Định hình rõ hơn chính sách hỗ trợ

Mới đây, Đoàn giám sát của Quốc hội Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến năm 2023 đã tiến hành Phiên họp thứ hai. Đây là một chuyên đề giám được cử tri rất quan tâm, bởi liên quan trực tiếp đến 'nơi an cư' của người lao động, người có thu nhập thấp. Cùng với đó, từ hoạt động giám sát có đánh giá, điều chỉnh, bổ sung nhằm hoàn thiện chính sách pháp luật, định hình rõ hơn chính sách hỗ trợ và thực thi về vấn đề này được tốt hơn.

Chính sách nhà ở xã hội là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước ta. “An cư lạc nghiệp”, nếu giải quyết được vấn đề nhà ở xã hội sẽ góp phần phát triển kinh tế, ổn định chính trị, bảo đảm an sinh xã hội. Để hiện thực hóa chủ trương này, Nhà nước đã ban hành nhiều cơ chế chính sách miễn, giảm thuế, miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất tín dụng dài hạn với lãi suất ưu đãi, cơ chế tài chính khác để hỗ trợ thực hiện chính sách nhà ở xã hội. Nhờ đó đã đáp ứng được một phần nhu cầu nhà ở xã hội cho người dân.

Cũng bởi đây là chính sách nhân văn, nên pháp luật đã quy định rất chặt chẽ đối tượng được mua nhà ở xã hội là: người có công với cách mạng, người thu nhập thấp, hộ nghèo, cận nghèo khu vực đô thị; người lao động đang làm việc tại doanh nghiệp trong, ngoài khu công nghiệp; sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân trong cơ quan, đơn vị thuộc công an nhân dân, quân đội nhân dân; cán bộ, công chức, viên chức; hộ gia đình, cá nhân thuộc diện bị thu hồi đất và phải giải tỏa, phá dỡ nhà ở theo quy định pháp luật mà chưa được Nhà nước bồi thường bằng nhà ở, đất ở... Ngoài ra, pháp luật cũng quy định để được mua nhà ở xã hội các đối tượng phải đáp ứng đủ điều kiện như: chưa có nhà ở, hoặc có nhà ở nhưng diện tích bình quân nhỏ hơn 10m2/người…

Quy định chặt chẽ về điều kiện là vậy, song, thời gian qua một số địa phương vẫn để xảy ra tình trạng các đối tượng là trung gian cò mồi, lợi dụng sự khan hiếm của nhà ở xã hội để rao mua bán nhằm trục lợi. Điều đó cho thấy, còn có sự buông lỏng trong quản lý nhà ở xã hội, cần xử lý nghiêm minh các đối tượng này.

Để phát triển nhà ở xã hội thực sự đạt yêu cầu, đúng mục đích xã hội cần phải định hình rõ hệ thống chính sách hỗ trợ để đúng đối tượng thụ hưởng, hạn chế tối đa việc trục lợi từ hỗ trợ chính sách nhà ở xã hội. Cùng với đó là cơ chế kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc thực hiện chính sách, tránh tình trạng “nhầm” đối tượng thụ hưởng.

Chuyên đề giám sát của Quốc hội nhằm đánh giá khách quan, toàn diện tình hình và kết quả thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023. Do đó, giám sát sẽ tập trung làm rõ đối tượng, điều kiện được thụ hưởng chính sách về nhà ở xã hội; quỹ đất, nguồn vốn để xây dựng nhà ở xã hội; việc thực hiện dự án xây dựng nhà ở xã hội; loại nhà và tiêu chuẩn, quy chuẩn nhà ở xã hội; việc xác định giá thuê, giá thuê mua, giá bán nhà ở xã hội; nguyên tắc bán, cho thuê, cho thuê mua nhà ở xã hội; về quản lý, vận hành nhà ở xã hội; việc thực hiện các kết luận giám sát, kiểm tra, thanh tra của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển nhà ở xã hội; chỉ rõ trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan khi để xảy ra vi phạm trong thực hiện chính sách nhà ở xã hội.

Giám sát để đánh giá được những mặt làm được và mặt tồn tại. Nhưng điều quan trọng là rút ra bài học kinh nghiệm để nâng cao hiệu quả việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển nhà ở xã hội. Từ đó, đề xuất nhiệm vụ, giải pháp xử lý những tồn tại, hạn chế; kiến nghị, đề xuất giải pháp hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật và nâng cao hiệu quả tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển nhà ở xã hội, trong đó có việc ban hành, tổ chức thực hiện các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), Luật Nhà ở (sửa đổi) được Quốc hội Khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ Sáu.

Bởi như Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn - Trưởng đoàn giám sát của Quốc hội "Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023" khẳng định, một trong những mục đích, yêu cầu cơ bản đặt ra đối với Đoàn giám sát là phải đề cao trách nhiệm, góp phần "giải mã" được thực chất những vấn đề thực tiễn đang đặt ra để tiếp tục hoàn thiện pháp luật và tổ chức thực thi pháp luật tốt hơn.

Lê Hùng

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/chinh-sach-va-cuoc-song/dinh-hinh-ro-hon-chinh-sach-ho-tro-i369184/