm 2005 DOC tiến hành điều tra chống trợ cấp đầu tiên đối với hàng hóa Trung Quốc (cũng là túi nhựa PE) với lý do nền kinh tế nước này đã ở giai đoạn chuyển đổi, không còn là nền kinh tế phi thị trường thuần túy. Năm 2009, DOC khởi xướng điều tra chống trợ cấp túi nhựa PE Việt Nam với lý do tương tự. Điều này là một nguy cơ lớn nếu chúng ta biết rằng gần một nửa các vụ kiện chống trợ cấp mà WTO ghi nhận là do Hoa Kỳ tiến hành. Vụ kiện, do đó, mang nhiều ý nghĩa cảnh báo vượt ra ngoài khuôn khổ của một vụ kiện phòng vệ thông thường. Doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam cần chú ý gì đối với điều tra chống trợ cấp này? - Thứ nhất, việc khởi kiện chống trợ cấp trong hầu hết các trường hợp nằm trong ý định chủ quan của ngành sản xuất nội địa nước nhập khẩu. Nhiều khi lượng nhập khẩu cao và giá rẻ tạo cớ cho họ đi kiện dù trên thực tế chúng ta không bán phá giá, không trợ cấp và lý do thật sự nằm ở chỗ khác (trong năng lực cạnh tranh hạn chế của chính họ chẳng hạn). Trong khi những “cái cớ” khách quan mà họ có thể viện dẫn (sự gia tăng nhập khẩu hàng hóa từ Việt Nam với giá rẻ) đang là một thực tế khi xuất khẩu của chúng ta bắt đầu khởi sắc hơn sau giai đoạn ảm đạm và chúng ta vẫn cạnh tranh bằng giá là chủ yếu. Thứ hai, trong lịch sử WTO, sau một giai đoạn kinh tế khó khăn, khi chính phủ nước xuất khẩu tiến hành một số biện pháp hỗ trợ cần thiết cho doanh nghiệp, số lượng các vụ điều tra chống trợ cấp ở các nước nhập khẩu có xu hướng gia tăng. Có thể lấy ví dụ Hàn Quốc sau khủng hoảng kinh tế cuối những năm 80 đã phải đối mặt với một loạt các vụ kiện chống trợ cấp ở Hoa Kỳ và EU do các nước này cho rằng Hàn Quốc đã trợ cấp sản phẩm xuất khẩu. Nhiều chuyên gia đang lo ngại xu hướng như vậy có thể lặp lại sau cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu vừa rồi. Các thị trường xuất khẩu chủ lực của chúng ta hiện là nơi có số lượng các vụ điều tra chống trợ cấp lớn nhất. Do đó, doanh nghiệp xuất khẩu cần lưu ý đến động thái ở những thị trường này để có cách hành xử thích hợp trong từng trường hợp cụ thể (như ngăn chặn, đính chính ngay các tin đồn về việc hàng hóa được Chính phủ trợ cấp; thương lượng với ngành sản xuất nội địa nước nhập khẩu khi cần thiết để chặn ngay ý định kiện hoặc chí ít cũng biết trước về nguy cơ để có biện pháp đối phó trước). Những loại trợ cấp nào các doanh nghiệp Việt Nam bị cấm và không bị cấm nếu xuất hàng sang nước khác? - Khi gia nhập WTO, chúng ta cam kết tuân thủ tất cả các quy định liên quan đến trợ cấp trong khuôn khổ WTO mà không có bảo lưu riêng nào. Đây là cam kết rất cụ thể và không liên quan gì đến việc chúng ta bị coi là nền kinh tế phi thị trường hay không, cũng không căn cứ vào việc chúng ta gia nhập WTO được bao lâu. Vì vậy, việc xem xét những trợ cấp nào cho doanh nghiệp không bị cấm phải xét theo các quy định chung của WTO về vấn đề này. Cụ thể, theo Hiệp định về Trợ cấp và Biện pháp đối kháng của WTO thì đối với hàng công nghiệp, các trợ cấp xuất khẩu (trợ cấp để thúc đẩy xuất khẩu và yêu cầu về tỷ lệ nội địa hóa) đều bị cấm hoàn toàn. Các trợ cấp khác nếu được áp dụng chung (không cho riêng một hay một số doanh nghiệp, ngành hay lĩnh vực) được xem là trợ cấp được phép. Đối với hàng phi nông sản thì các hình thức trợ cấp được chấp nhận tương đối thoải mái hơn Hiệp định Nông nghiệp của WTO, tuy nhiên trợ cấp xuất khẩu vẫn là hình thức bị cấm trừ trường hợp trợ cấp của nước đang phát triển nhằm giảm chi phí tiếp cận thị trường nước ngoài (như trợ cấp cước phí vận chuyển, nâng phẩm chất hàng hóa…) và trợ cấp vận tải. Bà có ý kiến gì về đề xuất Việt Nam nên nghiên cứu ảnh hưởng của chính sách trợ cấp trong từng chương trình hỗ trợ cụ thể để tránh các vụ điều tra trên? - Từ lâu Hội đồng Tư vấn về Phòng vệ thương mại của VCCI muốn tiến hành nghiên cứu đầy đủ để so sánh đối chiếu các chính sách trợ cấp mà Chính phủ tiến hành, đặc biệt là khi Chính phủ thực hiện gói kích cầu và hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua giai đoạn kinh tế khó khăn vừa rồi, với các quy định về trợ cấp và các án lệ liên quan trong WTO. Nghiên cứu như vậy có thể giúp tránh những trợ cấp có thể tạo cớ cho các vụ kiện chống trợ cấp và giúp biện pháp trợ cấp có hiệu quả hơn. Tuy nhiên, nghiên cứu rất phức tạp, đặc biệt với một nước thành viên WTO non trẻ như Việt Nam. Rất tiếc là hội đồng chúng tôi đang thiếu nguồn lực để tiến hành một nghiên cứu quy mô như vậy cũng như huy động trí tuệ của các chuyên gia WTO trong và ngoài nước để thực hiện nghiên cứu. Xin cản ơn bà.

Nguồn Saigon Times: http://www.thesaigontimes.vn/home/kinhdoanh/xuatnhapkhau/32990/