Đình công sẽ còn là bất hợp pháp

Theo quy định của dự luật, sẽ khó có cuộc đình công nào là hợp pháp.

Tại phiên thảo luận tổ chiều 16-11 về dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi), nhiều đại biểu Quốc hội (ĐBQH) cho rằng với những quy định như dự thảo thì sắp tới, các cuộc đình công vẫn là... bất hợp pháp. Cạnh đó, các ĐB cũng bàn thảo về độ tuổi nghỉ hưu. Trường hợp nào được kéo dài tuổi nghỉ hưu…

Khó đình công hợp pháp

Theo thống kê, đến nay cả nước đã diễn ra trên 4.000 cuộc đình công nhưng tất cả đều là bất hợp pháp do không tuân theo trình tự, thủ tục đình công theo luật (trình tự, thủ tục này được nhiều người chứng minh là phức tạp, bất hợp lý và không phù hợp).

Phó Tổng Giám đốc TCT Công nghiệp Xi măng Việt Nam Nguyễn Hữu Quang (Thanh Hóa) dẫn chứng về quy định lấy ý kiến để đình công: Đối với tập thể lao động có công đoàn cơ sở thì lấy ý kiến của thành viên ban chấp hành công đoàn cơ sở và tổ trưởng các tổ sản xuất (...). “Tôi xin thưa, đó toàn là những người ăn lương của chính quyền (người sử dụng lao động - NV), những ông này làm sao đồng ý cho người lao động đình công được. Tôi cho rằng phải lấy ý kiến của tập thể người lao động, ví dụ trên 50%, 70% người lao động đồng ý thì được tổ chức đình công” - ông Quang nói.

ĐB Nguyễn Ngọc Hòa (TP.HCM) thảo luận tại tổ về dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi). Ảnh: TTXVN

Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam Trương Trọng Nghĩa cho rằng dự luật này thậm chí còn hạn chế quyền đình công hơn luật hiện hành. Bởi dự luật liệt kê năm trường hợp bị coi là đình công bất hợp pháp, trong đó gồm cả đình công không phát sinh từ tranh chấp lao động tập thể về lợi ích.

“Không thể tách đình công về quyền và lợi ích. TP.HCM có đình công để đòi tăng chất lượng bữa ăn, vậy thì đấy là quyền hay lợi ích?” - ĐB Lê Trọng Sang, Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội TP.HCM, nhận xét. Phó Trưởng đoàn ĐB chuyên trách Hải Phòng Trần Ngọc Vinh cũng băn khoăn, những cuộc đình công đan xen cả hai mục đích này thì giải quyết ra sao?

Nam, nữ đều nghỉ hưu ở tuổi 60?

Liên quan đến tuổi nghỉ hưu, ĐB Trần Ngọc Vinh và nhiều ĐB khác kiến nghị giữ nguyên như quy định hiện hành. Ông nói: “Trước đây, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã lấy ý kiến hai ngành có nhiều nữ nhất là giáo viên và bác sĩ thì họ đều phản đối. Dư luận nói chỉ những bà có tiền, có quyền mới đòi hỏi vậy chứ đa số thì không đồng tình, không muốn gia tăng tuổi lao động”.

Ngược lại, ĐB Nghĩa đề nghị quy định tuổi nghỉ hưu của nam và nữ đều là 60, riêng phụ nữ có quyền lựa chọn trước năm năm.

Theo dự luật, người lao động đảm bảo điều kiện về thời gian đóng bảo hiểm xã hội theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội được quyền nghỉ hưu và hưởng lương hưu khi nam đủ 60 tuổi, nữ đủ 55 tuổi. Tuy nhiên, tuổi nghỉ hưu của những người lao động làm các công việc nặng nhọc, độc hại, làm việc ở vùng cao, biên giới, hải đảo hoặc người lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao, người lao động làm công tác quản lý và một số trường hợp đặc biệt khác sẽ do Chính phủ quy định.

Ông Nguyễn Hữu Quang cho rằng cần thiết kế lại điều luật theo hướng nên giới hạn và quy định cụ thể hơn các điều kiện được kéo dài thời gian công tác khi đã đến tuổi hưu.

Ông Quang cho rằng việc để Chính phủ quy định quá nhiều sẽ không bảo đảm việc thực thi pháp luật. Hơn nữa, thực tế thời gian qua cho thấy có việc kéo dài tuổi nghỉ hưu không có lợi cho cơ quan, đơn vị, thậm chí còn khiến tình hình phức tạp. Ông Quang cho biết thực tế có những vị chủ tịch tập đoàn hay chủ tịch công ty... 58 tuổi làm hồ sơ đề xuất phong anh hùng lao động, mà có được danh hiệu này thì được kéo dài thêm năm năm công tác. “Vừa rồi dự hội nghị của khối các doanh nghiệp nhà nước có đại biểu 69 tuổi mà vẫn chưa về hưu” - ông Quang nói.

Đ.MINH - T.HẰNG

Nguồn PLO: http://www.phapluattp.vn/2011111712349955p0c1013/dinh-cong-se-con-la-bat-hop-phap.htm