Điều trị ngăn ngừa biến chứng tim mạch ở bệnh nhân đái tháo đường

Biến chứng tim mạch là biến chứng phổ biến, phức tạp và nguy hiểm nhất ở bệnh đái tháo đường. Đây là thủ phạm gây tử vong ở khoảng 80% và làm giảm tuổi thọ từ 5-10 năm của bệnh nhân so với người bình thường...

1. Tại sao bệnh đái tháo đường gây ra các biến chứng tim mạch?

Đái tháo đường cùng với rối loạn mỡ máu, tăng huyết áp có thể gây tổn thương cho tất cả các mạch máu trong cơ thể. Đường huyết cao cùng với một số nguyên nhân khác làm tăng nồng độ cholesterol trong máu lên quá cao, tích tụ trong thành các mạch máu lớn, làm thành mạch máu dày lên và lòng mạch máu bị co hẹp lại, thậm chí bị tắc, đó chính là bệnh xơ vữa động mạch.

Những nghiên cứu mới nhất đã chứng minh lớp áo trong của thành mạch máu (lớp nội mạc) có khả năng hoạt động như một tuyến nội tiết khổng lồ, tiết ra các chất chống xơ vữa động mạch và giữ vững độ đàn hồi của thành mạch.

Ở người đái tháo đường chức năng này bị rối loạn, do vậy xơ vữa động mạch dễ xuất hiện. Hậu quả là các mạch máu bị co hẹp hoặc tắc nghẽn, máu sẽ khó hoặc không đến được các bộ phận quan trọng trong cơ thể, khi đó các biến chứng sẽ xảy ra.

Đái tháo đường gây ra các biến chứng tim mạch nguy hiểm.

Đái tháo đường gây ra các biến chứng tim mạch nguy hiểm.

2. Biến chứng tim mạch do đái tháo đường có nguy hiểm không?

Khi các mạch máu lớn bị xơ vữa sẽ gây hẹp lòng mạch làm thiếu máu nuôi dưỡng các cơ quan. Nguy hiểm hơn là các mảng xơ vữa này rất dễ bị bong ra, trôi đi theo dòng máu và đến một đoạn nào đó sẽ bị tắc lại, làm toàn bộ 1 vùng phía dưới đó không được cấp máu và sẽ bị hoại tử. Nếu hiện tượng này xảy ra ở các mạch máu quan trọng như mạch vành, mạch não… thì nguy cơ bệnh nhân bị tử vong hoặc tàn phế là rất lớn.

Nguy cơ bị bệnh mạch vành và nguy cơ bị tai biến mạch máu não cao gấp 2-4 lần. Nguy cơ bị tắc hẹp các mạch máu ngoại biên cao gấp 4 - 8 lần ở các bệnh nhân đái tháo đường so với người bình thường.

Tuy các biến chứng tim mạch là rất nguy hiểm nhưng không có nhiều bệnh nhân đái tháo đường nhận thức được mối nguy hiểm này.

3. Điều trị ngăn ngừa các biến chứng tim mạch

Có nhiều biện pháp giúp bệnh nhân đái tháo đường ngăn ngừa biến chứng tim mạch. Các biện pháp này sẽ đạt hiệu quả cao hơn nếu được thực hiện sớm và thường xuyên.

3.1. Kiểm soát tốt đường huyết ở bệnh nhân đái tháo đường

Kiểm soát đường huyết để không bị rơi vào vùng nguy hiểm là biện pháp điều trị và phòng ngừa biến chứng tim mạch có hiệu quả cao nhất.

Các thuốc kiểm soát đường huyết bao gồm: Metformin, sulphonylurea, thuốc ức chế alpha-glucosidase, meglitinide/repaglinide, thiazolidinedione. insulin…

Tùy tình trạng, giai đoạn, mức độ bệnh mà bác sĩ chuyên khoa nội tiết - đái tháo đường sẽ có chỉ định dùng loại thuốc đơn độc hoặc phối hợp thuốc hợp lý.

Để giữ vùng đường huyết an toàn, cần đo đường huyết hằng ngày và làm xét nghiệm HbA1C mỗi 3 - 4 tháng một lần. Tiêu chuẩn HbA1C cho hầu hết bệnh nhân đái tháo đường là dưới 6,5%.

