DN bán lẻ và câu chuyện mở rộng mặt bằng

Câu chuyện về mặt bằng bán lẻ đã có từ lâu, nhưng càng lúc càng trở nên bức thiết đối với các doanh nghiệp (DN) kinh doanh hàng điện máy, nhất là khi thị trường rộng mở, với sự tham gia của đông đảo các DN trong và ngoài nước.

12 trung tâm mua sắm chất lượng cao, với tổng diện tích gần 160.000 m2 được đánh giá là còn quá khiêm tốn so với nhu cầu mua sắm của người dân Hà Nội mở rộng với hơn 6 triệu người. Do đó, việc mở rộng mặt bằng thị trường bán lẻ hiện được xem là câu chuyện thu hút sự quan tâm của nhiều doanh nghiệp bán lẻ, đặc biệt là các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực điện máy. Một vài năm trở lại đây, thị trường Việt Nam chứng kiến sự phát triển rất mạnh của các siêu thị điện máy với quy mô lớn, thay thế dần cho các cửa hàng bán đồ điện tử, điện lạnh nhỏ lẻ. Riêng thị trường Hà Nội, từ chỗ chỉ có 1, 2 siêu thị điện máy thì chỉ trong vòng 2 năm (2008 - 2009), số lượng này đã lên con số hàng chục. Mặt bằng = lợi thế Không còn là những thương hiệu mới, các tên tuổi như: Pico Plaza, HC, Best Carings, Nguyễn Kim… giờ đây đã được hầu hết người tiêu dùng biết đến không chỉ bởi các DN này chuyên phân phối những mặt hàng điện máy thiết yếu đối với mỗi gia đình, mà còn vì các thương hiệu này hầu hết đều có trung tâm bán hàng lớn, chuyên nghiệp tại những vị trí đắc địa của Thủ đô. Việc đi mua sắm hàng điện máy không đơn thuần là tìm hàng tốt, giá hợp lý mà còn là quãng thời gian đi tìm hiểu, so sánh giá, tham quan, thư giãn của rất nhiều người tiêu dùng nên ngoài vốn, chiến lược kinh doanh, quản trị hiệu quả… việc chọn cho mình được một mặt bằng kinh doanh rộng rãi, ở khu tập trung đông dân cư đã và đang được nhiều doanh nghiệp kinh doanh nhắm tới. Và thực tế cũng đã chứng minh, cùng là doanh nghiệp đó, vốn chừng ấy, kinh nghiệm đấy nhưng việc kinh doanh hiệu quả cao hay thấp, phụ thuộc rất nhiều vào vị trí của mặt bằng kinh doanh mà DN đó đang sở hữu. Cuộc cạnh tranh mở rộng mặt bằng Trong giai đoạn mở cửa thị trường hiện nay, trước sự “đổ bộ” của các tập đoàn bán lẻ nước ngoài vừa có vốn vừa có kinh nghiệm, bên cạnh việc nắm bắt thị hiếu tiêu dùng, một trong những chiến lược đối phó của các doanh nghiệp kinh doanh hàng điện máy chính là tập trung khai thác, sở hữu các mặt bằng bán lẻ có vị trí đẹp, thuận tiện. Chiến lược này đang được hầu hết các doanh nghiệp phân phối hàng điện máy thực thi ráo riết. Riêng thị trường Hà Nội, ngoài những trung tâm mua sắm hiện có, một số DN đã và sẽ mở rộng thêm mặt bằng kinh doanh. Topcare đang mở thêm 1 trung tâm mới tại khu vực Cầu Giấy với khoảng 3000m2; Việt Long đã chuyển vị trí kinh doanh từ đường Nguyễn Trãi sang vị trí đắc địa hơn tại trung tâm quận mới Hà Đông với diện tích hơn 1000m2. Mạnh tay hơn, Pico Plaza - tên tuổi đang được đánh giá là có quy mô và hiệu quả kinh doanh hàng đầu Việt Nam - thì dự kiến sẽ cho mở rộng thêm chuỗi siêu thị bán lẻ điện máy Pico Electronics với diện tích lên đến: 30.000m2 vào đầu năm 2010. Những không gian mua sắm hàng điện máy hiện đại, mới mẻ để thuận tiện nhất là điều người tiêu dùng chờ đợi Trong lúc diện tích mặt bằng bán lẻ còn “thiếu trước hụt sau” do nhu cầu ngày càng gia tăng và giá thuê mặt bằng luôn là thách thức đối với nhiều doanh nghiệp, việc đầu tư cho một mặt bằng lớn với chuỗi siêu thị mới Pico Electronics thực sự gây chú ý. Theo bà Trần Thị Hương, Chuyên viên phát triển thương hiệu Pico Plaza, đây được xem là sự kiện mở đầu cho việc thực hiện kế hoạch phát triển hệ thống siêu thị điện máy của Pico Plaza trên khắp lãnh thổ Việt Nam với cách đầu tư qui mô. Theo bà Hương, "chuỗi siêu thị mới sẽ là nơi khách hàng có thể tự khám phá và cảm nhận những nét khác biệt hoàn toàn so với các siêu thị điện máy khác tại Việt Nam bằng thiết kế không gian độc đáo, sống động về màu sắc, sang trọng và rất khoa học; hàng hóa đa dạng về mẫu mã, phong phú về chủng loại, là nơi trình diễn các sản phẩm công nghệ mới nhất của các tập đoàn điện tử; những dịch vụ chăm sóc khách hàng nhanh chóng mang lại lợi ích thiết thực cho khách hàng phong phú, hấp dẫn…”. Đi ngược bối cảnh - có hợp lý? Việc mở rộng mặt bằng kinh doanh vào đúng thời điểm kinh tế gặp nhiều khó khăn, sức mua của người tiêu dùng hạn chế, được nhiều người xem như là sự táo bạo của các doanh nghiệp trẻ, nhưng giống như nhiều doanh nghiệp trẻ khác, bà Trần Thị Hương cho rằng, “Việc mở rộng là cần thiết, thậm chí đây còn mở ra một cơ hội kinh doanh mới cho các DN trong chính thời điểm kinh tế có nhiều khó khăn. Nhưng để thành công, các DN cần cân nhắc để đưa ra những chiến lược phát triển phù hợp với thị trường mình lựa chọn. Đơn cử, các DN TP.HCM có lợi thế là có kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh siêu thị điện máy lâu hơn các DN Hà Nội, thế nhưng, khi ra Hà Nội, một thị trường, một môi trường kinh doanh hoàn toàn mới thì họ vẫn chưa phát huy được hết thế mạnh như khi còn kinh doanh tại TP.HCM. Tương tự, các doanh nghiệp Hà Nội nếu vào TP.HCM sẽ ngay lập tức vấp phải sự cạnh tranh quyết liệt của những nhà bán lẻ lâu năm, đầy kinh nghiệm của TP.HCM”. Theo dự kiến, từ nay đến 2011, Hà Nội sẽ đón nhận hơn 400.000m2 diện tích bán lẻ của hơn 15 dự án đang được triển khai. Đây là tin vui đối với những DN đang tìm kiếm mặt bằng. Và những DN sở hữu mặt bằng bán lẻ thuận lợi sẽ được xem là có lợi thế cạnh tranh lớn trong tương lai. Tác giả : Vân Anh

Nguồn VTV: http://www.vtv.vn/article/get/mo_rong_mat_bang_va_dn_ban_le__2969856fca.html