DN gỗ lại “kêu” về chính sách thuế

Một số DN thuộc Hiệp hội gỗ tỉnh Bình Dương vừa có kiến nghị gửi DĐDN về những bất cập về các chính sách đối với hoạt động kinh doanh sản xuất của DN gỗ. Các DN cho rằng: “Các chính sách thuế hiện nay thay đổi liên tục, DN vừa mới nắm bắt được văn bản này để thực hiện thì Nhà nước đã ban hành văn bản mới. Kỹ thuật văn bản thì chung chung, hiểu theo cách nào cũng được…”.

Các DN gỗ tỉnh Bình Dương phân tích: “Trong 6 năm Bộ Tài chính đã thay đổi chính sách thuế đến 3 lần” làm cho các DN và cơ quan thừa hành rất khó khăn trong thực hiện, bị động trong kế hoạch sản xuất kinh doanh. Cụ thể năm 2005, Bộ Tài chính (TC) ban hành Thông tư 113/2005/TT- BTC ngày 15/12/2005 không đánh thuế giá trị gia tăng (GTGT) đối với nguyên liệu nhập khẩu (NK) dùng cho sản xuất hàng xuất khẩu (XK). Nhưng ngày 14/6/2007, Bộ TC lại ban hành Thông tư 59/2007/TT- BTC để thay TT 113, áp thuế GTGT trở lại đối với nguyên liệu NK dùng sản xuất hàng XK. Sau đó, ngày 20/4/2009 Bộ TC lại ban hành Thông tư 79/TT- BTC thay cho Thông tư 59, đối với nguyên liệu NK dùng sản xuất hàng XK thì DN cứ nộp thuế GTGT, sau đó nộp đủ các loại giấy tờ cần thiết chứng minh việc NK, việc XK... để được trả lại số tiền thuế đã nộp. Việc nộp trước, hoàn lại sau này vô cùng phức tạp và mệt mỏi đối với cả DN và cán bộ thuế. Quyết định, công văn liên tục thay đổi Các DN còn cho biết Bộ TC đã liên tục thay đổi các quyết định, công văn hướng dẫn việc nộp thuế của DN. Mà càng thay đổi thì càng phức tạp, khó thực hiện. Cụ thể như việc đánh thuế 10% đối với sản phẩm gỗ XK mà DĐDN đã có loạt bài phản ánh (các số báo ngày 3/12; 05/12; 26/12/2008). Ngày 20/12/2007 BTC ra QĐ số 106/QĐ- BTC thu thuế XK gỗ đối với sản phẩm làm bằng gỗ rừng tự nhiên, không thu thuế XK đối với sản phẩm làm bằng gỗ rừng trồng và gỗ NK. Điều này được DN đồng tình vì sẽ giảm phá rừng, khuyến khích trồng rừng và NK gỗ sản xuất tạo việc làm và lợi nhuận cho VN. Tuy nhiên, ngày 23/9/2008 thì BTC lại ban hành CV 11270/BTC- CST nhằm thu 10% thuế XK đối với sản phẩm XK làm bằng gỗ NK. CV này không khuyến khích hoạt động sản xuất thu lợi cho đất nước. Cụ thể là DN gỗ dùng nguyên liệu NK không ảnh hưởng đến tài nguyên quốc gia, sản xuất sản phẩm XK mang lại lợi nhuận và việc làm cho VN, phát triển công nghiệp chế biến gỗ lẽ ra phải khuyến khích cho thêm tiền, chứ không nên đánh thuế XK. Thế là sau chưa đầy một tháng BTC lại ban hành QĐ 109/2008/QĐ- BTC không thu thuế XK đối với bất cứ sản phẩm gỗ nào dù làm bằng nguyên liệu có nguồn gốc rừng trồng, gỗ NK hay gỗ rừng tự nhiên. QĐ này trước mắt được các DN hoan nghênh, nhưng lại bất hợp lý ở chỗ đánh đồng việc sản xuất sản phẩm gỗ từ nguyên liệu do phá rừng mà có, với nguyên liệu NK và trồng rừng mà có. Chưa đầy một tháng sau, ngày 26/12/2008 BTC lại ban hành Quyết định số 123/2008 yêu cầu thu lại thuế XK đối với sản phẩm gỗ có nguồn gốc gỗ thuộc nhóm 44.03 (gỗ cây, đã hoặc chưa bóc bỏ, giác gỗ hoặc đẽo vuông thô). Theo các DN, QĐ 123 đã đánh vào hầu hết các sản phẩm gỗ có nguyên liệu là gỗ nguyên cây, là nguyên liệu chủ yếu nhất hiện nay của ngành gỗ XK Ngoài ra, QĐ số 123 cũng đánh vào sản phẩm gỗ có nguồn gốc nguyên liệu gỗ rừng trồng, không khuyến khích trồng rừng. Như vậy, chỉ hơn 12 tháng mà BTC đã thay đổi 4 lần về chính sách thuế XK sản phẩm gỗ. Nguyên nhân có thể là do không thể xác định chính xác nguồn gốc nguyên liệu sản xuất. Tuy nhiên, các DN cho rằng việc đánh thuế phải dựa trên cơ sở khuyến khích sản xuất, hạn chế việc xâm hại khai thác tài nguyên quốc gia. Cụ thể là cứ đánh thuế XK đối với sản phẩm làm bằng gỗ rừng tự nhiên nhưng ngành chức năng phải có trách nhiệm xác định chính xác nguồn gốc nguyên liệu của các sản phẩm gỗ XK. Quên ân hạn thời gian nộp thuế Khoản e điểm 1 mục III Nghị quyết 30/2008/NQ - CP ngày 11/12/2008 có quy định “giãn thời gian ân hạn nộp thuế đối với một số ngành phù hợp với chu kỳ sản xuất và tiêu thụ sản phẩm”. Thông tư 79/2009/TT-BTC hướng dẫn thực hiện Nghị quyết 30, tại khoản b.1 điểm 2 điều 18 đã nêu các trường hợp đặc biệt được giãn thời hạn nộp thuế hơn 275 ngày là các ngành như đóng tàu, nuôi trồng thủy sản, ngọc trai, chế biến các loại nông sản thu hoạch theo mùa vụ... Tuy nhiên, TT 79 lại không ghi ngành sản xuất chế biến gỗ vào danh sách được ân hạn thời gian nộp thuế, có thể người soạn thảo TT 79 quên rằng ngành này là ngành có chu trình sản xuất khá dài, từ khi NK nguyên liệu đến khi XK sản phẩm trung bình luôn trên 275 ngày. Hơn nữa, do khủng hoảng kinh tế vừa qua, rất nhiều DN gỗ vẫn dự trữ nguyên liệu đã NK từ đầu năm 2008 cho đến nay vì chưa có đơn hàng, chu trình sản xuất nhiều DN đã hơn 400 ngày. Do vậy nhiều DN đã bị cho vào danh sách nợ thuế chây ỳ oan. Các DN gỗ tại Bình Dương cho biết, Bình Dương hiện có hơn 500 DN chế biến gỗ, chiếm 25% số DN gỗ cả nước. Năm 2008 các DN gỗ Bình Dương chiếm hơn một nửa trong 2,78 tỷ USD tổng kim ngạch XK đồ gỗ VN. Vì vậy, các DN tha thiết: “DN phản ánh qua báo chí trên tinh thần xây dựng, mong các cơ quan chức năng thấu hiểu và chỉnh sửa”.

Nguồn Vinacorp: http://news.sanotc.com/vi/364406/dn-go-lai-keu-ve-chinh-sach-thue.aspx