3.2. Kiểm soát tốt huyết áp

Khoảng 60% bệnh nhân đái tháo đường type 2 có kèm tăng huyết áp. Huyết áp của bệnh nhân đái tháo đường cần được khống chế ở mức 120/70 mmHg. Nếu không đạt được mức này thì cố gắng hạ huyết áp xuống càng gần mức này càng tốt.

Thường xuyên kiểm tra huyết áp.

Thường xuyên kiểm tra huyết áp.

Để điều trị có hiệu quả bệnh tăng huyết áp, trước tiên cần giảm cân (nếu có thừa cân); ăn tăng rau và hoa quả, ăn giảm muối, hạn chế các đồ ăn nhanh, thức ăn chế biến sẵn đóng hộp; hạn chế uống đồ uống có cồn...

Nên đo huyết áp thường xuyên tại nhà và mỗi lần đi khám bệnh. Uống thuốc hạ huyết áp đều đặn theo chỉ định của bác sĩ.

Lưu ý, phần lớn bệnh nhân đái tháo đường cần uống 2 đến 3, thậm chí là 4 loại thuốc mới có thể kiểm soát tốt được huyết áp. Một số loại thuốc huyết áp như: Các thuốc ức chế men chuyển (coversyl, renitec, zestril) hoặc thuốc chẹn thụ thể angiotensin II (appovel, micardis)... Các thuốc này ngoài làm hạ huyết áp còn có tác dụng tốt bảo vệ thận và tim của người bệnh đái tháo đường.

3.3 Điều trị tốt các rối loạn mỡ máu

Bệnh nhân đái tháo đường cần xét nghiệm mỡ máu định kỳ mỗi 3 - 6 tháng một lần. Có nhiều loại mỡ máu khác nhau và có vai trò khác nhau dẫn đến nguy cơ gây xơ vữa động mạch. Trong đó triglyceride và LDL - cholesterol là loại mỡ xấu, góp phần làm hẹp hoặc tắc mạch. Còn HDL- cholesterol là loại mỡ tốt, góp phần loại bỏ bớt cholesterol ở mạch máu. Điều trị cần làm giảm các loại mỡ xấu và làm tăng loại mỡ tốt.

Để điều chỉnh rối loạn mỡ máu cần lựa chọn thức ăn phù hợp, có nhiều chất xơ. Hạn chế thức ăn có chứa chất béo bão hòa hoặc có hàm lượng cholesterol cao như thịt, bơ, các sản phẩm sữa nguyên kem, trứng, mỡ hoặc thực phẩm có chứa dầu cọ hoặc dầu dừa.

Các loại thuốc trị mỡ máu thường dùng như: Rosuvastatin, simvastatin, enofibrate… Người bệnh cần tuân thủ dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ, báo cho bác sĩ biết nếu gặp các tác dụng phụ bất lợi nếu xảy ra.

3.4 Các biện pháp khác

- Tập thể dục tối thiểu 30 phút mỗi ngày. Người bệnh có thể hỏi ý kiến bác sĩ điều trị xem loại hình thể dục nào là phù hợp nhất.

- Giảm cân nếu bị thừa cân. Hãy tập thể dục đều đặn, đồng thời thực hiện chế độ ăn kiêng giảm chất béo và calo. Mục tiêu là làm giảm cân khoảng 0,5kg/tuần.

- Bỏ thuốc lá ngay vì thuốc lá cực kỳ có hại cho hệ tim mạch.

- Điều trị biến chứng thận: Điều trị tích cực ngay khi bệnh nhân có protein niệu vi thể. Protein niệu vi thể được coi là dấu hiệu báo trước sự xuất hiện các biến chứng tim mạch, nhất là biến chứng mạch vành.

- Làm siêu âm mạch máu 1 năm/lần. Nếu phát hiện mạch máu bị tắc hẹp thì nên điều trị nội khoa tích cực hoặc có thể phải điều trị can thiệp nong mạch hoặc phẫu thuật.

Các biến chứng tim mạch là rất phổ biến và là thủ phạm gây tử vong chính ở bệnh nhân đái tháo đường. Để điều trị và phòng ngừa các biến chứng tim mạch cần kiểm soát tốt cả đường huyết và các bệnh lý, rối loạn đi kèm như tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu, biến chứng thận...

TS.Nguyễn Vinh Quang

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/dieu-tri-ngan-ngua-bien-chung-tim-mach-o-benh-nhan-dai-thao-duong-169230204135731804.htm