Định hướng sản xuất, giảm rủi ro cho người chăn nuôi

Gần đây, giá thịt lợn hơi tại các tỉnh phía nam, nhất là khu vực Đông Nam Bộ liên tục tăng. Từ chỗ, giá lợn hơi luôn duy trì ở mức 35.000 đến 36.000 đồng/kg, đã tăng lên 39.000 đến 39.500 đồng/kg, rồi tiếp tục tăng tới 40.000 đến 41.000 đồng/kg. Việc giá thịt lợn hơi tăng ở khu vực phía nam cũng tác động tích cực tới thị trường phía bắc, đẩy giá lợn xuất chuồng ở khu vực này dao động từ 40.000 đến 44.000 đồng/kg, thậm chí có ngày lên đến 47.000 đồng/kg. Nguyên nhân chính là do thương lái đẩy mạnh thu mua loại lợn mỡ (có trọng lượng hơn 110 kg, tỷ lệ thịt mỡ cao) để bán sang Trung Quốc.

Như vậy, việc giá thịt lợn hơi tăng phần nào tháo gỡ khó khăn cho người chăn nuôi sau thời gian dài bị thua lỗ, nhất là ở thời điểm đang vào vụ tái đàn, các hộ chăn nuôi cần tiền mở rộng quy mô, tăng đàn, phục vụ nhu cầu thực phẩm cho dịp Tết Nguyên đán. Mừng là vậy, song cũng có ý kiến lo ngại rằng, người chăn nuôi thấy lợn mỡ tiêu thụ dễ sẽ ồ ạt tăng đàn trong khi việc xuất khẩu tiểu ngạch này có thể không "bền", tiềm ẩn nhiều rủi ro khó lường trước. Bài học cho thấy, thời gian qua, khá nhiều nông sản của Việt Nam xuất sang Trung Quốc, đến cửa khẩu bị ách tắc như dưa hấu, vải... gây rất nhiều thiệt hại cho người nông dân. Hơn nữa, ở nước ta, thị trường lợn mỡ chỉ chiếm một phần rất nhỏ và giá cũng luôn đứng ở mức thấp. Vì vậy, các chuyên gia kinh tế đã cảnh báo, bà con cần phải cảnh giác, tìm hiểu kỹ, biết thị trường cần gì để hoạch định chiến lược sản xuất của mình. Trước mắt cần duy trì đàn lợn ổn định, không tăng đàn ồ ạt nhằm tránh tình trạng cung vượt cầu khi thị trường Trung Quốc ngừng mua và tiêu thụ trong nước khó khăn.

Để giảm rủi ro và giúp người chăn nuôi tăng lợi nhuận trong bối cảnh giá thức ăn vẫn tiếp tục "leo thang", thiết nghĩ bên cạnh những lời khuyên của các chuyên gia và cơ quan chức năng, các nhà quản lý cần vào cuộc thật sự trong việc theo dõi, giám sát từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm, nhằm kịp thời đưa ra những định hướng chuẩn xác, giúp người chăn nuôi tính toán thấu đáo, chủ động kế hoạch tái đàn phù hợp điều kiện kinh tế hiện tại. Ngành chăn nuôi trong nước cũng phải tổ chức sao cho chặt chẽ hơn, tránh để người dân nuôi theo phong trào.

Để làm được điều đó, hệ thống tổ chức quản lý ngành từ T.Ư đến địa phương cần nhanh chóng kiện toàn, tăng cường nhân lực, vật lực; đồng thời tạo sự phối hợp chặt chẽ giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Công thương trong việc thống kê thường xuyên số lượng đàn gia súc, gia cầm, theo dõi sát diễn biến thị trường, năng lực sản xuất để kịp thời điều tiết sản xuất, điều tiết việc lưu thông, tiêu thụ giữa các vùng, miền, bảo đảm đủ nguồn thực phẩm cho nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Bên cạnh đó, Nhà nước cần sớm xây dựng hàng rào kỹ thuật đủ mạnh và quy trình kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ việc thu mua, bảo đảm quyền lợi chính đáng cho nông dân.

QUANG MINH

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.org.vn/chinhtri/cung-suy-ngam/item/20999702-.html